PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 231
Chư vị Pháp sư, chư vị đồng tu!
Hôm nay là lần đầu tiên chúng ta giảng Kinh ở nơi này, bởi vì đạo tràng của Cư Sĩ Lâm hiện nay đang trong quá trình tiến hành xây dựng lại. Lý hội trưởng nói với tôi, công trình này đại khái cần đến hai năm rưỡi, cho nên đạo tràng tạm thời này của chúng ta cũng phải sử dụng trong hai năm rưỡi. Tuy là dựng lên một cách tạm thời, hôm qua tôi đến nơi này để xem, tôi cảm thấy rất vừa ý, không gian cũng rất thoáng đãng, so với giảng đường của Cư Sĩ Lâm dường như còn thoải mái hơn một chút. Tôi nghĩ mọi người cũng đều có cảm giác này. Nhưng có khả năng lúc thu âm thu hình sẽ bị một số tạp nhiễu, cho nên tôi nghĩ rằng, chúng ta làm vài lần thử nghiệm, rồi từ từ tìm cách cải thiện. Vì vậy, buổi tối hôm nay chúng tôi chỉ giảng một tiếng rưỡi thôi, sau đó tôi phải xem thử lại hiệu quả của việc ghi hình, nghiên cứu xem cải tiến như thế nào. Lúc tôi vừa đến đây, nhìn thấy được một cuộn băng được ghi âm ở Hong Kong ngày hôm trước, đó là “Lễ kỷ niệm bốn năm Hàn Quán Trưởng vãng sanh”, ngày 05 tháng 03. Chúng tôi ở Úc Châu ghi hình không được viên mãn, cho nên làm lại một cái băng mới tại Hong Kong. Tôi xem được một đoạn, cũng có thể tạm được, cho nên cuộn băng này có thể làm thành đĩa VCD để lưu hành. Chúng ta tu học, hoằng pháp dạy học, khái niệm cơ bản đều đã được báo cáo từ ở trong cuộn băng này. Về việc giới thiệu đoàn thể này của chúng ta, giới thiệu hoạt động của chúng ta đều là có sự giúp ích, vì vậy cuộn băng này có thể lưu hành.
********************************
Kinh văn: “Phật cáo A Nan: “Pháp Tạng Tỳ kheo, tu Bồ Tát hạnh, tích công lũy đức, vô lượng vô biên””.
Lần trước chúng tôi đã giảng đến chỗ này, hôm nay chúng ta xem tiếp theo:
“Ư nhất thiết pháp, nhi đắc tự tại, phi thị ngữ ngôn phân biệt chi sở năng tri”.
Chúng ta xem câu này. Câu này là kết quả của câu trước đó.
“Ư nhất thiết pháp, nhi đắc tự tại”, thật không dễ. “Nhất thiết pháp”, không những là Phật pháp, thế gian pháp, thế xuất thế gian hết thảy pháp đều có thể được đại tự tại. Đây không phải là quả báo thông thường, mà là quả báo cứu cánh viên mãn. Đây thuộc về cảnh giới của quả địa Như Lai. Đương nhiên là nhất thiết chúng sanh bao gồm bản thân chúng ta bên trong. Là một lòng hướng về, một lòng mong cầu, chúng ta muốn hỏi rốt cuộc có thể cầu được hay không? Tôi nói với các đồng học, đáp án là khẳng định được, quyết định là có thể cầu được, vấn đề ở chỗ bản thân chúng ta có chịu cầu hay không. “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng”, thế nhưng muốn cầu quả báo, nhất định phải hiểu được đạo lý. Như lý như pháp mà cầu, chúng ta nói là hợp tình hợp lý hợp pháp, không có ai mà không cầu được. Nếu như trái ngược với đạo lý, dùng sai phương pháp thì quả báo này không thể hiện tiền. Thế Tôn trên hội Lăng Nghiêm có nói: “Nhân địa bất chân quả chiêu vu khúc”, tuyệt đối không phải có cầu mà không có cảm ứng, chúng ta nhất định phải có cái nhân địa chân thật. Phía trước chỉ dạy chúng ta: “Tu Bồ Tát hạnh, tích công lũy đức”, trên thực tế thì chính là câu “tu Bồ Tát hạnh” này, quả báo mới có thể “ư nhất thiết pháp nhi đắc tự tại”. Ý nghĩa của hai câu này, chúng ta cần phải nói nhiều một chút, có mối quan hệ quá lớn với chúng ta.
Ở trên “Kinh Lăng Nghiêm”, Phật nói: “Thời kỳ Mạt Pháp, pháp nhược ma cường, tà sư thuyết pháp như Hằng hà sa”. Những ai là tà sư, những gì là tà sư, chúng ta phải nhận biết rõ ràng. Đặc biệt phải nhận biết chính mình, chính bản thân mình chỗ tu là chánh pháp hay là tà pháp.
Viên Liễu Phàm tiên sinh trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” đã nói được rất hay. Ông giảng về thiện và ác, chúng ta có thể dùng nguyên tắc này để mà quan sát hết thảy pháp chánh và tà, để kiểm điểm sự tu học của chính chúng ta. “Chánh pháp” ở trong Phật pháp có chánh ở trong chánh, có tà ở trong chánh, có tà ở trong tà, có chánh ở trong tà, chúng ta không thể không biết được, không thể không phân biệt. Chúng ta hôm nay nhân duyên thù thắng, được thân người, nghe được Phật pháp, đặc biệt là nghe được đại pháp vô cùng thù thắng của Thế Tôn là “Kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ”. Pháp là chánh, chúng ta dùng cái tâm như thế nào để học? Nếu như chúng ta dùng chân tâm, dùng chánh tâm mà học, đó là chánh ở trong chánh. Nếu như tâm chúng ta không chánh, vẫn còn xen tạp tự tư tự lợi, xen tạp danh văn lợi dưỡng, xen tạp tham sân si mạn thì biến thành tà trong chánh, muốn ngay trong một đời này đạt được quả báo thù thắng viên mãn như vậy thì sẽ khó lắm.