/ 374
668

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 224

Trong Phật pháp thường nói: “Tâm Phật chúng sanh tam vô sai biệt”. Câu nói này rất nhiều đồng tu đều quen tai. Lời nói này là chân thật. Chính bởi vì câu nói này là chân thật, cho nên chúng ta khởi tâm động niệm liền khởi lên tác dụng cảm ứng tương thông với Phật Bồ Tát. Không luận vào lúc nào, không luận ở nơi nào, bạn đều có thể câu thông với chư Phật Bồ Tát. Làm thế nào để câu thông? Trong tâm một niệm không sanh. Tại vì sao trong tâm phải một niệm không sanh? Một niệm không sanh không có giới hạn, sướng thông vô ngại. Khởi lên một niệm phân biệt thì liền có chướng ngại, không thông, trở ngại rồi. Đạo lý chính ngay chỗ này. Cho nên, vẽ bùa, đọc chú, tụng Kinh, cầu thọ phải dùng tâm chân thành. Thành liền thông, chân thành liền thông. Từ sự việc này chúng ta liền có thể thể hội được, ngay trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đích thực cùng hư không pháp giới tất cả chúng sanh có liên quan mật thiết, đích thực là cùng đồng một thể sinh mạng. Chúng ta phải nên học Phật Bồ Tát, dùng tâm chân thành đối đãi tất cả chúng sanh, không dùng vọng tâm. Dùng vọng tâm là có lỗi với tất cả chúng sanh, phải dùng chân tâm. Chân tâm đó là diệu hương phổ huân. Chúng ta dùng vọng tâm đó là uế khí đầy trời, đây là có lỗi với đại chúng, dùng lời hiện tại mà nói, tạo thành không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Sự việc này chính là như vậy. Cho nên, một câu sau cùng này là đem cái ảnh hưởng này mở rộng, ngang mở rộng đến hư không pháp giới, dọc kéo dài đến quá khứ vị lai, “ngang biến mười phương, dọc cùng ba cõi”.

**************

Kinh văn: “Tùy sở sanh xứ, sắc tướng đoan nghiêm, tam thập nhị tướng, bát thập chủng hảo, tất giai cụ túc”.

Phật Bồ Tát ứng hóa ở thế gian, sắc tướng này không nhất định, tướng hảo cũng không nhất định. “Phổ Môn Phẩm” phần nhiều các đồng tu đều đọc qua, Bồ Tát Quán Âm nói với chúng ta rất rõ ràng, Bồ Tát Ngài nơi nơi hiện thân ở khắp mười phương thế giới, đáng dùng thân gì để độ thì liền hiện thân đó để độ. Cho nên chúng ta xem thấy đoạn Kinh văn này, phải hiểu được cái ý nghĩa này. Đây là nêu một thí dụ, người đáng dùng thân Phật mà được độ thoát, liền hiện thân Phật mà vì nói pháp. “Ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp”, đây là thân Phật.

Tùy sở sanh xứ”, tùy là tùy duyên, chắc chắn không có ý của chính mình. Nếu như có ý của chính mình, đây là phàm phu, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của họ vẫn chưa đoạn hết, họ là phàm phu. Chư Phật Bồ Tát, Pháp Thân Đại Sĩ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều đoạn rồi, cho nên thị hiện của họ giống như trên “Kinh Lăng Nghiêm” đã nói: “Tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng”. Chúng sanh có cảm, Phật Bồ Tát liền có ứng, cái thân này là cảm ứng mà hiện ra. Trong cảm ứng, thù thắng nhất là “thân Phật”, chính là lấy cái thí dụ này để nói.

Đoan” là đoan chánh, “nghiêm” là trang nghiêm. Dung sắc đoan chánh, thanh tịnh trang nghiêm. “Ba mươi hai tướng, tám mươi vẻ đẹp”, đây là chính Thích Ca Mâu Ni Phật hiện ra thân tướng ở thế gian này của chúng ta.

Trượng lục kim thân”. Hôm qua có đồng tu hỏi: “A Di Đà Phật thân kim sắc”, tại vì sao chúng ta cúng tượng Phật này là màu trắng, không phải màu vàng? Phía trước chúng ta, vị Thích Ca Mâu Ni Phật cũng là màu trắng sứ. Các vị phải nên biết, trong Phật pháp rất nhiều ngôn ngữ đều là ý ở ngoài lời, bạn phải nên hiểu, bạn không nên chấp trước âm thanh văn tự, vậy thì sai rồi. “Kim” đại biểu cái gì? Đại biểu “viên mãn”, đại biểu “bất biến”. Trong kim loại, chỉ có màu sắc của vàng là không thay đổi, bạc sẽ bị ô xi hóa, sẽ biến màu, vàng thì không bị biến đổi, cho nên lấy cái ý này, nó không phải nhất định. Chúng ta đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, thành thật mà nói, chúng ta mỗi một người thấy A Di Đà Phật đều không như nhau. Vì sao vậy? A Di Đà Phật cũng là “tùy chúng sanh tâm ứng sở tri lượng”, làm sao có thể như nhau? A Di Đà Phật không có thân tướng, mà tùy tâm niệm chúng sanh hiện tướng. Bạn tưởng A Di Đà Phật là thân tướng gì thì bạn thấy chính là cái thân tướng đó. Tướng bạn thấy cùng tướng bạn tưởng hoàn toàn như nhau, cho nên Phật chính là từ tâm bạn tưởng để hiện tướng cho bạn xem. Đây đều là sự thật.

Mọi người đều biết Bồ Tát Quán Âm thường xuất hiện ở Phổ Đà Sơn động Phạm Âm. Có rất nhiều người đến tham bái núi Phổ Đà, nhất định vào trong động Phạm Âm để bái Quán Âm, xem thử chính mình có duyên phận để thấy được Bồ Tát Quán Âm hay không. Có một số người thấy được, có số người không thấy được. Không thấy được là do tâm không thành, chính là bạn đang lạy Bồ Tát Quán Âm, trong tâm bạn có vọng tưởng, có tạp niệm thì bạn không thấy được. Nếu như khi bạn đến lạy, bạn lạy mười phút, hai mươi phút, nửa giờ đồng hồ, bạn thành tâm thành ý mà lạy, một vọng tưởng tạp niệm đều không có, bạn sẽ thấy được. Thế nhưng mỗi một người thấy được tướng Bồ Tát Quán Âm luôn luôn là không giống nhau.

/ 374