/ 374
633

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 204

TỨ NHIẾP PHÁP

Thứ nhất là “Bố Thí”.

Bố thí chính là chúng ta thông thường gọi là tặng quà. Ngạn ngữ nói: “Quà nhiều người không trách”. Thường hay tặng quà, món quà nhỏ biểu thị quan tâm, biểu thị yêu thương. Quà không ở quí trọng, mà là biểu thị cảm tình, nhất là khi ra khỏi cửa. Hiện tại thường hay ra nước ngoài du lịch, xem thấy những vật kỷ niệm nhỏ, có những món kỷ niệm rất rẻ, không mắc lắm, thế nhưng sau khi trở về tặng cho bạn bè thân thích, tặng cho người nhà của bạn, thì người nhà sẽ cảm kích, bạn du lịch ra nước ngoài vẫn không quên họ. Việc này quan hệ rất lớn. Làm ông chủ, các vị nghĩ xem, ông chủ đi du lịch, không luận đi đến nơi nào đó, khi trở về có mang chút quà nhỏ tặng cho công nhân hay không? Không cần phải phí tổn quá nhiều, biểu thị tuy là ta ra khỏi cửa, nhưng đối với các người mỗi một người đều không quên đi. Một tấm thiệp cũng là vật kỷ niệm rất trân quý. Điều này không thể không hiểu. Giao tế giữa người và người, lễ vật quan trọng hơn bất cứ thứ gì, cho nên phải hiểu được tặng quà.

Có một số pháp sư biết được, họ nói pháp duyên của Pháp sư Tịnh Không rất tốt. Pháp sư Diễn Bồi còn đến thỉnh giáo tôi, muốn học tập với tôi. Tôi nói, việc này rất đơn giản mà, “tặng quà”, bất cứ nơi nào mời tôi đi giảng Kinh, tôi đều mang theo rất nhiều sách Phật, sách thiện, băng ghi hình, băng ghi âm để kết duyên cùng mỗi một vị đồng tu. Đây là bố thí.

Khi chúng tôi mới theo lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam học, lão sư Ngài rất xem trọng đối với Tứ Nhiếp Pháp. Thầy dạy chúng tôi: “Các người học giảng Kinh nhất định phải kết duyên với đại chúng”. Bạn không kết duyên thì tương lai bạn không còn pháp duyên. Chúng ta cũng không biết làm cách nào để kết, làm gì có nhiều tiền như vậy để kết duyên? Đơn giản mà, bạn mua một bao đậu phộng, đứng ở cửa, mỗi người bước vào cho họ một hạt thì đã kết duyên rồi. Việc làm đơn giản như vậy. Chúng ta mới học được, mua một bao lớn kẹo, đậu phộng. Giảng đường giảng Kinh lúc đó của lão sư Lý thính chúng đại khái có đến 400 người, cho nên học trò chúng tôi đều ở trước cửa, mỉm cười hoan nghênh mỗi một người đi đến, nào nào kết duyên với bạn nào. Duyên này chính như vậy mà kết được. Lão sư dạy, vạn nhất không nên cho rằng đây là việc nhỏ. Pháp duyên như vậy bạn kết được. Bạn học giảng Kinh, bạn gặp mặt những thính chúng này, ngó mà bạn cũng không thèm ngó, vậy khi bạn giảng Kinh, ai thèm đến nghe bạn? Tôi thấy các vị đồng tu mỗi tối giảng Kinh, thính chúng đều không nhiều, nguyên nhân gì vậy? Chưa kết duyên. Nếu như các vị mua một ít kẹo kết duyên ở ngoài cửa, thính chúng của các vị liền sẽ nhiều. Các vị học được rồi, đây cũng xem là đời đời truyền nhau. Cho nên phải hiểu được, phải xem trọng, phải biết được cái quan hệ này rất lớn. Bạn xem những năm gần đây, thường hay liên hệ qua lại với chín tôn giáo khác, mỗi lần gặp mặt đều có lễ vật nhỏ mang tặng, có đi có lại mới toại lòng nhau.

Thứ hai là “Ái Ngữ”.

Ái ngữ không phải là lời nói đường mật, mà “ái ngữ” là gì? Ái hộ họ, quan tâm họ, chăm sóc họ, giúp đỡ họ. Trong đây, quan trọng nhất là giúp đỡ họ tiến bộ, giúp đỡ họ cải thiện phẩm chất đời sống, giúp đỡ họ đoạn ác tu thiện, giúp đỡ họ phá mê khai ngộ. Phương tiện khéo léo trong đây nhiều. Đến nơi nào để học vậy? Kinh điển của Phật nơi nơi đều có. Kinh điển là văn tự. Văn tự ghi chép là lời nói của Phật năm xưa, mỗi câu nói của Ngài đều là ái ngữ, ái hộ tất cả chúng sanh. Đây là chúng ta phải học tập. Đặc biệt là ở thời đại này, thời đại này là một thời đại rất khổ nạn. Khổ từ chỗ nào đến? Từ chúng sanh tạo tác nghiệp bất thiện mà chiêu cảm ra. Nếu chúng ta muốn thoát ly cái khốn khó này, tiêu tai miễn nạn, đây quyết không phải từ trên quả mà nói. Nếu từ trên nhân mà nghĩ, có thể đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện thì tai nạn liền có thể hóa giải.

Ngày nay, chúng ta xem cả thảy thế giới, xã hội động loạn, lòng người bất an, tùy thời tùy lúc đều có thể bạo phát ra thiên tai nhân họa. Đây là vấn đề lớn, là vấn đề rất nghiêm túc. Làm thế nào giải quyết? Người học Phật chúng ta thường hay nghe Tổ sư Đại đức nói “tu từ căn bản”. Chúng ta đem ý nghĩa câu nói này nói rộng ra, suy rộng ra, chúng ta đối với xã hội ngày nay cũng phải hiểu được giải cứu từ căn bản mới là biện pháp. Nhà Phật gọi căn bản là năm giới mười thiện, nhà Nho nói căn bản là năm thường tám đức. Chúng ta xem, căn nguyên của động loạn là do đã mất đi căn bản, căn bản dao động. Lấy mười nghiệp thiện để nói, hiện tại tất cả chúng sanh, thân thì tạo sát, đạo, dâm; khẩu thì vọng ngữ, hai chiều, ác khẩu, thêu dệt; trong tâm thì tham, sân, si. Người người đều tạo mười ác nghiệp thì xã hội làm sao an định, thiên hạ làm sao có thể thái bình? Giữa người và người đôi bên không tín nhiệm nhau, nghi ngờ lẫn nhau, phòng ngừa lẫn nhau, thế là giao tình giữa người và người có thể bị phá hỏng, thân duyên chi giao cũng có thể bị phá hỏng. Quân thần, bằng hữu, chồng vợ là đạo nghĩa chi giao, cha con anh em là thân tình. Hiện tại chúng ta thường hay xem thấy trên báo chí cha con đoạn tuyệt quan hệ với nhau, vậy thì thành ra thứ gì chứ, còn gì để nói hay không? Đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Ngay thân tình đều bị phá hỏng thì đạo nghĩa không cần nói rồi, con người sống ở thế gian có ý nghĩa gì, còn có giá trị gì nữa? Đôi bên không còn tín nhiệm lẫn nhau. Một ngày từ sớm đến tối phòng lo người khác tổn hại ta, người ta cũng phòng lo ta tổn hại họ. Trải qua những ngày tháng này, thành thật mà nói, ngay cả súc sanh cũng không bằng. Hiện tại tạo ác, đời sau đọa ba đường ác. Cho nên, phương pháp giải quyết vẫn là từ căn bản, giúp đỡ đại chúng giác ngộ, phải mau quay đầu, đoạn ác tu thiện. Trước tiên phải xây dựng lòng tin với tất cả chúng sanh. Nếu ta tin tưởng họ, mà họ không tin tưởng ta thì làm sao? Họ không tin tưởng ta, ta vẫn cứ tin tưởng họ, phải dùng thời gian dài để cảm hóa họ, vậy thì phải tu nhẫn nhục Ba La Mật. Chúng ta không có lòng nhẫn nại thì làm sao có thể thành tựu? Ngay trong đời này cũng không thể cảm hóa họ quay đầu thì vẫn còn đời sau, đời sau không thành thì còn đời sau nữa. Phật Bồ Tát giúp đỡ tất cả chúng sanh đời đời kiếp kiếp, vĩnh viễn không có thoái chuyển, vĩnh viễn không có ngơi nghỉ. Chúng ta dùng tâm chân thành mà làm, quyết định không hư ngụy đối đãi tất cả chúng sanh. Không cần nói là đối với người, mà đối với động vật đều là dùng tâm chân thành, thì ngay động vật cũng đều bị cảm động. Chúng đến tổn hại ta, ta không tổn hại chúng.

/ 374