PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 225
Kinh văn: “Do thị nhân duyên, năng linh vô lượng chúng sanh, giai phát A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề Tâm”.
Đây là tổng kết một phẩm Kinh văn. Câu Kinh văn thứ nhất là tổng chỉ các loại nhân duyên thù thắng mà bên trên đã nói. Những Kinh giáo này có thể giúp chúng sanh có duyên sanh khởi tâm Vô Thượng Bồ Đề. Đây là hiển thị ra A Di Đà Phật khi còn ở nhân địa hành Bồ Tát đạo chủng chủng tâm hạnh. Chúng ta phải nên học tập, phải nên bắt chước. Tâm hạnh của Phật Bồ Tát cũng chính là nói giữ tâm của Phật Bồ Tát. Hành vi của Phật Bồ Tát cùng chúng sanh chúng ta khác biệt ở chỗ nào? Chúng ta từ ngay những chỗ này mà tư duy, mà quán sát, sau đó liền biết vì sao người ta làm Bồ Tát, vì sao chúng ta vẫn đang làm phàm phu, vẫn đang luân hồi sáu cõi.
Học Phật, mục tiêu chân thật của chúng ta là phải siêu việt tam giới, siêu việt mười pháp giới, đạt được một kết quả chân thật. Cái kết quả chân thật này, danh xưng ở trong Phật pháp gọi là “thành Phật”. Tuy là chưa chứng được Phật quả cứu cánh, có thể chứng được Phật quả phần chứng vị cũng xem là có thành tựu rồi. Nếu như phần chứng vị cũng không thể chứng được, có thể chứng được tương tợ vị cũng xem là không tệ rồi. Tương tợ vị bao gồm Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát trong mười pháp giới, đây đều xem là tiểu quả, xem là bạn có kết quả. Nếu như chúng ta vẫn không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi thì rất hổ thẹn. Vì sao vậy? Không có kết quả. Việc này các vị phải nên biết. Đại Sư Thiên Thai nói Lục Tức Phật, “Quán Hạnh Tức Phật” xem là công phu có lực rồi, thế nhưng không ra khỏi tam giới, không có thành tựu, thành tựu của họ vẫn là phước báo hữu lậu trong sáu cõi. Hiện tại có một số người đề xướng ngũ thừa Phật giáo, “quán hạnh tức” là “nhân thiên thừa” trong ngũ thừa. Siêu việt sáu cõi luân hồi, pháp giới bốn Thánh chính là “tương tợ vị”. Siêu việt mười pháp giới, chứng được Pháp Giới Nhất Chân, đây gọi là “phần chứng vị”. Thế nhưng các vị nhất định phải ghi nhớ, “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, đây là trong lục tức, cái đầu tiên gọi là “lý tức Phật”. Tất cả chúng sanh có ai không phải là Phật? Từ trên lý mà nói, mỗi mỗi đều là Phật. Phật xem chúng sanh là từ trên lý mà xem, từ trên tánh mà xem, cho nên “tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”. Chúng ta phải hiểu rõ đạo lý này. Hay nói cách khác, một chúng sanh nào mà không có cái nhân thành Phật, không có chủng tử thành Phật? Mỗi mỗi đều có. Tại vì sao người khác thành Phật rồi, chúng ta vẫn đang luân hồi sáu cõi? Đây mới gọi là “kỳ sỉ đại nhục”. Tại vì sao chúng ta có thể thành ra như thế này? Vấn đề cốt lõi của nó, tâm của chúng ta không giống tâm Phật, hành vi của chúng ta không giống hành vi của Phật. Tâm của Phật thanh tịnh vô vi, hạnh của Phật “vô vi nhi vô sở bất vi”. Ngài “vô sở bất vi” cùng “vô vi” tương ưng, là một, không phải hai. Cái lý này quá sâu, phàm phu chúng ta tham không thấu.
Thế nhưng chúng ta vô cùng may mắn, lần này được thân người, lại có thể gặp được Phật pháp, không những gặp được Phật pháp, còn gặp được đại pháp thù thắng không gì bằng. Đây vẫn là có thiện căn phước đức nhân duyên đã tu tích nhiều kiếp trong đời quá khứ, chúng ta mới gặp được đại pháp thù thắng này. Trên “Kinh Di Đà” Phật nói rất hay: “Không thể thiếu thiện căn phước đức nhân duyên mà được sanh nước kia”. Pháp môn này khẳng định dạy chúng ta ngay đời này thành tựu, ngoài pháp môn này ra thì rất khó nói.
Thế nhưng các vị phải nên biết, người xưa có nói qua, giáo có chánh có tà, pháp môn cũng có chánh có tà. Nhất là ở ngay trong xã hội hiện tiền này của chúng ta, trong “Kinh Lăng Nghiêm” nói rất hay: “Tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng”. Trên “Kinh Lăng Nghiêm” nói được rất rõ ràng, những tà sư này đều là ma vương thị hiện. Thần thông đạo lực của ma, phàm phu chúng ta không có người nào có thể so sánh được. Ma nhập thân, họ thần thông quảng đại. Ngày trước, khi lão sư Lý giảng “Kinh Lăng Nghiêm” nhiều lần nhắc nhở những học sinh hậu học chúng ta, Phật và ma không dễ gì phân biệt, ma có 99 câu chánh pháp nói ra giống y như Phật nói, chỉ có một câu không giống, chúng ta làm sao có thể phát hiện ra? Làm sao có thể quán sát được? Cho nên người hảo tâm học Phật, nói một lời thành thật, vẫn là thiện căn phước đức nhân duyên kém một chút, gặp được chánh pháp lại bị ma sỏ mũi kéo đi. Chúng ta thấy rồi rất đau lòng, thế nhưng phải làm sao? Không thể làm gì được. Không chỉ chúng ta không làm gì được, chư Phật Bồ Tát xem thấy trong mắt cũng không làm gì được. Đây là mỗi người thiện căn, phước đức, nhân duyên không như nhau. Tuy là không gặp phải ma nạn, ngay đời này không thể thành tựu, đường đi sai rồi, không hề gì, vẫn còn đời sau, vẫn còn kiếp sau, chư Phật Bồ Tát đại từ đại bi, “Phật thị môn trung hữu cầu tất ứng”. Bạn đời nào kiếp nào duyên chín muồi rồi, Phật vẫn là đến độ bạn. Khi duyên của bạn chưa chín muồi, cho dù gặp phải ma nạn, Phật Bồ Tát vẫn ở bên cạnh đứng nhìn, chăm sóc bạn. Từ bi đến tột đỉnh. Tâm hạnh như vậy chúng ta phải tường tận, chúng ta phải học tập. Chúng ta xem thấy họ đi sai đường rồi, có thể khuyên họ, khuyên họ một lần họ không nghe, khuyên họ hai lần vẫn không nghe, không thể khuyên hơn, tùy họ vậy. Vì sao vậy? Ba lần trở lên liền biến thành oán thù, “sự bất quá tam”. Cho nên phải biết được, chúng ta chính mình chăm chỉ cố gắng tu học, chúng ta tu học có thành tựu, nói không chừng sau mười năm, hai mươi năm họ giác ngộ rồi, họ quay đầu. Ngay đời này không thể giác ngộ, vừa rồi mới nói, vẫn còn đời sau. Cho nên Phật dạy chúng ta, trong pháp Lục độ, “nhẫn nhục Ba La Mật” quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Phải có tâm nhẫn nại, phải có hằng tâm, phải có nghị lực, đạo nghiệp ngay đời này của chúng ta mới có thể thành tựu. Thành tựu của chúng ta tuy không xem là rất cao, thế nhưng là thành tựu vô cùng thù thắng, vãng sanh Tịnh Độ.