/ 374
768

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 237

Chúng ta phải trải qua một cuộc sống khỏe mạnh, vui vẻ, tự tại. Cái gọi là khỏe mạnh là không có một mảy may khiếm khuyết gọi là khỏe mạnh, còn có mảy may khiếm khuyết thì không khỏe mạnh, có một mảy may chướng ngại thì bạn không tự tại. Ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói là: “Lý sự vô ngại, sự sự vô ngại”, đó mới gọi là được đại tự tại. Làm thế nào có thể đạt được? Phải chăm chỉ nỗ lực mà học tập, chỉ có thông qua học tập thì bạn mới có thể chân thật đạt được, không học làm sao được. Từ đâu bắt đầu học? Ở trong Kinh luận Đại Tiểu Thừa đã dạy rất nhiều, có tầng bậc, có tiệm học, có đốn ngộ, Thiên Đài tông giảng là Hóa Nghi, Hóa Pháp. Những thứ này đáng để chúng ta làm tham khảo, là chỗ tồn tại mấu chốt thật sự. Bạn phải thực hiện những gì mà bạn học tập được, người hiện tại nói là “thực tiễn”. Những thứ mà bạn đã học được nhưng không thể thực tiễn, thì không những bạn không thể chứng đắc, mà bạn cũng không có cách nào đem sự giác ngộ này nâng cao lên thêm một bậc. Chúng ta dùng cấp bậc của Bồ Tát để nói, trong Đại Thừa giáo nói Bồ Tát từ Sơ Tín vị đến Đẳng Giác vị 52 cấp bậc, cấp bậc này xin nói chư vị là phân thành từng phần lớn. Phân nhỏ thì trong mỗi một cấp bậc còn phải phân thành nhiều cấp bậc nữa. Giống như việc đi học, từ năm lớp một học cho đến năm lớp 52 thì được tốt nghiệp. Trong cùng một năm học ấy của chúng ta, nếu như nói cũng có 52 học sinh, làm bài thi từ người thứ nhất đến người thứ 52, trong một cấp lại có đến 52 cấp bậc nữa. Chư vị từ ngay chỗ này để mà thể hội. Đây chính là cổ Đại đức đã nói, tích tiểu ngộ thì thành đại ngộ. Tiểu ngộ là gì? Là ta ở ngay trong cùng một cấp bậc này không ngừng nâng cao lên trên, trong cùng một năm học của ta, trong cùng một lớp học, chúng ta phải ra sức lấy giải nhất, đây là tiểu ngộ. Đại ngộ là từ cấp bậc này vượt lên thành một cấp bậc khác, từ lớp một mà nâng lên thành lớp hai, lớp hai lại nâng lên thành lớp ba, đây thì giống như là đại ngộ. Bồ Tát đạo nói xa thì rất xa, nói gần thì rất gần, đây là nói với bạn không có xa gần, thời gian tu hành không có dài ngắn, đều ở mê và ngộ. Ngộ rồi thì đường sẽ gần, thời gian sẽ được rút ngắn, mê rồi thì thời gian sẽ kéo dài, đường sẽ rất xa. Sự việc là như vậy.

Trên “Kinh Lăng Nghiêm” nói rất hay: “Tính chân thường trung, cầu ư mê ngộ, sinh tử khứ lai, liễu bất khả đắc”. Trong Phật pháp, người xưa thường nói khai trí tuệ là “Kinh Lăng Nghiêm”, nói không quá lời chút nào. Trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói chân tướng, nói lời thật, nói rất nhiều. Trong các Kinh điển khác Thế Tôn giảng về Tục Đế nhiều, giảng Chân Đế thì ít; trong “Kinh Lăng Nghiêm” thì Chân Đế giảng nhiều, còn Tục Đế giảng ít. Nói cách khác, Như Lai giảng rất nhiều về cảnh giới của chư Pháp Thân Đại Sĩ, rất có khả năng dẫn dắt chúng ta, rất có khả năng giúp chúng ta giác ngộ. Đây là lý minh bạch rồi. Xin giới thiệu với chư vị đến chỗ này.

Tiếp đến cần nói rõ với các vị, xem phần Kinh văn phía dưới.

**************

Kinh văn: “Đản dĩ thù nguyện độ sanh, hiện tại Tây phương, khứ Diêm Phù Đề, bách thiên câu-chi na-do-tha Phật sát, hữu thế giới danh viết Cực Lạc”.

Đây là từ trên tướng mà giảng. Phía trước là từ trên lý mà giảng, bây giờ giảng với bạn từ trên tướng. A Di Đà Như Lai, nói các vị biết, Ngài vẫn đang học tập. Ngài học tập thì đã tốt nghiệp rồi, sau khi đã tốt nghiệp thì quay trở lại làm lão sư, lão sư dạy học trò nhất định phải thị hiện cái tấm gương học tập. Từ đây mà biết, việc học tập trong Phật pháp là không có cùng tận. Sau khi thành Phật vẫn phải học tập, việc học tập đó không phải vì chính mình, mà vì chúng sanh, làm tấm gương cho chúng sanh, làm mô phạm cho chúng sanh. Trong các Kinh luận đã nói, trên bộ Kinh này của chúng ta cũng có nói, ở phẩm thứ hai nói đến “bát tướng thành đạo”, trên “Kinh Phạm Võng” Phật nói với chúng ta, Ngài đến Ta Bà Thế giới thị hiện thành Phật lần này là lần thứ 8000 rồi, không phải đến lần đầu tiên, ở tại thế gian này của chúng ta thị hiện là lần thứ 8000, còn ở trong thế giới chư Phật mười phương thì không biết đã là lần thứ bao nhiêu. Do đây mà biết, Ngài không có ngừng nghỉ, bản thân sau khi học xong lại giáo hóa người khác. Cũng giống như là đồng học lớp bồi huấn của chúng ta hiện tại, mấy khóa trước các vị đã được học xong, lần này là khóa thứ năm, sắp tới khóa thứ sáu chiêu sinh, thì là các vị dạy, các vị thì là đang thị hiện, mãi mãi không có gián đoạn. Chúng ta phải thấu hiểu đạo lý này, phải hiểu được ý nghĩa và mục đích ở trong đây. Mục đích là tự giác giác tha. Mạnh Tử đã nói: “Tiên tri giác hậu tri, tiên giác giác hậu giác”, đây là giáo học. Khi trí tuệ chúng ta chưa khai, khi mà chưa có giác ngộ, chúng ta phải dựa vào lão sư giúp đỡ chúng ta, giúp đỡ chúng ta khai trí tuệ, giúp đỡ chúng ta giác ngộ. Sau khi trí tuệ chúng ta khai rồi, giác ngộ rồi, chúng ta phải giúp đỡ những người vẫn còn chưa giác ngộ, những người vẫn còn chưa khai trí tuệ, triển chuyển độ hóa không chán, không mệt mỏi. Đây là chư Phật Như Lai vì chúng ta mà thị hiện. Chúng ta từ chỗ này mà thể hội, hiểu được chúng ta đời này đi đến thế gian này là để học Phật, tự mình chăm chỉ học, tự mình học, đồng thời cũng chính là làm ra tấm gương cho người khác xem. Cho nên, “học vi nhân sư, hành vi thế phạm”, hai câu nói này chúng ta phải nhớ ở trong lòng. Nếu như chúng ta thường hay sơ xuất bỏ qua, thường thường quên mất, tự mình phiền não tập khí lại khởi hiện hành. Đó là gì vậy? Đó là bản thân không có năng lực đề khởi giác ngộ của chính mình.

/ 374