PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 239
****************
Thích Ca Mâu Ni Phật cũng là vô lượng giác. Tại thế gian này của chúng ta không dùng chữ “A Di Đà”, mà dùng “Thích Ca Mâu Ni” là ý nghĩa gì? Phải xem người thế gian chúng ta bị căn bệnh gì? Thị hiện của Phật Bồ Tát, danh hiệu của Phật Bồ Tát, thuyết pháp của Phật Bồ Tát không ngoài việc giúp chúng sanh trị bệnh mà có. Hiện tại căn bệnh của chúng sanh thế gian này chúng ta là thiếu lòng yêu thương, thiếu lòng từ bi, cho nên danh hiệu dùng chữ “Thích Ca”. “Thích Ca” có nghĩa là nhân từ, là năng nhân. Đây là Phật dạy cho chúng ta, chúng ta đối đãi với người quyết định phải nhân từ, đặc biệt là những người đối xử không tốt đối với chúng ta, người hủy báng, người đố kỵ, người chướng ngại, thậm chí là người hãm hại ta, nhất định phải nhân từ đối với họ, quyết định không thể có một cái ác niệm, chúng ta mới là học trò của Thích Ca Mâu Ni Phật. Đây là đối với người, còn đối với mình là “Mâu Ni”. “Mâu Ni” có ý nghĩa là “tịch diệt”. “Tịch” là tịch tĩnh. Nói tịch tĩnh mọi người rất khó hiểu, chúng tôi đem ý nghĩa nói cho cạn một chút là “thanh tịnh”, vậy thì chư vị dễ hiểu. Với chính mình nhất định phải thanh tịnh. “Diệt” nghĩa là gì? Diệt phiền não, chúng ta dùng lời ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” để mà nói, vọng tưởng phân biệt chấp trước phải diệt, bằng mọi cách phải giảm trừ vọng tưởng phân biệt chấp trước. Cho nên tôi khuyên đồng học, chân thật muốn thành tựu thì quyết định không nên xem truyền hình, không nên xem báo chí, không nên nghe tin tức. Vì sao vậy? Những thứ này đều là nhiễm ô, hết thảy đều phải từ bỏ. Các vị ở tại thế gian là thiên hạ đại loạn, thế giới của tôi là thiên hạ thái bình, là vô sự, các vị xem mấy thứ đó thì sự tình liền nhiều hơn, không xem thì không có chuyện gì rồi phải không? Các vị tại sao cứ phải đa sự chứ? Hiện tại tôi vẫn thường hay thấy rất nhiều đồng học cả ngày ôm lấy cái điện thoại. Sóng vô tuyến của điện thoại sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ. Tôi nghe nói, người gọi điện thoại nhiều thì người đó sẽ bị đau nửa bên đầu. Nói nhiều không bằng nói ít, nói ít không bằng không nói gì, có nhiều lời đáng để nói như vậy hay sao? Vậy khi điện thoại còn chưa được phát minh, bạn vì sao lại được thanh tịnh? Cái gì là yêu ma quỷ quái? Những thứ này là yêu ma quỷ quái, điện thoại di động là yêu ma quỷ quái, truyền hình là yêu ma quỷ quái, báo chí là yêu ma quỷ quái. Ngày ngày cứ tiếp xúc với những thứ này thì phiền não của bạn rất lớn. Chư Phật Bồ Tát tâm địa thanh tịnh không nhiễm bụi trần, họ có đối với tất cả pháp thế gian không hay không biết không? Xin nói với các vị, so với những người ngày ngày chú ý tin tức, thì các Ngài còn rõ hơn, nhưng các Ngài không cần. Chúng ta ngày ngày nghe những tin tức này, có nhiều lúc vẫn phán đoán sai lầm. Các Ngài cả ngày cứ nhắm đôi mắt, như như bất động, mà quan sát thấy rõ ràng minh bạch, một chút thấy biết sai lầm cũng không có. Chúng ta tại vì sao không học cái khả năng này? Tôi rất ít tiếp xúc với những tin tức bên ngoài, tôi gặp một số người ở đài truyền hình đến phỏng vấn, tôi đối đáp mà không có chướng ngại, họ không hỏi thì tôi không biết, họ vừa hỏi tôi liền biết. Tâm thanh tịnh rất quan trọng, quan trọng hơn bất cứ thứ gì.
Phật pháp đến sau cùng là minh tâm kiến tánh, nhập vào cảnh giới Phật. Sau cùng chỉ có ba môn, vô lượng vô biên pháp môn, đến sau cùng chỉ có ba môn. Ba môn này chính là Giác-Chánh-Tịnh. Chúng ta ngày nay nói quy y Tam Bảo, ở trên “Đàn Kinh” tôi vô cùng bội phục Lục Tổ Đại Sư, Lục Tổ Ngài nói tam quy y Ngài không có nói quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Đường triều vào lúc đó, họ không dùng cách nói này. Sau khi tôi đọc xong Kinh này thì liền nghĩ, Ngài tại vì sao không dùng cách nói này. Có thể là vào lúc đó, mọi người đối với quy y Tam Bảo đã có sự sai lệch, đã có sự sai lầm, cho nên Ngài không nói Phật Pháp Tăng, Ngài nói quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh. Sau đó lại giải thích, Phật là Giác vậy, Pháp là chánh vậy, Tăng là tịnh vậy. Cách giải thích này quá hay. Cho nên, đến sau cùng là ba môn, Thiền tông, Tánh tông đi vào Giác môn, “đại triệt đại ngộ” mà nhập môn; Giáo Hạ thì đi Chánh môn, là chánh tri chánh kiến, “đại khai viên giải”; Tịnh Độ Tông cùng Mật Tông thì đi vào Tịnh môn, tâm thanh tịnh. Ở bên ngoài còn chưa có bước vào là Thiền Môn, bước vào thì đều là như nhau, một cái mà đạt được thì ba cái đều được. Cho nên, chúng ta phải hiểu rõ căn tánh của chính mình, trong ba môn thì chọn một môn, một môn thâm nhập, nhưng quyết định là phải tôn kính đối với những hành môn khác. Nếu bạn nói môn này của ta là tốt, môn của họ không bằng ta, thì bạn có thể vào được hay không? Vào không được. Tại sao vậy? Chỉ cần bạn có cái ý niệm này thì bạn là tà tri tà kiến, tâm của bạn không Giác, tâm của bạn không Chánh, tâm của bạn không Tịnh, bất luận là tu học pháp môn nào đều không thể thành tựu. Nhất định phải như 53 vị thiện tri thức trên “Kinh Hoa Nghiêm”, pháp môn mà họ tu đều không giống nhau, đối với những pháp môn khác, không ai mà không tự mình khiêm tốn tán thán người khác. Những Đại đức Trung Quốc xưa thường hay chỉ dạy chúng ta: “Muốn Phật pháp hưng chỉ có tăng khen tăng”. Nếu chúng ta mong muốn thế giới hòa bình, vậy thì chúng ta nhất định phải hiểu được tôn giáo tán thán lẫn nhau, quyết định không có hủy báng.