472

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 229

****************

“Công đức vô lượng”

Kinh văn: “Phật cáo A Nan, Pháp Tạng Tỳ Kheo, tu Bồ Tát hạnh, tích luỹ công đức, vô lượng vô biên”.

Đến chỗ này là một đoạn. Ở phía trước đã nói qua nhiều loại công đức tu tích của Pháp Tạng Tỳ Kheo. Đoạn văn tự này là Thế Tôn tổng kết. Chúng ta ở nơi đây cũng phải nên làm một tổng kết “tu Bồ Tát hạnh, tích lũy công đức”. “Bồ Tát hạnh” là gì, chúng ta cần phải nhận biết rõ ràng.

Thế gian này, ở trong văn tự Trung văn nói ra chữ “thế”, chính là hiện tại gọi là thời gian, cho nên hình tượng của chữ “thế” này là ba chữ thập, chúng ta gọi là quá khứ mười năm, hiện tại mười năm, vị lai mười năm, 30 năm gọi là một đời, là chỉ thời gian mà nói. “Gian” là nói khoảng cách, là chỉ không gian mà nói. Nói một cái thời gian, lại nói một không gian, đây là đem tất cả sự vật trong vũ trụ toàn bộ đều bao gồm ở trong đó. Mà cái to lớn của thế gian này, phàm phu chúng ta không cách gì thể hội. Khoa học gia hiện đại tuy là nói có rất nhiều không gian không đồng duy thứ khác, cách nói này không phải là một số người thông thường có thể thể hội được, thế nhưng họ nói là chân tướng sự thật.

Từ trên lý luận mà nói, không gian duy thứ là không có bờ mé. Chúng ta học Phật, đã đọc qua trong Kinh điển Đại Thừa, đối với cách nói này chúng ta sẽ khẳng định, chúng ta không có chút nào hoài nghi. Tại vì sao nói không gian duy thứ không có bờ mé? Thực tế mà nói, nhà khoa học chỉ là từ trên lý mà suy tưởng, không cách gì chứng thực, còn Phật pháp thì khác biệt rất lớn, Phật pháp đối với tình huống này hoàn toàn hiểu rõ. Không gian duy thứ từ đâu mà ra? Từ ngay trong tưởng tượng của tất cả chúng sanh mà sanh ra. Chúng ta liền biết rồi, mỗi một chúng sanh nghĩ tưởng không như nhau, cho nên mỗi người có một không gian của chính mình. Đây là chân thật.

Không gian của chính mỗi người cũng không phải là nhất định, cũng có rất nhiều không gian duy thứ khác nhau. Nếu bạn không tin tưởng, bạn tỉ mỉ mà tư duy, mà quán sát, cảnh giới khi bạn đang tỉnh táo cùng cảnh giới khi bạn đang mê hoặc không như nhau. Buổi tối khi bạn đang nằm mộng, cảnh giới lại không như nhau, khi bạn đang nằm mộng liền vào một không gian duy thứ khác. Bạn chính mình biết được, bởi vì bạn vào cái không gian đó, người khác không biết được, thế nhưng người có công phu thì biết được. Có công phu như thế nào? Người có năng lực đột phá không gian duy thứ khác. Việc này trong nhà Phật là người có công phu thiền định tương đối, sức định này có thể đột phá được không gian duy thứ khác. Nếu như một người có sức định tương đối, bạn ở nơi đó nằm ngủ, họ ở nơi đây ngồi thiền, bạn ở trong mộng làm việc gì họ thảy đều biết, họ đều xem thấy, đợi đến khi bạn tỉnh lại, họ nói với bạn bạn vừa rồi nằm mộng, ở trong mộng làm việc gì, làm việc gì. Tại vì sao họ biết được? Cái không gian duy thứ đó họ có thể đột phá được, cho nên họ có thể xem thấy được bạn.

Chúng ta đồng thời biết được cảnh giới trong mộng không như nhau, cảnh giới trong định cũng không như nhau. Người khi vào định không phải không có cảnh giới, khi vào định cũng đột phá không gian duy thứ, bước vào một không gian khác. Chúng ta không có công phu này. Thế nhưng tôi tin tưởng có không ít đồng tu đã từng đọc qua “Hư Vân Lão Hòa Thượng Niên Phổ”, bạn xem Hòa Thượng Hư Vân thường hay vào định, Ngài ở trong định đã từng đến Nội Viện Đâu Suất nghe Bồ Tát Di Lặc giảng Kinh, còn xem thấy ở đó có mấy vị bằng hữu đồng tu mà Ngài quen biết. Những người này đã vãng sanh đến Nội Viện Đâu Suất, khi Ngài đến đó xem thấy.

Trong thư tịch ghi chép, vào đời nhà Đường, Thiền sư Pháp Chiếu ở núi Ngũ Đài xem thấy chùa Trúc Lâm Đại Thánh, nghe Bồ Tát Di Lặc giảng Kinh. Đó đều là không gian duy thứ khác. Loại không gian duy thứ khác này từ đâu mà ra? Là từ tâm tưởng của chúng sanh mà sanh ra, chính là trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói “duy thức sở biến”. Nếu như không có thức biến, cảnh giới đó gọi là “Pháp giới nhất chân”. Trong pháp giới nhất chân là những người nào ở? Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, Pháp Thân Đại Sĩ ở, mức độ thấp nhất họ đều phá một phẩm vô minh chứng một phần pháp thân, hay nói cách khác, thế gian chúng sanh rất nhiều rất nhiều không gian duy thứ khác nhau, họ thảy đều có năng lực đột phá, có năng lực siêu việt mà chứng được pháp giới nhất chân. Các vị phải ghi nhớ, “nhất chân”, nhất chính là chân, nhị chính là vọng, nhị chính là mười pháp giới, vô lượng vô biên pháp giới. Vậy chúng ta tu Tịnh Độ là thù thắng. Tại vì sao chư Phật tán thán, tổ tổ truyền nhau, đều khẳng định pháp môn này là pháp môn thù thắng đệ nhất, nguyên nhân ở chỗ nào? Họ tu học là “nhất tâm bất loạn”, cảnh giới nhất tâm chính là pháp giới nhất chân. Bạn làm thế nào mới có thể chứng được pháp giới nhất chân? Nhất tâm liền chứng được, pháp giới nhất chân hiện tiền. Hai tâm liền rơi vào mười pháp giới, rơi vào vô lượng vô biên pháp giới. Đây là chân lý, là chân tướng sự thật, chúng ta phải tỉ mỉ mà thể hội. Đây mới là chân thật, chỉ có nhất tâm là chân thật.