487

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 203

"Lợi Tha Hành".

Kinh văn: "Ư chư hữu tình, thường hoài từ nhẫn, hòa nhan ái ngữ, khuyến dụ sách tấn".

Đây là một đoạn nhỏ.

Phía trước, ở trên Kinh Phật chúng ta, câu "huệ lợi quần sanh" là thực tiễn từ bi, "nhẫn lực thành tựu" là thực tiễn nhẫn nhục Ba La Mật. Tiếp theo nói: "Ư chư hữu tình, thường hoài từ nhẫn" cũng chính là nói "huệ lợi quần sanh, nhẫn lực thành tựu". Chúng ta phải hằng thường gìn giữ, mỗi niệm không quên lợi ích chúng sanh.

"Huệ" là bố thí. Thường hay có cái tâm bố thí, có ý nguyện bố thí. Bồ Tát bố thí chắc chắn là có lợi ích đối với chúng sanh. Người thế gian trong việc bố thí đích thực có lợi ích, cũng có có hại. Cho đến bố thí của yêu ma quỷ quái chắc chắn là có hại. Bạn mới tiếp xúc, dường như họ rất hòa thiện, đến sau cùng thiệt thòi bị lừa, hối hận không kịp. Những chỗ này chúng ta đều phải có thể phân biệt.

Phật Bồ Tát thuần dùng cái tâm lợi ích chúng sanh làm tâm. "Hòa nhan ái ngữ, khuyến dụ sách tấn". Bốn cái chữ “hòa nhan ái ngữ” này chúng ta cần phải làm cho được, cần phải học tập. Tu hành có tâm đắc hay không, có công phu hay không, ở trên diện mạo của bạn thì xem thấy rồi. Đây chính là rất rõ ràng cảnh tùy tâm chuyển. Diện mạo của chúng ta chuyển được nhanh nhất, chuyển được rõ ràng nhất. Bạn xem, chư Phật Bồ Tát thực tiễn viên mãn bốn cái chữ này, "Hòa nhan ái ngữ". Người xưa nói là "trong không vọng nhiễm". Trong tâm của bạn không có vọng niệm, không có ô nhiễm, bạn biểu hiện ở bên ngoài tự nhiên là ôn hòa, đây chính là "hòa nhan". Chúng ta ngày nay dung mạo biểu hiện khiến một số người không dám tiếp cận. Vọng thật đáng sợ, vọng thật đáng ghét, do nguyên nhân gì? Vọng tưởng tạp niệm bên trong chúng ta quá nhiều, phải quấy nhân ngã, tham sân si mạn, cái dung nhan này làm sao có thể ôn hòa? Đây là chân tướng sự thật.

Ở trong chú giải, Hoàng lão cư sĩ vận dụng một đoạn lời trong "Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã" (đây là ở trên Kinh Phật nói): "Bồ Tát hành Bát Nhã Ba La Mật, như thị tùy thuận Phật thanh tịnh giáo, đỗ chư chúng sanh diện môn tiên tiếu". Cho nên bạn xem, đạo tràng của nhà Phật, tự viện, am đường, Bồ Tát Di Lặc được đặt ngay ở cửa trước, để bạn vừa bước vào cửa, vị đầu tiên bạn xem thấy là Ngài. Gương mặt Ngài đầy nụ cười. Tại vì sao đem Bồ Tát Di Lặc để ở ngay trước cửa, để ở ngay giữa cửa lớn? Đây là Thích Ca Mâu Ni Phật dạy chúng ta làm. Đây là Bồ Tát. "Bồ Tát" là gì, chúng ta phải làm cho rõ ràng. Có lẽ bạn nói: “Ngài là Bồ Tát, ta không phải là Bồ Tát. Bồ Tát cười với người, ta không phải Bồ Tát”.

"Bồ Tát" là lời của Ấn Độ xưa, ý nghĩa là "người giác ngộ", Đại Sư Huyền Trang phiên dịch thành "giác hữu tình". Chúng ta là phàm phu, phàm phu thì gọi là "hữu tình chúng sanh". Tình thức của chúng ta chưa đoạn. Tình là gì? Phiền não. Phiền não tập khí của chúng ta chưa đoạn. Hiện tại bắt đầu học Phật, quy y Tam Bảo chính là giác ngộ rồi. Quy y Tam Bảo là“giác mà không mê, chánh mà không tà, tịnh mà không nhiễm”. Bạn tu “giác-chánh-tịnh”, xa lìa "mê-tà-nhiễm", bạn chính là Bồ Tát. Bồ Tát sinh hoạt thường ngày hành trì thì gọi là "Bát Nhã Ba La Mật". Chỗ này chúng ta nhất định phải hiểu. Cho nên học Phật, cho dù làm Bồ Tát rồi, các vị đồng tu, đồng tu tại gia có không ít người đã thọ qua Bồ Tát giới, bạn thọ Bồ Tát giới rồi thì nhất định phải học Bồ Tát. Bạn không học Bồ Tát, bạn thọ Bồ Tát giới thì có lỗi với Phật Bồ Tát.

Học Bồ Tát thì từ chỗ nào mà học? Khi gặp người, trước tiên nở nụ cười đón người, đây là điều đầu tiên của Bồ Tát. Khi gặp người mà không biết cười thì không phải Bồ Tát. Bồ Tát gặp người nhất định phải cười trước, mỉm cười đón người, cũng giống như Bồ Tát Di Lặc vậy, phải có thể bao dung.

Người Trung Quốc tạo tượng Bồ Tát Di Lặc không phải tạo Bồ Tát Di Lặc của Ấn Độ. Tượng Bồ Tát Di Lặc Ấn Độ đại khái gần giống tượng của Quán Thế Âm, Đại Thế Chí. Người Trung Quốc chúng ta tạo tượng Bồ Tát Di Lặc là tạo tượng Hòa Thượng Bố Đại. Bố Đại Hòa Thượng xuất hiện vào Thời kỳ Nam Tống Trung Quốc, cùng một thời đại với Nhạc Phi. Hiện tại là chúng ta tạo tượng của Ngài. Khi Ngài viên tịch, Ngài nói với mọi người Ngài là Bồ Tát Di Lặc hóa thân đến, nói ra thân phận của Ngài xong thì Ngài liền đi. Đây là thật, không phải giả. Nếu như nói ra thân phận mà vẫn không đi thì là giả, không phải là thật. Trong nhà Phật có một thí dụ như vậy. Nếu bạn nói ra thân phận thì bạn nhất định phải đi, nếu bạn không đi thì bạn là yêu ngôn hoặc chúng, bạn có ý đồ khác, có mục đích khác, tóm lại là cầu người khác cung kính cúng dường. Cho nên, thân phận vừa bộc lộ thì họ liền rời khỏi thế nhân. Mọi người biết Ngài là Bồ Tát Di Lặc tái lai, thế là tạo tượng Bồ Tát Di Lặc thì tạo tượng của Ngài. Tượng của Ngài rất là tốt, ý nghĩa biểu pháp rất là rõ ràng. Nếu như độ lượng không lớn, không thể bao dung, các vị tưởng tượng, Ngài làm sao có thể cười được như vậy? Đặc biệt là sinh hoạt vào thời đại hiện đại này của chúng ta, không luận là cá nhân tu học hay đoàn thể cộng tu, không thể nào có thập toàn thập mỹ, luôn là thiện ác có phần. Như vậy thì đã không tệ rồi, thì đã đáng được tán thán. Đạo tràng này, con người này có bảy phần đều là làm ác, còn có ba phần tu hành thì đáng được người tán thán. Vì sao vậy? Bạn thấy, người thế gian họ tạo ác là một trăm phần trăm, một phần tu hành cũng không có, cho nên có thể có ba phần là quá tốt rồi, quá khó được rồi. Nếu bạn yêu cầu đến mười phần tu hành, tôi khuyên bạn không nên yêu cầu người khác, yêu cầu chính mình thì đúng; yêu cầu chính mình phải tu hành một trăm phần trăm, yêu cầu người khác có ba phần mười thì rất tốt rồi. Nếu như có cái nhã lượng như vậy, bạn nhất định chính là mặt đầy nụ cười.