/ 374
627

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 212

Vì sao nói tất cả chúng sanh không có lỗi lầm? Đạo lý này rất khó hiểu. Bạn cần phải hiểu rõ chân tướng sự thật. Chân tướng sự thật là gì? Phía trước nói qua "quán pháp như hóa", họ làm gì có lỗi lầm? Lời nói này vẫn là khó hiểu, chúng ta nêu một thí dụ để nói. Tôi nghĩ mọi người đều xem qua điện ảnh, điện ảnh khi đang chiếu ra chỉ có một màn bạc, màn bạc này phần nhiều là dùng vải trắng làm, khi phim ảnh chiếu lên, hình ảnh hiện tiền rồi, bạn thấy ở trong mắt, có lúc xem thấy cười, có lúc xem thấy khóc, điện ảnh có lỗi lầm hay không? Không có lỗi lầm, nó không có thứ gì, hình ảnh không phải là người thật, đang biểu diễn, hình tượng mà thôi. Tại vì sao hình tượng này đã có thể lôi kéo cảm tình của bạn? Bạn đã bị nó xoay chuyển thì bạn quá đáng thương, nó không có lỗi lầm, lỗi lầm ở chính bạn, nó chẳng qua là hình ảnh mà thôi, mộng huyễn bào ảnh, là giả thôi, không phải là thật. Nó không phải là người thật, giả thôi. Tại vì sao bạn có thể sanh ra vọng tưởng, phân biệt, chấp trước? Bạn đã dính tướng. Nếu như bạn biết được đó là giả, đó là một hình tượng, hoàn toàn không phải là thật, bạn hiểu rõ những chân tướng sự thật này, trong tâm bạn liền như như bất động, trong cái hình tượng này chắc chắn không có phải quấy thiện ác. Đây mới là chân tướng sự thật. Người tường tận hiểu được. Người mê hoặc không hiểu được thì thiệt thòi. Bạn bị nó mê hoặc, bạn thiệt thòi rồi, bạn khởi tâm động niệm, bạn ở nơi đó tạo nghiệp. Người chân thật tường tận đó là mộng huyễn bào ảnh, cho nên họ thấy rồi nghe rồi, họ tuyệt đối sẽ không khởi tâm động niệm, chắc chắn không phân biệt, chấp trước, tâm của họ chính là "quán pháp như hóa, tam muội thường tịch". Cho nên, bạn ngày ngày xem phim ảnh, ngày ngày xem truyền hình, phải hiểu được xem truyền hình là "quán pháp như hóa, tam muội thường tịch". Các vị đối diện với truyền hình mà tu hành, tu hạnh Bồ Tát, công phu của bạn từ ngay chỗ này mà rèn luyện. Màn hình đó là giả, tuyệt đối không phải là thật. Bạn biết được cái màn hình này là giả, sau đó biết được cả thảy thế giới, tất cả cái này thảy đều là giả, không có thứ nào là thật. Trên "Kinh Kim Cang" đã nói: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Tất cả pháp hữu vi như mộng huyễn bèo bọt". Bạn xem thấy cũng tốt, nghe thấy cũng tốt, tâm địa của bạn thanh tịnh, như như bất động, không nhiễm một trần, bạn liền vào được cảnh giới này. Người vào được cảnh giới này không tạo nghiệp, tâm địa thanh tịnh từ bi.

Từ bi từ chỗ nào biểu hiện? Từ phía sau "khéo giữ khẩu nghiệp" đến "thanh tịnh vô nhiễm", sáu câu này biểu hiện ra là đại từ đại bi. Cần phải thanh tịnh mới có từ bi, tâm không thanh tịnh lấy đâu ra từ bi? Do đây có thể biết, bốn câu phía trước này quan trọng, nhất là hai câu "quán pháp" này quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Người có thể quán như vậy thì sẽ không tạo nghiệp, tâm thanh tịnh, biết được tất cả hiện tướng này, họ thị hiện thiện, mặt này tốt, chúng ta phải nên bắt chước; họ thị hiện ác, mặt đó cũng tốt, nhắc nhở chúng ta không nên phạm cái lỗi lầm đó. Cho nên, tất cả thị hiện đều là thầy của ta, đều là thiện hữu của ta, đều là giúp chúng ta tinh tấn, đều là đang thành tựu đạo nghiệp của chúng ta. Bạn xem, tâm hạnh của Bồ Tát cùng phàm phu chúng ta đích thực không giống nhau.

Sáu câu này đều là thuộc về giới hạnh. Giáo học của Phật, tổng cương lĩnh chỉ có ba cái là giới-định-huệ tam học. Sáu câu này là thuộc về giới học. "Nhân giới được định, nhân định khai huệ", thế nhưng giới-định-huệ tam học là tương bổ tương thành, giới có thể giúp đỡ định huệ, định có thể giúp đỡ giới huệ, huệ có thể giúp giới định, nó là tương bổ tương thành. Người sơ học chúng ta cần phải từ "trì giới" mà bắt tay vào.

Trì giới chính là tuân thủ giáo giới của Phật, tuân thủ Phật chế định qui củ, thành thật lão thật y giáo phụng hành, tâm của chúng ta mới có thể thanh tịnh, mới có thể được định. Cho nên đoạn Kinh văn này vô cùng quan trọng, ngàn vạn lần phải ghi nhớ.

Khẩu nghiệp rất nhiều, nghiêm trọng nhất là nói lỗi lầm của người khác. Nói lỗi lầm của người khác là chính mình lỗi lầm nghiêm trọng nhất. Việc này phải nên hiểu. Làm sao đem lỗi lầm của người khác từ trong nội tâm của chúng ta tiêu trừ, đây mới là biện pháp căn bản.

/ 374