535

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 238

****************

Kinh văn: “Pháp Tạng thành Phật, hiệu A Di Đà, thành Phật dĩ lai, ư kim thập kiếp. Kim hiện tại thuyết pháp. Hữu vô lượng vô số Bồ Tát, Thanh Văn chi chúng, cung kính vi nhiễu”.

Ba đoạn nhỏ này là hiện chánh báo, hiện thuyết pháp, hiện độ sanh. Trên Kinh này và trên “Kinh Di Đà” cũng là thuộc về một đoạn Kinh văn rất quan trọng, phía trước chúng ta đọc đến Thế Tôn vì chúng ta giới thiệu, Pháp Tạng Bồ Tát là vì để thù nguyện độ sanh, thị hiện tại Tây Phương Cực Lạc Thế giới. Tây Phương ở đây là hướng tây của “Diêm Phù Đề” chúng ta, là hướng tây của Thế giới Ta Bà. “Hữu thế giới danh viết Cực Lạc”, trong “Kinh Di Đà” chúng ta đã có đọc đến “hữu Phật hiệu A Di Đà kim hiện tại thuyết pháp”. Trước đây, Ngẫu Ích Đại Sư chính là ở ngay một đoạn Kinh văn này đã khẳng định Tây Phương Cực Lạc Thế giới, cho nên đã đổi tên của Ngài thành “Tây Hữu Đạo Nhân”, ý nói với chúng ta Thế giới Tây Phương xác thực là có thật, quyết định không phải là giả. Hôm nay tiếp theo chúng ta xem, đã có Thế giới Tây Phương, có Phật hiệu là A Di Đà, Pháp Tạng thành Phật hiệu A Di Đà, thành Phật dĩ lai ư kim thập kiếp. Những khai thị này chúng ta quyết định không thể nào lơ là, ý nghĩa của nó vô cùng sâu rộng. Pháp Tạng Bồ Tát tại Thế giới Tây Phương Cực Lạc thị hiện thành Phật, chư vị nhất định phải nghe cho rõ, thị hiện thành Phật thì cũng giống như Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta, không khác. Thích Ca Mâu Ni Phật 3.000 năm trước tại Ấn Độ thị hiện thành Phật, Phật ở trên “Kinh Phạm Võng” nói với chúng ta, Ngài lần này ở tại thế gian này của chúng ta thị hiện thành Phật là lần thứ 8.000. Từ đây mà biết, Thế Tôn từ lâu đã thành Phật, không phải trong đời này mới tu hành chứng quả. Cùng đạo lý như vậy, Phật A Di Đà cũng đã thành Phật từ kiếp lâu xa, lần này là ở tại hướng tây của Thế giới Ta Bà chúng ta, cách chúng ta đến mười vạn ức quốc độ Phật, ở nơi đó xây dựng Thế giới Cực Lạc, thị hiện thành Phật. Xây dựng thế giới cũng là sự thị hiện, thành Phật cũng là sự thị hiện, quyết định không phải là vừa mới tu hành thành Phật ở bên đó. Chúng ta nếu nghĩ như vậy thì đã sai rồi, Ngài từ kiếp lâu xa thì đã thành Phật. “Hiện tại”, “hiện” ở đây là thị hiện. Phật chỉ dạy chúng ta tu hành nhất định là phải làm ra một tấm gương cho chúng ta. Thị hiện một tấm gương, đây là tăng trưởng tín tâm của chúng ta, mong muốn chúng ta ngay trong một đời này quyết định thành tựu, dụng ý không ngoài như vậy. Chúng ta phải nên có thể thể hội cho được. Tại vì sao phải thị hiện thành Phật? Ý nghĩa này chúng ta không thể không rõ ràng.

Phật dạy chúng ta thứ tự của việc tu học, nói một cách tổng quát, thứ nhất phải phát Bồ Đề tâm. Thế nào là Bồ Đề tâm? Bồ Đề là tiếng Phạn, ý nghĩa là giác ngộ, nói cách khác, là phải phát cái tâm giác ngộ. Phàm phu bất giác, không những người thường chúng ta không giác ngộ, mà chúng sanh lục đạo đều không có giác ngộ. Lục đạo bao gồm Dục Giới Thiên, Sắc Giới Thiên, thậm chí đến chúng sanh trong thập pháp giới cũng chưa triệt để giác ngộ. Thập pháp giới bao gồm Thanh Văn, Duyên Giác, Phật, Bồ Tát ở trong thập pháp giới. Bất luận chúng ta xem Phật giáo Thiên Đài hay Hiền Thủ, thì giáo nghĩa bên trong đều nói được rất rõ ràng. Phật ở trong thập pháp giới chưa có kiến tánh. “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, cảnh giới của minh tâm kiến tánh này là phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân, đó không phải Phật ở trong thập pháp giới. Cho đến nhất chân pháp giới, siêu việt thập pháp giới rồi, đó là Đại Sư Thiên Đài giáo nói là phần chứng tức Phật. Từ đây mà biết, Phật trong thập pháp giới, Bồ Tát trong thập pháp giới, vị trí tương tự nhau, “tương tự tức Phật”. Từ đây mà biết, ở trong lục đạo, nhiều nhất chỉ có thể đến Quán Hành Vị Phật, Danh Tự Vị Phật. Trí Giả Đại Sư giảng được rất rõ ràng, rất minh bạch, chân thật giác ngộ không dễ dàng, cho nên Bồ Tát Viên Sơ Trụ gọi là “phát tâm trụ”, chân thật phát “Bồ Đề tâm”.

“Bồ Đề tâm” là gì? Chúng tôi dùng tứ hoằng thệ nguyện để giới thiệu, mọi người ấn tượng tương đối sâu sắc, tương đối dễ hiểu. Nguyện thứ nhất trong tứ hoằng thệ nguyện là “chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, chúng ta từng phát qua cái tâm này chưa? Chúng ta nhìn vào chúng sanh, nhìn thấy rất nhiều rất nhiều chúng sanh không vừa mắt thì không hoan hỷ, đó có phải là chúng sanh vô biên thệ nguyện độ hay không? “Những chúng sanh nào tôi sẽ không độ họ”, có thể nói như vậy được hay không? Chỉ cần có một chúng sanh nào mà bạn không thích họ, ghét bỏ họ, sân hận họ, không muốn độ họ thì bạn không có “Bồ Đề tâm”. Vậy các vị học Phật cho dù tu học được thành tựu, cũng tu thành Bồ Tát, cũng tu thành Phật, bạn chỉ là Quán Hành Vị Phật, Bồ Tát Quán Hành Vị”, tương tự vị Phật, tương tự vị Bồ Tát, phần chứng không có. Tương tự nghĩa là có chút giống nhau, không phải là thật. Bồ Tát cùng với Phật ở trong thập pháp giới không phải là thật, là tương tự vị, không có phát Bồ Đề tâm. Trong Đại thừa giáo thường nói, Tiểu thừa A La Hán, Bích Chi Phật ở trong Tam Đức Mật Tạng chỉ đắc được một nửa “giải thoát”, “Pháp Thân”, “Bát Nhã” họ đều không có. Tại vì sao? Bồ Đề tâm chưa có thật sự được phát ra. Đạo lý này chúng ta phải hiểu.