/ 374
687

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 211

Kinh văn: “Thiện hộ khẩu nghiệp, bất cơ tha quá. Thiện hộ thân nghiệp, bất thất oai nghi. Thiện hộ ý nghiệp, thanh tịnh vô nhiễm”.

Đoạn này là “khéo giữ ba nghiệp”, là khai thị quan trọng nhất của Thế Tôn ở bổn Kinh đối với đệ tử sơ học chúng ta phát tâm cầu sanh Tịnh Độ. Trong “nhị lợi hành”, phía trước chúng ta đọc qua “trang nghiêm chúng hạnh, quỹ phạm cụ túc, quán pháp như hóa, tam muội thường tịch”. Hôm nay đây là đoạn nhỏ thứ ba. Đoạn nhỏ thứ ba này Kinh văn không dài, chúng ta nhất định phải ghi nhớ ở trong tâm, mỗi giờ mỗi phút phải dùng nó để quán chiếu, cũng chính là nói, dùng cái này làm tiêu chuẩn, ở mọi lúc vào mọi nơi, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm phải tương ưng với tiêu chuẩn này, đây chính là đệ tử của Di Đà. Nếu như chúng ta không tương ưng với tiêu chuẩn này thì chúng ta không phải chân thật học Phật.

Từ ngay chỗ này mà quán sát, đệ tử Di Đà và đệ tử Phật thông thường đích thực là không giống nhau. Ở trong bổn Kinh, Thế Tôn vì chúng ta nói rõ, A Di Đà Phật ở trong chư Phật Như Lai nhận được sự tôn trọng rất lớn của đại chúng. Đại chúng ở đây là chư Phật Như Lai. Do đó đệ tử của Di Đà ở ngay trong chư Phật Như Lai cũng như vậy, nhận được tôn trọng đặc biệt của đệ tử chư Phật. Mọi người tại vì sao tôn trọng bạn? Chính là bạn “nhị lợi cụ túc”, bạn là tấm gương của tất cả chúng sanh, là mô phạm ngay trong tất cả đệ tử Phật, đương nhiên nhận được sự tôn trọng của mọi người. Đệ tử Di Đà ngay trong ý thức “trang nghiêm chúng hạnh, quỹ phạm cụ túc”. Họ có cái ý thức này, có cái ý niệm này, dùng lời của chúng ta để nói, có cái nguyện tâm này, mỗi niệm mỗi hành động đều làm ra tấm gương tốt cho người thế gian. Điều này vô cùng quan trọng. Lại có trí tuệ cứu cánh viên mãn. Trí tuệ cứu cánh viên mãn là một đoạn nhỏ phía sau nói “quán pháp như hóa, tam muội thường tịch”. “Quán pháp như hóa”, câu này là trí tuệ viên mãn. “Tam muội thường tịch” là đức hạnh viên mãn. Trí tuệ và phước đức hai loại viên mãn, đây là chúng ta xưng tán Phật Đà là “nhị túc tôn”, chính là hai câu này.

Thực tiễn ở ngay trong cuộc sống thường ngày chính là ngày nay chúng ta đọc sáu câu này, đây là thực tiễn “ba nghiệp thanh tịnh”. Nếu như không có hai đoạn phía trước, không có “quỹ phạm cụ túc”, không có “quán pháp thường tịch”, chỉ có “ba nghiệp thanh tịnh”, xin nói với các vị, đây cũng xem là không tệ rồi. Đây là phước báo trời người thế gian, không ra khỏi tam giới, cũng chính là không ra khỏi sáu cõi. Đầy đủ hai đoạn phía trước thì không phải phàm phu sáu cõi. Việc này chúng ta ngay trong lúc giảng dạy thường hay khuyến khích các đồng tu, học Phật chỗ tốt ở chỗ nào? Tại vì sao phải học Phật? Không có lợi ích chân thật, chúng ta hà tất phải học chứ? Lợi ích chân thật chính ở đoạn Kinh văn này đã nói, trí tuệ viên mãn, phước đức viên mãn, chuyển thân nghiệp báo của chúng ta từ vô lượng kiếp thành nguyện thân của Phật Bồ Tát. Chuyển bằng cách nào vậy? Chuyển trên ý niệm.

Bốn câu phía trước, nếu bạn chân thật hiểu được, chân thật thể hội được, vào được cảnh giới này rồi, thì bạn chuyển rồi. Phàm - Thánh chính ngay ở một niệm. Một niệm chuyển đổi lại, bạn liền cùng Thế giới Tây Phương Cực Lạc, chư đại Bồ Tát không hề khác biệt. Không thể chuyển đổi, đó là phàm phu, tích công bồi đức, đoạn ác tu thiện cũng chỉ có thể được phước báo tam giới hữu lậu mà thôi. Những đạo lý chân tướng sự thật này, chúng ta nhất định phải rõ ràng, nhất định phải tường tận. Đặc biệt là đoạn nhỏ phía trước này. “Quán pháp như hóa” là nhìn được thấu, “tam muội thường tịch” là buông được xuống. Tịch là tịch tịnh, cũng chính là chúng ta thường nói “tâm thanh tịnh”.

Trong tâm thanh tịnh chắc chắn không có chút nào nhiễm trước. Nếu như có chút nào nhiễm trước, cái tâm này liền không thanh tịnh. Hay nói cách khác, cần phải buông xả tất cả, không chỉ pháp thế gian buông xả (cái “buông xả” này chính là không để ở trong tâm), Phật pháp cũng buông xả, Phật pháp cũng không nên chấp trước (để vào trong tâm chính là chấp trước), không thể chấp trước. Tâm phải thanh tịnh, tâm phải hư, phải không. Hư thì linh. “Linh” là gì? Trí tuệ sanh khởi rồi. Trong tâm có thứ gì tồn tại thì không sanh trí tuệ, liền sanh phiền não, trí tuệ liền biến thành phiền não. Trong tâm để nó trống không, để nó trong sạch vô nhiễm, cái tâm này liền sanh trí tuệ. Cho nên Đại Sư Huệ Năng Tổ thứ sáu Thiền tông ở trong “Đàn Kinh” nói: “Bổn lai vô nhất vật”, đó chính là “thường tịch”. Bổn lai vô nhất vật, cho nên Ngài nói với Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn: “Trong tâm đệ tử thường sanh trí tuệ”. Tại vì sao thường sanh trí tuệ? Bổn lai vô nhất vật, không nhiễm trước bất cứ thứ gì, thân tâm thế giới tất cả buông xả. Trên “Kinh Kim Cang”, Thế Tôn rõ ràng vì chúng ta khai thị: “Pháp còn nên xả, huống hồ phi pháp?”. Cái pháp đó là Phật pháp. Thế Tôn 49 năm nói ra tất cả pháp đều phải xả. “Xả” là gì? Không thể để vào trong tâm, cũng chính là nói, không nên phân biệt, không nên chấp trước. Nếu bạn khởi phân biệt chấp trước đối với Phật pháp, thì “tam muội” bạn cũng không có. Các vị phải nên biết, trong tâm có thứ gì tồn tại, cái tâm này gọi là “tâm luân hồi”.

/ 374