/ 374
432

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 213

****************

Kinh văn: "Thiện hộ khẩu nghiệp, bất cơ tha quá. Thiện hộ thân nghiệp, bất thất oai nghi. Thiện hộ ý nghiệp, thanh tịnh vô nhiễm".

Đây là đoạn nhỏ thứ ba: "Khéo giữ ba nghiệp" trong "Nhị Lợi Hành". Đoạn Kinh văn này tuy là ở phía trước có sơ lược giới thiệu qua, thế nhưng đây là căn bản tu học của chúng ta. Học Phật, làm người bắt đầu làm từ đâu? Đoạn Kinh văn này là chỗ bắt tay vào. Do đó, chúng ta có thể dùng nhiều một chút thời gian để nghiên cứu thảo luận.

Mấy năm gần đây, sáng sớm mỗi ngày chúng tôi cùng với mọi người cùng nhau học tập “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”. Nội dung của “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” chính là sáu câu Kinh văn này của "Kinh Vô Lượng Thọ". Do đây có thể biết, ý nghĩa của sáu câu này sâu rộng vô tận, người đọc qua “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” tự nhiên có thể thể hội được.

Thông thường chúng ta nói đến ba nghiệp đều là nói Thân-Khẩu-Ý, đều là dùng trình tự này, thế nhưng ở trên bổn Kinh này, Thế Tôn đem "khẩu nghiệp" xếp ở trước tiên, sau đó mới nói đến "thân nghiệp", sau cùng nói đến "ý nghiệp", thứ tự này đảo ngược. Dụng ý này rất sâu, chúng ta quyết định không thể nào xem thường. Sáu câu này là biểu thị Bồ Tát Thân-Khẩu-Ý ba nghiệp thanh tịnh. Đây là ba cương lĩnh lớn Bồ Tát tu hành. Tóm lại mà nói, không rời khỏi chữ "thiện", "thiện hộ". Bồ Tát là gì? Cương lĩnh của Bồ Tát tu học, chúng ta có muốn học hay không? Có quan hệ gì với chúng ta? Việc này luôn phải làm cho rõ ràng.

"Bồ Tát" là danh từ trong tiếng Phạn Ấn Độ xưa. Ý nghĩa của Bồ Tát, người xưa dịch là "đại đạo tâm chúng sanh". Cho nên Bồ Tát là chúng sanh, chúng ta cũng là chúng sanh, họ xưng Bồ Tát, vì họ phát ra tâm đại đạo, chúng ta chưa phát tâm. Người phát đại đạo tâm, con người này mới gọi là Bồ Tát. "Đại đạo tâm" là gì? Đại đạo của thế xuất thế gian chính là thành Phật, làm Phật. Cho nên cổ đức thường dùng hai câu nói để giải thích: "Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh", những người này thì gọi là Bồ Tát. "Hạ hóa chúng sanh" thì dễ dàng hiểu được, nhưng"thượng cầu Phật đạo" thì chúng ta luôn luôn xem thường. Ngay trong mắt Bồ Tát, nguyện vọng của họ chỉ có một, con đường của họ đi là thành Phật, họ không đi con đường nào khác. Hay nói cách khác, Bồ Tát tất nhiên là tâm tâm niệm niệm đều đang niệm Phật, "niệm Phật thành Phật". Việc này không giống người thông thường.

Người thông thường, cho dù là người niệm Phật, đồng tu niệm Phật đường chúng ta rất đông, các vị ngồi đây đều là người niệm Phật, các vị có phải là Bồ Tát hay không? Tại vì sao không phải? Vào Niệm Phật đường liền niệm Phật, ra khỏi Niệm Phật đường thì quên mất Phật rồi, thường hay quên đi, vậy thì không được. Phải mỗi niệm không quên thì mới được. Người thông thường chúng ta luôn là không thể quên được chính mình, không thể quên được phiền não tập khí của chính mình, không thể quên được phân biệt chấp trước của chính mình, cho nên không thể trở thành Bồ Tát.

Nếu chúng ta muốn học Bồ Tát, muốn làm Bồ Tát thì nhất định phải ghi nhớ, pháp môn Tịnh Tông là đại đạo của Bồ Tát, là đường tắt của Bồ Tát, hi hữu khó gặp. Bồ Tát Đại Thế Chí nói với chúng ta rất hay: "Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai, quyết định thấy Phật". Đây chính là tiêu chuẩn của Bồ Tát, chúng ta phải cố gắng ghi nhớ, mỗi niệm không quên. Thế xuất thế pháp chỉ có pháp môn này thù thắng. Đời đời kiếp kiếp luân hồi sáu cõi, sai rồi! Nhất định phải ở ngay trong đời này siêu việt, cầu được quả đức cứu cánh thù thắng, vậy thì mới đúng, lần này chúng ta đến nhân gian này liền có ý nghĩa, có giá trị.

Trong khéo giữ ba nghiệp, quan trọng nhất là "ý nghiệp". Ý nghiệp thanh tịnh vô nhiễm. Nếu ý nghiệp thanh tịnh thì thân nghiệp, khẩu nghiệp đương nhiên liền thanh tịnh. Do đây có thể biết, ở ngay trong thân khẩu tu hành chỉ là ở cành lá, chưa đạt đến căn bản. Căn bản là khởi tâm động niệm. Căn bản tuy là quan trọng, nhưng căn bản khó tu, cho nên Phật vẫn là dạy chúng ta bắt tay từ trên cành lá. Đây gọi là cửa phương tiện. Ở trong Phật pháp, các vị nên biết, bao gồm Tông môn Giáo hạ, Tông môn, Thiền tông tiếp dẫn học nhân đều là người thượng thượng căn, cho nên họ không tìm phiền não, trực tiếp tu từ căn bản, đây là thiền tông. Thế nhưng người căn tánh trung hạ phải trực tiếp tu từ trên tâm thì không làm được. Do nguyên nhân gì? Phiền não tập khí quá nặng, không cách gì tu từ căn bản. Phật cũng không xả bỏ chúng ta. Không cách gì tu từ căn bản, thì từ trên cành lá mà bắt tay vào cũng được. Đây chính gọi là "giáo hạ". Ngoài Thiền tông ra, còn có chín tông phái khác đều gọi là "giáo hạ". Giáo hạ là do cạn mà sâu, có thứ lớp, có trình tự, dần dần nâng cao cảnh giới của chính mình. Việc này đối với chúng ta mà nói rất là hữu dụng, chúng ta chân thật có thể được lợi ích.

/ 374