/ 374
683

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 223

Kinh văn: “Thân khẩu thường xuất, vô lượng diệu hương, do như Đàn hương, Ưu bát la hoa, kỳ hương phổ huân, vô lượng thế giới”.

Đây là đoạn nhỏ thứ nhất “hạ hóa”. Tiếp theo chúng ta đem đoạn nhỏ phía sau đọc tiếp:

Kinh văn: “Tùy sở sanh xứ, sắc tướng đoan nghiêm, tam thập nhị tướng, bát thập chủng hảo, tất giai cụ túc. Thủ trung thường xuất, vô tận chi bảo, trang nghiêm chi cụ. Nhất thiết sở tu, tối thượng chi vật, lợi lạc hữu tình”.

Đoạn phía trước là “thù nhân cảm quả”. Trong đoạn này nói rõ Bồ Tát tu hành thành tựu, mà trên thực tế chính là dạy bảo chúng ta phải nên làm thế nào sinh hoạt, làm thế nào ở chung với người khác, làm thế nào để làm việc, mới có thể thành tựu công đức lợi ích thù thắng. Đây là chúng ta phải nên học tập.

Hôm nay, đoạn này nói đến “hạ hóa”. Ý nghĩa của “hạ hóa”, dùng lời hiện tại mà nói, chính là vì tất cả chúng sanh phục vụ. Nếu như chúng ta muốn hỏi, mục đích của Bồ Tát sống ở thế gian này là ở đâu? Chúng ta có thể dùng bốn chữ thì liền giải đáp được: “Thượng cầu hạ hóa”. Bốn chữ này chúng ta phải cố gắng mà ghi nhớ, đây là ý nghĩa chân thật của nhân sanh, thuần chánh vô vọng. Chúng ta ở phía trước đã từng nhắc nhở qua các vị đồng tu, chúng ta sống ở thế gian này, đời đời kiếp kiếp vĩnh viễn không gián đoạn học tập. Học tập không phải một đời. Đại đức xưa chúng ta nói một đời, sống đến già, học đến già, học không hết, chỉ một đời. Phật pháp nói ba đời, nói quá khứ, nói hiện tại, nói vị lai, “quá khứ vô thỉ, vị lai vô tận”, vô thỉ vô chung ngay trong năm tháng, chúng ta trước giờ không gián đoạn học tập. Học tập chính là “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”. Kỳ thật trong điển tích của nhà Nho cũng có cái ý này, nhưng không nói được viên mãn như Phật pháp đến như vậy. Nhà Nho “Đại Học” nói: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện”, cũng đem ý nghĩa cùng mục tiêu đời sống của họ nói ra được. “Minh minh đức” chính là thượng cầu, “thân dân” chính là hạ hóa. Thượng cầu hạ hóa đều phải làm đến viên mãn nhất, đó chính là “chí thiện”. Cho nên nhà Nho có rất nhiều thứ nói đều là cương lĩnh, cái cương lĩnh này đều là thuần chánh, không có sai lầm. Phật pháp đem những sự lý, tánh tướng, nhân quả này nói cụ thể, nói tỉ mỉ cho chúng ta. Chúng ta làm thế nào thân dân? Chính là giúp đỡ tất cả chúng sanh.

Cái khoa này, bên trong Kinh văn đoạn nhỏ thứ nhất: “Diệu hương phổ huân”: “Thân khẩu thường xuất vô lượng diệu hương”, chúng ta phải làm thế nào học tập? Chúng ta xem thấy trên Kinh văn những lời nói này, nếu như dính tướng thì sai rồi, có phải là thật đi tìm những loại hương thơm này để xông hương? Vậy thì sai rồi. Chỗ này nói đến “hương” là nói đức hạnh, chính là nói “Minh đức”. Phật pháp Đại thừa cụ thể mà nói, giống như bổn Kinh vừa mở đầu: “hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”, cảm được quả báo thì không thể nghĩ bàn. Cho nên đây là “tánh đức chi hương”, lấy cái ý nghĩa này. Phàm phu chúng ta mê mất đi tự tánh, cho nên mùi vị trên thân của chúng ta đều rất khó ngửi. Chân thật tu học tương ưng với tánh đức, trên thân đích thực có một loại hương kỳ diệu.

Hôm trước ở Hong Kong có một vị lão cư sĩ tặng một đĩa “Hư Vân Lão Hòa Thượng Truyện Ký”. Hiện tại ở Trung Quốc đang dựng phim truyền hình nhiều tập, có 20 tập, dường như vẫn chưa dàn dựng xong. Tặng cho tôi xem bộ phim này, đại khái là giới thiệu. Cái đĩa này tôi đã xem qua, trong đó giới thiệu lão Hòa thượng Hư Vân một năm cắt tóc một lần, cho nên nói chúng ta xem thấy lão hòa thượng trên tấm hình có tấm thì rất nhiều tóc, tóc đều rất dài, có một số thì cạo tóc rất sạch bóng, rất sạch sẽ, đó là Ngài vừa qua năm mới chụp. Ngài mỗi năm cạo tóc một lần, râu cũng cạo một lần, mỗi năm tắm một lần, mỗi năm giặt quần áo một lần. Y phục của Ngài bình thường không giặt, một năm giặt một lần, đời sống đơn giản. Năm xưa tôi đến Hong Kong giảng Kinh, có một số đồng tu nói với tôi, trên thân của lão hòa thượng đích thực có một mùi thanh hương. Y phục một năm giặt một lần, trên cổ áo đều có dầu cặn rất dày, ngửi qua thì có mùi thanh hương. Không như phàm phu chúng ta, ba ngày không tắm thì là vô cùng khó ngửi, mùi vị thì không như nhau. Cho nên mùi hương này là chân thật, không phải là giả. Cho nên ngày ngày phải học tập, ngày ngày phải tu hành. Chúng ta dùng lời rất đơn giản để nói, tâm chân thành thì thơm, tâm hư nguỵ thì không thơm, mùi vị đó thì rất là khó ngửi. Tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi, chúng ta ngày ngày ở nơi đó luyện công. Nếu như tâm địa quả nhiên tương ưng với năm câu này, mùi thơm trên thân liền sẽ tương ưng với trên Kinh đã nói: “Thân khẩu thường xuất vô lượng diệu hương”. Đây là công phu tu hành chân thật. Cho nên, một người có tu hành hay không, có đạo tâm hay không, có đạo hạnh hay không, vừa tiếp xúc liền biết, không cần phải nói nhiều. Thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi liền có thể biết được bạn tu hành có những công phu gì, bạn là công phu thật hay là công phu giả, làm gì có thể gạt được người. Do đây có thể biết, sự việc này không cách gì có thể che giấu được, không cách gì làm giả được. Nhất định phải thật làm.

/ 374