PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 232
Khi tôi đi đến Hong Kong đã quen biết được một số vị pháp sư, những vị pháp sư ấy bây giờ một nửa đã không còn, qua đời rồi. Nhớ lại tình hình giảng Kinh vào lúc ấy, thật là giống như mới chỉ ngày hôm qua vậy. Một trăm năm rất ngắn ngủi, thật là như cái chớp mắt, một Sát Na thì đã không còn, hà tất gì ở trong cuộc đời này tạo tác tội nghiệp chứ? Người thông minh, người có trí tuệ phải nhớ kỹ. Phật ở tại chỗ này nói với chúng ta “tích công lũy đức”, tại sao vậy? Công đức là thứ bạn mang theo được. Đây là sự thật. Làm nhiều việc tốt, tận tâm tận lực làm những việc tốt này cho xã hội, làm những việc tốt này cho chúng sanh, đây đều là thứ bạn có thể mang theo được. Thế nào là việc tốt? Mặc áo, ăn cơm, trải chiếu đều là việc tốt. Không nên cho rằng, đây là việc nhỏ nhặt, đây là việc của riêng tôi, không liên quan đến người khác, vậy là bạn đã sai rồi. Nếu như chúng ta chân thật hiểu được Phật pháp Đại Thừa, thì biết chúng ta khởi tâm động niệm, nhất cử nhất động là tận khắp hư không biến pháp giới. Đây là sự thật. Bồ Tát biết rõ, một số nhà khoa học lớn trên thế giới hiện nay cũng biết rõ. Chúng ta khởi một ý niệm, ở trong cái tâm này đều có sóng chấn động. Chúng ta nói chuyện thì có làn sóng của âm thanh, động tác của chúng ta cũng có làn sóng như vậy, làn sóng này đều lan khắp hư không pháp giới. Nếu bạn nói, đối với người khác, với xã hội, với chúng sanh không ảnh hưởng gì là sai rồi. Một người chân chánh muốn học Phật, một con người học Phật thật sự là trong tâm của mình rất thanh tịnh, muốn gánh trách nhiệm đối với xã hội, đối với thế giới này và đối với cả hư không pháp giới. Cái đạo nghiệp một đời này chúng ta không khó thành tựu. Một người chân chánh giác ngộ, chân chánh minh bạch, thì người này gọi là Bồ Tát. Không minh bạch, không liễu giải, đó là phàm phu.
Chúng ta dùng lời khác để nói, hiện nay chúng ta tu hành, cái cửa ải đầu tiên, bây giờ gọi là “thắt cổ chai”, thắt cái cổ chai này, không có cách gì đột phá, cho nên bất luận tu thế nào cũng không hề tiến bộ. Cái cửa ải đầu tiên này là gì vậy? Tự tư tự lợi. “Ngã tướng”, “ngã kiến” giảng ở trong “Kinh Kim Cang”, “ngã chấp” giảng trong Kinh Đại Tiểu thừa, “thân kiến” giảng trong kiến tư phiền não, cái cửa ải này không thể đột phá thì việc tu học của chúng ta, bất luận chúng ta dụng công thế nào thì cũng chỉ ở bên ngoài, không vào được cửa Phật. Bạn nên biết rằng, buông bỏ tự tư tự lợi, chân chánh làm đến vô ngã tướng, vô ngã kiến như trên “Kinh Kim Cang” nói, thì bạn mới bước vào cửa Phật, bạn mới nhập Phật môn. Cái cửa ải này mà bạn không thể đột phá, bạn là đang ở ngoài cửa Phật, bạn chưa bước vào cửa. Đây là lời thật, một chút cũng không giả. Ở ngoài cửa Phật thì bạn làm sao có thể thành tựu, bạn làm sao có thể có tiến triển? Cho nên, tôi thường thường khuyên bảo đồng tu: “Nếu các vị muốn chân chánh có thành tựu, nhất thiết phải buông bỏ tự tư tự lợi”.
Phương pháp của Đại thừa cao minh hơn Tiểu thừa, thật sự cao minh hơn rất là nhiều. Đại Thừa dạy chúng ta đem cái ý niệm này chuyển lại, đem cái ý niệm này sửa trở lại, trước đây niệm niệm đều là vì chính mình, bây giờ giác ngộ rồi, minh bạch rồi thì niệm niệm vì chúng sanh, niệm niệm vì xã hội. Khi ý niệm vừa chuyển trở lại thì bạn nhập môn. Tuy là đã chuyển lại rồi, qua hai hôm thì lại quay đầu, lại tự tư tự lợi rồi. Việc này không sợ. Vì sao? Bạn là phàm phu, tập khí rất nặng, cứ tiến tiến thoái thoái, ở ngay cái cửa ải này không biết đã tiến tiến thoái thoái bao nhiêu lần mới trở thành bất thoái, mới thật sự đứng vững cái chân lại. Vì thế, cái tiến tiến thoái thoái ấy là hiện tượng tốt. Nhất thiết không nên cho rằng “tôi vẫn còn thoái tâm, thôi đi, không học nữa”, vậy thì bạn sẽ thoái lui đến tận đáy. Sự việc này giống như là bơi thuyền ngược nước vậy, phải tiến thoái bao nhiêu lần thì chân bạn mới có thể đứng yên. Sau khi đứng vững thì thuận buồm xuôi gió. Cửa ải khó khăn này vô cùng vô cùng không dễ đột phá, nhưng mà không đột phá thì không được, không đột phá thì không thể thành tựu, cho nên không thể không đột phá. Phải hạ công phu ngay chỗ này.
Học giảng Kinh không khó. Các vị các đồng học tại nơi này cùng với tôi chung một chỗ, các vị đều đích thân thể hội được. Ngày trước tôi ở Đài Trung học giảng Kinh với lão sư Lý, mất khoảng thời gian bao lâu? Nói các vị biết, chỉ một tháng. Trong một tháng, mỗi một tuần lễ lên lớp một lần, cho nên chỉ năm lần học. Bây giờ chúng ta mỗi tuần lên lớp năm ngày, vậy thì khó khăn gì? Khó là ở chỗ làm sao buông xuống tự tư tự lợi. Cái này quá khó, đây thì không phải cái công phu ngắn hạn. Khi tôi mới bắt đầu học Phật, vị lão sư đầu tiên là Chương Gia Đại Sư, Chương Gia Đại Sư ngày đầu tiên đã dạy tôi “nhìn thấu, buông xuống”. Ngài cho tôi thời gian sáu năm. Thật không dễ dàng! Thời gian sáu năm của tôi chính là tiến tiến thoái thoái, có đứng yên lại hay không? Vẫn là không đứng yên lại được, chẳng qua là tiến tương đối nhiều mà thoái thì tương đối ít, cảm ứng liền hiện tiền. Tôi nói với các đồng tu, tôi phải mất 30 năm công phu thì tôi mới chân thật có thể đứng yên trở lại, không bị thối lui nữa. Cho nên, tôi không phải người thượng căn. Xem Đại đức xưa nay, người ta ba năm, năm năm thì thành tựu, 8 năm, 10 năm thì thành tựu; 20 năm, 30 năm thành tựu thì cũng có, nhưng ít. Chúng ta làm lâu đến như vậy mới đứng vững chân lại, thực thực tại tại, không dễ dàng. Tại vì sao? Xã hội ngày nay sức mạnh của sự mê hoặc quá lớn. Sự mê hoặc này chính là ma chướng. Sức mạnh của ma quá lớn. Bạn hãy mở to mắt mà xem, tất cả thứ mà bạn nghe, tất cả thứ mà bạn tiếp xúc, toàn là ma chướng. Cái gì là ma chướng? Toàn là tăng trưởng tham sân si mạn của bạn, phàm là thứ tăng trưởng tham sân si mạn thảy đều là ma chướng. Chúng không phải giúp đỡ bạn tăng trưởng tâm thanh tịnh, không phải giúp đỡ bạn tăng trưởng tính bình đẳng, chúng giúp đỡ bạn tham sân si mạn, giúp đỡ bạn tạo tác hết thảy ác nghiệp, giúp đỡ bạn mê hoặc điên đảo. Chúng ta nhất định phải biết cẩn thận đề phòng.