/ 374
607

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 230

****************

Năm xưa, lần thứ hai tôi đến đại lục, nghe nói đại lục có rất nhiều Phật học viện, nhưng đồng học ngay Phật Học Tự Điển cũng không có. Sau khi tôi nghe rồi rất đau lòng, tôi liền phát tâm muốn đem “Phật Học Đại Tự Điển” của Đinh Phúc Bảo biên soạn in mười ngàn bộ tặng cho các đồng tu của Phật Học viện đại lục. Tôi ở Hong Kong nhắc đến việc này. Hong Kong có một vị lão cư sĩ tên Hà Trạch Lôi, ông có cất giữ một bộ gốc lớn sách đóng bìa cứng, chính là “Phật Học Đại Tự Điển” của Đinh Phúc Bảo. Bộ sách này là cư sĩ Đinh Phúc Bảo chính mình dùng, còn có ấn chương riêng của ông. Ông tặng cho tôi, vô cùng quý giá, vô cùng khó được. Tôi đem bộ sách này giao cho nơi Kim Lăng Khắc Kinh, ủy thác họ in mười ngàn bộ. Sau khi in xong, bản nguyên gốc này tôi giao cho nơi Kim Lăng Khắc Kinh bảo quản, tôi không cần bảo quản. Đây là vô cùng có giá trị kỷ niệm. Nơi Kim Lăng Khắc Kinh là cơ cấu vĩnh cửu, họ cất giữ tốt hơn tôi cất giữ. Tôi ngay nhà còn không có, hôm nay dọn đến chỗ này, ngày mai dọn dến chỗ kia, nói không chừng dọn đến dọn lui cũng sẽ không còn, đó chính là có lỗi đối với người truyền pháp. Loại văn vật này phải nên đời đời truyền lại, cho nên tôi liền tặng cho nơi Kim Lăng Khắc Kinh. Đây là nói pháp bố thí, chính mình nhất định phải hiểu được.

Tôi đối với khắc bản sách trân quý. Sau khi tôi có được, nếu như tôi cần dùng, tôi nhất định phải đem nó in ra, nguyên bản thì tôi nhất định phải tìm một nơi bảo tồn vĩnh cửu thỏa đáng, tôi chính mình không cần. Nếu chính mình cần, trách nhiệm quá nặng, nhất định phải đem nó xả bỏ, tuyệt đối không cất giữ những pháp vật này. Mong muốn lưu thông lượng lớn, người nào có năng lực lưu thông, vui thích lưu thông thì tôi liền tặng cho họ. Tặng cho họ, tôi nhất định dặn bảo họ, có thể làm được hay không là việc của họ, tôi giao phó rõ ràng rồi, giao phó tường tận rồi, bản gốc tốt nhất đưa vào thư viện quốc gia cất giữ, hoặc giả là thư viện đại học danh tiếng cất giữ, một nơi nữa chính là tự viện cất giữ. Nó có tính cơ cấu vĩnh cửu, chuyên môn bảo quản, đây là chính xác. Tư nhân cất giữ, tuy rất là yêu quý, nhưng bạn không thể vĩnh viễn trụ thế, sau khi bạn chết rồi, đời sau của bạn có yêu thích hay không? Việc này chúng ta xem thấy trong lịch sử quá nhiều. Thời xưa có rất nhiều nhà sưu tập sách, khi đến con trai cháu nội thì thảy đều thất lạc hết, những điển tích này đều thất lạc, đều thất truyền, việc này thật đáng tiếc. Cần phải tìm đến cơ cấu vĩnh cửu, trong đó có người chuyên môn phụ trách bảo quản, cất giữ. Tôi đều có giao phó, chúng ta không nên bảo quản. Họ có thể làm được hay không, nhân quả chính họ phải gánh lấy. Giống như Pháp sư Đàm Thiền bên đây vậy, nhân quả chính mình gánh lấy, tôi đã giao phó rất rõ ràng rồi, nhân quả của tôi nói tường tận rồi, giao cho bạn rồi, bạn gánh lấy; trách nhiệm hay không, không liên quan với tôi nữa. Nếu bạn trái nhân quả, bạn sẽ bị quả báo. Cho nên giao phó rõ ràng, giao phó tường tận, chân thật buông xả rồi. Pháp vật này lưu thông rộng lớn, lợi ích chúng sanh rộng lớn, đây mới có thể khai trí tuệ, mới có thể tích phước đức, “tích công bồi đức”.

Quả báo của bố thí vô úy là khỏe mạnh sống lâu. Trong “vô uý”, sự việc thứ nhất chính là phát tâm hoằng pháp lợi sanh, việc này phải đại vô úy bạn mới có thể làm được. Sự việc hoằng pháp lợi sanh dốc sức mà làm. Giống như các vị đồng học hiện tại ở chỗ này, tôi nghe nói có một số đồng tu rất dụng công, buổi tối đến hai ba giờ khuya mới đi ngủ, sáng sớm thức dậy còn phải công phu sáng. Đây là thuộc về vô úy bố thí. Vì sao ta phải khổ như thế này? Lao tâm lao lực là vì Phật pháp, là vì lợi ích chúng sanh, họ không phải vì chính mình, đây là thuộc về vô úy bố thí. Hy vọng chính mình sớm một ngày học thành công, có thể đem chánh pháp giới thiệu rộng lớn cho đại chúng. Quả báo của bạn được khoẻ mạnh sống lâu.

Người học Phật, nhất là người xuất gia học Phật, không luận là bạn phát nguyện hoằng pháp hoặc giả là phát nguyện hộ pháp, ba loại bố thí này đều đầy đủ. Tuy bạn không dùng tiền tài, nhưng dùng thể lực, nội tài bố thí; ta ở đạo tràng nhiệt tâm vì đại chúng phục vụ, chăm sóc đại chúng là nội tài bố thí. Trước tiên chúng ta chính mình phải biết rõ chính mình, cái điểm này quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Việc thứ nhất phải có “tự tri chi minh”, trước tiên phải làm rõ chính mình, phải nhận biết chính mình, ta là thuộc về nhân tài hoằng pháp hay là thuộc về nhân tài của hộ pháp. Nếu như ta là thuộc về nhân tài hoằng pháp, mà ta phải đi làm hộ pháp thì thật đáng tiếc. Giả như ta là thuộc về hộ pháp, mà ta lại đi làm hoằng pháp thì hoằng không được tốt. Nhất định phải nhận rõ chính mình.

/ 374