/ 374
491

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 216

****************

Tương lai có thể có đầy đủ một phần tài sản văn hóa này, chúng ta chắc chắn sẽ không chiếm nó thành của riêng, cho nên vừa rồi tôi nói rồi, không có bản quyền. Chúng ta in ra số lượng lớn, phân cho khắp thế giới. Hễ là trường học có nghiên cứu Hán học, chúng ta đều tặng cho họ làm giáo trình, rất là có ý nghĩa. Đây là một việc làm rất tốt ngay trước mắt, chúng ta phải tích cực mà làm. Vì sao vậy? Những học giả chân thật thông đạt Bách Gia Chư Tử này đại khái đều là tuổi tác rất cao, có thể đều là giáo thọ già về hưu, cho nên tôi nghĩ nếu như chúng ta trong năm năm này không làm, sau năm năm nữa những người này hơn phân nửa có thể đều không còn, chúng ta muốn làm đều không còn kịp, cho nên sự việc này phải tích cực mà làm. Hy vọng đồng tu chúng ta đều có thể có cùng đồng một ý niệm như vậy, mọi người nhiệt tâm cùng nhau gánh vác việc này. Đây là nối huệ mạng Phật, là đại sự nghiệp, đại nhân duyên hoằng pháp lợi sanh, chúng ta gặp được cũng là hy hữu khó gặp. Sau khi gặp được thì nhất định phải chăm chỉ nỗ lực mà làm, đem nó làm đến tận thiện tận mỹ.

Tôi nghĩ, đoạn này chúng ta giới thiệu đến chỗ này, trên đại thể thì có thể được rồi. Bây giờ chúng ta xem tiếp Kinh văn.

**************

Đây là "hiện sanh thành Phật". Ở phía trước đại khoa này là "nhị lợi hành", giảng là "quỹ phạm cụ túc", "quán pháp thường tịch", đoạn này sau tự thành tựu mới có thể giúp đỡ người khác. Đoạn này là "hiện sanh thành tựu". Chúng ta chọn lấy khoa nhỏ, chúng ta dùng một câu nói trên Kinh Kim Cang là “vô trụ sanh tâm". Đoạn thứ nhất, đây là "nhất thiết vô trước".

Kinh văn: "Sở hữu quốc thành, tụ lạc, quyến thuộc, trân bảo, đô vô sở trước".

Đoạn lời nói này hy vọng mọi người không nên hiểu sai ý nghĩa. Cái "vô trước" này có phải đều là không cần hết? Nếu bạn nghe rồi đều không cần hết, vậy thì bạn nghe sai rồi. Cho nên trên kệ khai Kinh nói: "Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa", câu này nói được rất hay. Cái gì gọi là "đô vô sở trước"? Các vị nhất định phải hiểu được, "trước" chính là "chấp trước". Chấp trước chính là không chịu buông xả.

"Quốc thành…", câu này chỉ là nêu lên một vài thí dụ. "Quốc thành" là gì? Đây là nói địa vị của bạn, quyền thế của bạn, bạn là một quốc vương, bạn là một thành chủ, bạn có được địa vị này, có được quyền lực này là phải vì quốc gia này, vì nhân dân thành phố này mà phục vụ. Nếu như có người làm được tốt hơn so với bạn, bạn đem vị trí này nhường cho họ, đây gọi là "vô sở trước". Bạn phải đem vị trí này nhường cho họ, bạn phải nghĩ tưởng, người tiếp lấy chức vị này nhất định có năng lực làm được rất tốt, làm được còn tốt hơn so với bạn, đây gọi là gánh trách nhiệm, tuyệt đối không phải tham luyến quyền thế địa vị. Ý nghĩa ngay chỗ này. Nếu như bạn nghe lời nói này rồi, Phật dạy tôi không dính mắc, tốt, tôi lập tức từ chức, tùy tiện tìm một người nào đó không hề có năng lực, làm việc cũng rất kém, vậy bạn làm sao có thể đối mặt với đại chúng xã hội? Không có người nào có thể làm được tốt hơn so với bạn, thì bạn vẫn là phải trung thực cố gắng mà làm. "Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu kỷ". Khi chính mình đang làm việc, một việc lớn quan trọng nhất là bồi dưỡng người kế thừa, tuyển chọn người kế thừa, đây chính là "đô vô sở trước". Vì sao vậy? Chuẩn bị chuyển giao, quyết không phải tham luyến.

"Thành trấn tụ lạc" chính là hiện tại gọi là chức vị quyền thế về mặt hành chánh. "Quốc" là người lãnh đạo quốc gia, "thành" là người lãnh đạo của thành phố, "tụ lạc" là người lãnh đạo thôn xóm thị trấn. Phải hiểu được đạo lý này.

Phía sau lại nêu lên hai thí dụ. "Quyến thuộc", đây là hiện tại chúng ta gọi là "nhân sự", giúp đỡ những người này đều là quyến thuộc. Trong "quyến thuộc" hàm nghĩa rất rộng. Ở trong cửa Phật, bốn chúng đồng tu chúng ta cùng đồng sinh hoạt với nhau, gọi là "pháp quyến thuộc", hiện tại gọi là "nhân sự".

"Trân bảo" là thuộc về vật chất, đều là người thông thường chấp trước, đều tham ái, không dễ gì buông xả. Ở chỗ này Phật nói với chúng ta, những thứ này thảy đều không nên chấp trước. Trước tiên, đây chính là nói "nhìn thấu, buông xả". Bạn phải chân thật hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật, có thể thọ dụng, không thể chấp trước, mà còn thường hay hoan hỉ buông xả. Có những tiền tài, công danh, địa vị này là phước báo. Phước báo là phước đức bạn nhiều kiếp đã tu tích mà chiêu cảm. Nếu như trong đời quá khứ bạn không có tu, chắc chắn bạn không thể có được.

/ 374