630

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 202

Đại đức xưa dạy học, chúng ta mới nghĩ đến "một môn thâm nhập, trường kỳ huân tu". Thầy dùng phương pháp“không cho phép bạn xem, không cho phép bạn tùy tiện nghe” để ràng buộc bạn, làm cho tâm của bạn từ tạp loạn chuyển hướng tinh thuần. Thời gian dài tu tập như vậy, bất tri bất giác vào thiền định. Thiền định không phải là chéo chân, quay vào vách mới xem là thiền định. "Thiền" là bên ngoài không dính tướng, "định" là trong không động tâm. Cho nên, người xưa dùng phương pháp này đích thực là cao minh. Chúng ta sâu sắc thể hội được, bất tri bất giác được lợi ích.

Lão sư hạn định tôi năm năm. Vẫn chưa đến năm năm, đại khái vào năm thứ tư thì tôi liền nói với lão sư, phương pháp này tốt, tôi bằng lòng làm mười năm. Lão sư mỉm cười. Đích thực giống loại người căn tánh trung đẳng như chúng ta, mười năm thì gốc của chúng ta mới chân thật cắm xuống ổn định; không có mười năm, gốc của chúng ta không đủ sâu. Cho nên, lão sư yêu cầu năm năm là gì vậy? Xem thử chúng ta còn có thể tiếp nhận, nếu như ông nói mười năm thì có lẽ chúng ta liền hoài nghi, sẽ không học, quá dài rồi. Mười năm là gì? Nhất định phải chính mình phát tâm, bạn cảm thấy phương pháp này tốt, lại kéo dài thêm năm năm. Còn có 20 năm, 30 năm, chúng ta xem thấy trong truyện ký của người xưa có 20 năm, 30 năm mới có thể khai trí tuệ, mới có thể triển khai quyển Kinh "đắc tâm ứng thủ, tả hữu phùng nguyên". Nếu không trải qua huấn luyện nghiêm khắc thì làm sao có thể thành tựu? Việc này cần phải có công phu nhẫn nại rất lớn.

Thứ năm là "Vô Phương Sở Nhẫn".

Trên Kinh nói thí dụ này cũng rất hay, nói rằng có người ban ngày có thể nhẫn, ban đêm không thể nhẫn; có người ban đêm có thể nhẫn, ban ngày không thể nhẫn; có người ở nơi đây có thể nhẫn, đổi một hoàn cảnh khác thì không thể nhẫn; còn có người ở trước đại oai đức trưởng giả có thể nhẫn, ở đồng hạng hoặc ở trước những đại chúng không như mình thì họ không thể nhẫn. Những người này gọi là "vô phương sở". Cho nên, Phật dạy Bồ Tát tất cả thời, tất cả mọi nơi, tất cả cảnh duyên (cảnh là hoàn cảnh vật chất, duyên là hoàn cảnh nhân sự) thảy đều phải nhẫn.

Nhẫn nại quyết định không có phạm vi, quyết định không có bờ mé. Đối với đại oai đức trưởng giả hoặc giả là cao tăng chân thật có tu có chứng đắc đạo, chúng ta phải nhẫn. Đối với một người vô tri vô thức không học không thuật, chúng ta cũng phải nhẫn. Nhẫn biểu hiện ở chỗ nào? "Lễ kính chư Phật" trong hạnh Phổ Hiền. Chỉ có từ nhẫn nhục thì tâm bình đẳng của chúng ta mới có thể hiện tiền. Chúng ta có một phần thành kính đối với Phật Bồ Tát thì đối đãi tất cả chúng sanh cũng là một phần tâm thành kính này, quyết định không có khác biệt. Nếu như có khác biệt thì chữ "nhẫn" này liền không còn. Bình đẳng cung kính, bình đẳng tán thán, bình đẳng cúng dường, đây là đại đạo. Phật đạo là đạo bình đẳng, không bình đẳng thì không phải Phật đạo. Chúng ta học với Phật, quan trọng nhất chính là học Phật thật bình đẳng, dùng tâm chân thành, tâm cung kính đối nhân xử thế tiếp vật. Người khác lừa gạt ta, ta quyết không thể lừa gạt người khác; người khác nhục mạ ta, ta không thể nhục mạ người khác. Vì sao vậy? Người tâm địa không bình đẳng, họ đang mê muội, họ không có giác ngộ, hiện tại tuy chúng ta vẫn là chưa giác ngộ, nhưng chúng ta đang học giác. Học giác, Phật là tấm gương giác ngộ tốt nhất. Phải học tập với Phật Đà, chúng ta mới có thể có thành tựu. Phật không có thứ nào không thể nhẫn nại. Đây gọi là “vô phương sở nhẫn”.

Thứ sáu là "Tu Xứ Xứ Nhẫn".

Trong Kinh này cũng có một thí dụ nói, có người đối với cha mẹ có thể nhẫn, đối với thầy của họ cũng có thể nhẫn, đối với vợ của họ và thân bằng quyến thuộc họ có thể nhẫn, thế nhưng người bên ngoài thì họ không thể nhẫn. Phật nói, Bồ Tát nhân giả không phải là như vậy, cũng giống như một loại tâm nhẫn nại đối với cha mẹ, đối với Chiên Đà La cũng phải có lòng nhẫn nại như vậy. Chiên Đà La là tiếng Phạn, là một tộc quần ty tiện nhất thời Ấn Độ xưa, hiện tại chúng ta gọi là "nô lệ". Phật nêu ra thí dụ này, chúng ta đối đãi nô lệ, loại nhẫn nại đó cũng giống như cha mẹ vậy. Phật pháp gọi đây là bình đẳng, đây gọi là "tu xứ xứ nhẫn". Do đây có thể biết cái "xứ xứ nhẫn" này là ở trong hoàn cảnh nhân sự. "Vô phương sở nhẫn" là chủ yếu ở tất cả không gian, tất cả thời gian, là thuộc về một tâm nhẫn nại cảnh giới bên ngoài, "xứ xứ" là nhẫn nại đối với trong hoàn cảnh nhân sự.