/ 374
456

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 236

****************

Khoa “Vấn thành Phật tiền hậu”.

Kinh văn: “A Nan văn Phật sở thuyết, bạch Thế Tôn ngôn: “Pháp Tạng Bồ Tát, thành Bồ Đề giả, vi thị quá khứ Phật da, vị lai Phật da, vi kim hiện tại tha phương thế giới da””.

Đây là A Nan Tôn Giả thỉnh giáo với Thế Tôn. Phía trước đã nói đến Pháp Tạng Tỳ Kheo tu hành chứng quả đã xây dựng Tây Phương Cực Lạc Thế giới y chánh trang nghiêm, giúp đỡ chúng sanh hữu duyên ở mười phương, cung cấp cho họ đạo tràng tu học thù thắng nhất. Sự việc này Phật đã nói được rất là rõ ràng. A Nan cũng là hỏi thay cho chúng ta, Pháp Tạng Bồ Tát thành Phật là Phật quá khứ hay là Phật vị lai, hay là Phật hiện tại ở thế giới tha phương? Đương nhiên sự việc này là điều mà chúng ta bức bách cần phải nên biết. Chúng ta lại tiếp tục xem đến Thế Tôn trả lời:

Kinh văn: “Thế Tôn cáo ngôn: “Bỉ Phật Như Lai, lai vô sở lai, khứ vô sở khứ, vô sanh vô diệt, phi quá hiện vị lai””.

Ý nghĩa của đoạn này rất sâu. A Nan tôn giả là từ trên hình tướng mà đặt câu hỏi, Thế Tôn là như lý mà trả lời, hiển hiện cái nghĩa đế thứ nhất của trung đạo. Thích Ca Mâu Ni Phật nói với A Nan tôn giả rằng: “Bỉ Phật Như Lai”. Chữ “bỉ Phật” này chính là xưng Phật A Di Đà. “Lai vô sở lai, khứ vô sở khứ”, đây là cảnh giới trên quả địa của Pháp Thân Đại Sĩ và Như Lai, đây mới là chân tướng của vũ trụ nhân sanh.

Người thế gian chúng ta, đặc biệt là người có tín ngưỡng tôn giáo không thể không truy cầu sự vĩnh hằng. Bốn câu nói này của Phật chính là nói rõ sự vĩnh hằng, nói rõ chân tướng sự thật. Sự việc này thật không dễ gì lý giải được, nhưng chí ít chúng ta cũng phải có đủ lòng tin chân thành, chúng ta mới có thể tu hành chứng quả. Nếu như đối với sự việc này mà có nghi hoặc, vậy thì Phật đã nói ở trên Kinh rằng, đây là chướng ngại tu hành nghiêm trọng nhất của Bồ Tát. Gốc rễ của những phiền não là tham sân si mạn nghi, nghi có nghĩa là gì? Đó là nghi ngờ sự việc này. Hoài nghi những sự việc khác thì không nghiêm trọng, đối với sự việc này mà hoài nghi thì làm cho Bồ Tát tu hành không thể phá vô minh chứng pháp thân. Chúng ta cũng biết, trên “Kinh Hoa Nghiêm” có nói: “Phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân”, đây là Viên giáo Sơ trụ Bồ Tát. Nếu như Bồ Tát đối với chân tướng sự thật này có hoài nghi, họ sẽ không có cách nào phá vô minh. Do vậy, chúng ta đối với sự việc này quyết định là phải ngưỡng tín.

Thông thường tôn giáo nói vĩnh hằng chỉ nói đến Linh, Linh hồn. Chúng ta nói đến Linh hồn, người nước ngoài nói là Linh. Họ biết được rằng Linh là bất sanh bất diệt, nhưng mà Linh có lai có khứ, nó không có sanh diệt, nó có đến có đi, thế gian dường như tất cả tôn giáo đều nói đến, trong Phật giáo chúng ta cũng có nói. Trong Phật giáo chúng ta không gọi nó là Linh, cũng không gọi nó là Linh hồn, mà gọi nó là “A Lại Da Thức”. Con người chúng ta đến thế gian này, Phật nói ở trên Kinh: “Lai tiên khứ hậu tác chủ công”. Đi đến thế gian này đầu thai, nó đến trước nhất, nó đến nhập vào thai, sau khi người qua đời nó rời khỏi sau cùng. Cho nên chúng ta phải nên hiểu, con người sau khi dứt hơi, đã ngừng hơi thở rồi, “A Lại Da Thức” chưa hẳn rời khỏi. Cho nên Tổ sư Đại đức nhiều lần dạy bảo chúng ta, sau khi tắt hơi trong vòng 8 giờ đồng hồ không được sờ vào họ, không được đụng chạm vào họ. Vì sao vậy? Sợ “A Lại Da Thức” của họ chưa rời khỏi, trong thời gian này họ vẫn còn có tri giác, vẫn còn có hỉ nộ, ngộ nhỡ họ không vui, cái tâm sân khuể lại sinh khởi thì sẽ làm hại đến họ rất lớn. Con người sau khi chết, trong Phật giáo nói lục đạo luân hồi, họ rốt cuộc đi vào cái đạo nào quyết định ở một niệm cuối cùng. Một niệm sau cùng sinh sân khuể thì quyết định đọa tam ác đạo. Chúng ta nhất định phải có cái thường thức này. Nhưng vì để an toàn, tốt nhất sau khi đã ngừng hơi thở có thể trong vòng 10 đến 12 tiếng đồng hồ không đụng chạm vào họ, đây mới là an toàn nhất. Nhà Phật gọi là A Lại Da, cũng còn gọi là “Thần thức”, “Thần thức” chính là “A Lại Da Thức”. Ở Trung Quốc, danh từ thường dùng cũng không gọi là linh hồn, người Trung Quốc gọi là hồn phách.

Khổng Lão Phu Tử ở trong “Kinh Dịch – Hệ Từ Truyền” đã nói rất có đạo lý, Ngài nói: “Du hồn vi biến, tinh khí vi vật”. Hai câu nói này của Phu Tử nói rõ, thế gian này, động vật (động vật là bao gồm con người chúng ta), thực vật, khoáng vật là từ đâu mà đến. Hai câu nói trên “Kinh Dịch” đã nói rõ chân tướng sự thật này, hết thảy tất cả động vật là “du hồn vi biến”, thực vật khoáng vật là “tinh khí vi vật”. Nói được rất cao minh. Cách dùng từ ngữ không giống với cách Phật đã nói ở trên Kinh điển, nhưng ý thì giống, chúng ta không thể không thừa nhận trí huệ của Khổng Lão Phu Tử. Cảnh giới của Khổng Lão Phu Tử không phải là người phàm, người phàm không nói ra được. Phu Tử gọi là “Du hồn” rất có đạo lý. Phật ở trên Kinh nói với chúng ta, “A Lại Da Thức” là động, nó không phải là đứng im, vả lại tốc độ còn vô cùng lớn, tốc độ rất lớn. Chúng ta niệm Phật vãng sanh, gọi là đới nghiệp vãng sanh, vậy đới nghiệp vãng sanh chưa kiến tánh, ai đến Cực Lạc Thế giới để thọ sanh? “A Lại Da Thức”. Người mà niệm Phật vãng sanh, “A Lại Da Thức” rời khỏi cái thân thể này của mình đến Cực Lạc Thế giới hoa sen hóa sanh. Cực Lạc Thế giới cách nơi này của chúng ta là bao xa vậy? Trên Kinh Thế Tôn nhiều lần nói với chúng ta, Ta Bà Thế giới và Cực Lạc Thế giới cách nhau mười vạn ức quốc độ Phật. Cự ly này quá xa. Một quốc độ Phật chính là khu giáo hóa của một vị tôn Phật, trên Kinh Phật thường gọi là “tam thiên đại thiên thế giới”, đây là khu giáo hóa của một tôn Phật.

/ 374