/ 374
530

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 240

****************

PHẨM THỨ MƯỜI

GIAI NGUYỆN TÁC PHẬT

Kinh văn: “Phật thuyết A Di Đà Phật, vi Bồ Tát cầu đắc thị nguyện thời. A Xà Vương tử, dữ ngũ bách đại trưởng giả, văn chi giai đại hoan hỷ. Cát trì nhất kim hoa cái, câu đáo Phật tiền tác lễ. Dĩ hoa cái thượng Phật dĩ, khước tọa nhất diện thính Kinh, tâm trung nguyện ngôn: “Linh ngã đẳng tác Phật thời, giai như A Di Đà Phật””.

Đoạn Kinh văn này đã cho chúng ta sự khải thị rất lớn, chúng ta phải nên tỉ mỉ mà thể hội. Câu thứ nhất là tổng kết của mấy phẩm phía trước. Từ phần mở đầu thẳng cho đến phẩm thứ chín viên mãn thành tựu đều là Thế Tôn vì chúng ta mà giới thiệu thành tựu không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà. Thành tựu này không phải vì bản thân của Phật A Di Đà. Ở điểm này chúng ta phải đặc biệt lưu ý, Phật A Di Đà là vì Bồ Tát. Những người nào là Bồ Tát? Phàm là người phát tâm tu pháp môn Tịnh Độ, phát nguyện ngay trong một đời này cầu sanh về Tịnh Độ, thì người này chính là Bồ Tát. A Di Đà Phật 48 nguyện đều là vì người mà phát ra. Điểm này chúng ta phải hiểu.

Thế Tôn ở trên Kinh Đại thừa đã giới thiệu với chúng ta rất nhiều, Phật A Di Đà đã thành Phật từ kiếp lâu xa rồi, tuyệt đối không phải mới vừa thành Phật ở Cực Lạc Thế giới cách đây mười kiếp. Bạn mà nghĩ như vậy thì đã sai rồi. Cũng giống như Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta ba ngàn năm trước đản sanh tại Ấn Độ thị hiện tám tướng thành đạo, tuyệt đối Thích Ca Mâu Ni Phật không phải là một người tu hành bình thường thật sự dưới cội Bồ Đề đang đêm nhìn thấy ánh sao liền “đại triệt đại ngộ”, liền thành Phật. Nếu chúng ta xem từ chỗ này thì cũng sai ý nghĩa. Đức Phật Ngài ở trên “Kinh Phạm Võng” nói với chúng ta, Ngài đến Thế giới Ta Bà để thị hiện thành Phật, cũng như là việc biểu diễn “tám tướng thành đạo” này, lần này là lần thứ tám ngàn rồi. Từ đây mà biết, Thế Tôn và A Di Đà Phật là giống nhau, từ kiếp lâu xa đã viên thành Phật đạo rồi. Thế Tôn là biểu diễn tại thế gian này của chúng ta, A Di Đà Phật thì biểu diễn tại Cực Lạc Thế giới. Thế Tôn biểu diễn tại thế gian này của chúng ta là để cho chúng sanh ở trên địa cầu này xem thấy, Phật A Di Đà tại Cực Lạc Thế giới làm sự biểu diễn này là để cho tận hư không biến pháp giới tất cả chúng sanh hữu duyên xem thấy. Thế nào là chúng sanh hữu duyên? Sau khi xem xong liền chân tín thiết nguyện, mong được vãng sanh Cực Lạc Thế giới, thì người này là hữu duyên với Phật A Di Đà. Phật A Di Đà không những độ chúng sanh Thế giới Ta Bà, mà Ngài độ vô lượng vô biên chúng sanh trong mười phương thế giới, không ai mà không được độ như nhau. Chúng ta tại chỗ này thể hội được trí tuệ, đức năng, bi tâm, nguyện lực quảng đại vô biên của Phật A Di Đà. Việc này rất đáng để chúng ta phải học tập.

Phàm phu chúng ta cả đời không thể thành tựu, thậm chí là gặp được pháp môn này mãi mãi cũng sẽ để luống qua ngay trước mặt. Nguyên nhân gì vậy? Tâm lượng quá nhỏ bé, hoàn toàn không có tương ưng với tâm nguyện của Phật A Di Đà. Người như vậy chỉ có thể kết cái pháp duyên với Phật A Di Đà, ngay trong đời này không thể thành tựu, không thể vãng sanh.

Người mà chân thật muốn được vãng sanh, nhất định phải biết mở rộng tâm lượng, thật sự mà làm đến được “tâm bao thái hư lượng châu sa giới”. Chúng ta chân thành giống như là Phật A Di Đà vậy, thanh tịnh giống như vậy, bình đẳng giống như vậy, từ bi giống như vậy, đem cái đại pháp này giới thiệu cho tất cả mọi người. Dùng phương pháp gì để dạy? Không nhất định phải nói bằng miệng, nói bằng miệng người nghe chưa chắc đã tin, quan trọng nhất là thân giáo.

Năm ngoái, Lâm trưởng của Cư Sĩ Lâm là lão cư sĩ Trần Quang Biệt niệm Phật vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế giới, đã biết ngày mất trước ba tháng. Đây là thân giáo, lấy mình làm gương. Mấy ngày trước Lý hội trưởng nói với tôi, gần đây có một vị lâm hữu của Cư Sĩ Lâm cũng là niệm Phật mà biết trước ngày vãng sanh. Ngày đầu tiên nói với gia đình quyến thuộc của bà rằng đúng 5 giờ sáng ngày mai, bà sẽ đi đến Cực Lạc Thế giới, nói với mọi người không nên khóc, không nên đau buồn, không phải chết mà là đến Thế giới Cực Lạc. Đến khuya hôm đó, hơn ba giờ sáng thì bà đã thức dậy, tắm sạch, chải đầu, thay y phục, đúng 5 giờ sáng thì ra đi. Những người này đều là thọ trì bổn hội tập “Kinh Vô Lượng Thọ”, đều là có thoại tướng tốt như vậy. Hôm nay tại Cư Sĩ Lâm, tôi đã gặp được con dâu và con gái của bà. Họ nói với tôi, lúc đem thiêu xong thì có hoa xá lợi, có xá lợi, vô cùng hoan hỷ. Lý hội trưởng nói đây là chứng minh cho việc thọ trì bản hội tập không có sai trái. Cách khuyến hóa này so với chúng tôi nói bằng miệng thì hiệu quả hơn nhiều. Cho nên chúng ta phải khuyên người, trước khi chưa vãng sanh chúng ta nên nói cho mọi người nghe, sau cùng thì chúng ta phải biểu diễn một lần cho họ thấy, người khác mới chịu tin tưởng. Cho nên, bản thân phải nắm chắc chắn thì ngay trong một đời này khẳng định sẽ vãng sanh. Sự chắc chắn đó là từ đâu mà đến? Tôi từng nói qua với các vị rất nhiều lần rồi, chúng ta có giấy chứng nhận vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế giới, việc này nhất định không thể xem thường. Giấy chứng nhận đó là gì? Bản hội tập “Kinh Vô Lượng Thọ” chính là giấy chứng nhận, “Kinh Phật thuyết A Di Đà” chính là giấy chứng nhận. Chúng ta mỗi ngày thọ trì đọc tụng, thâm giải nghĩa thú y giáo phụng hành thì sao có đạo lý không được vãng sanh?

/ 374