/ 374
729

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 201

“Nhẫn Lực Thành Tựu”

Kinh văn: “Bất kế chúng khổ, thiểu dục tri túc, chuyên cầu bạch pháp, huệ lợi quần sanh, chí nguyện vô quyện, nhẫn lực thành tựu”.

Lần trước chúng ta đã giảng đến chỗ này. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ dẫn dụng mười loại nhẫn mà trong “Hội Sớ” của Đại đức xưa Nhật Bản đã nói. Mười loại nhẫn này là dẫn dụng trong “Bảo Vân Kinh”. Đoạn văn này rất là quan trọng đối với việc tu học của chúng ta, cho nên chúng ta phải dùng chút thời gian của ngày hôm nay bổ sung thêm ý nghĩa của “nhẫn lực thành tựu”.

Trong “Kinh Bảo Vân” nói pháp môn Bồ Tát đã tu có mười loại, giống như một thí dụ trong “Kinh Hoa Nghiêm” cũng nói ra mười loại nhẫn nhục. Mười loại này là “nội nhẫn, ngoại nhẫn, pháp nhẫn, tùy Phật giáo nhẫn, vô phương sở nhẫn, tu xứ xứ nhẫn, phi sở vi nhẫn, bất bức não nhẫn, bi tâm nhẫn, thệ nguyện nhẫn”. Do đây có thể biết, chúng ta bình thường gọi là “nhẫn nhục Ba La Mật” chỉ là nói đại khái mà thôi, thực tế mà nói, ngay đến đại khái cũng không thể nói ra được.

Bằng cách nào để tu “nhẫn”? Nhẫn nhục là then chốt tu học của chúng ta. Trên “Kinh Kim Cang” gọi là “tất cả pháp đắc thành ở nhẫn”. Thế xuất thế gian pháp không có nhẫn nại thì không thể nào có thành tựu, cho nên ở trong Kinh điển Phật dạy bảo đại chúng tu học, không có chỗ nào mà không nhắc đến chữ “nhẫn” này. Sở dĩ Thánh nhân có thể thành Thánh, Hiền nhân có thể thành Hiền, Bồ Tát thành được Bồ Tát, Phật có thể thành Phật, không gì khác hơn có thể nhẫn mà thôi. Nếu không thể nhẫn thì việc nhỏ thế gian này cũng không thể thành tựu, huống hồ là đại đạo.

Trên Kinh nói ra mười loại nhẫn.

MƯỜI LOẠI NHẪN

Loại thứ nhất gọi là “Nội Nhẫn”.

Nội nhẫn là gì? Đây là nói chúng ta đối với hoàn cảnh đời sống vật chất, thậm chí đến đời sống tinh thần, khi gặp phải khổ nạn, khi cơ hàn bức bách, khi ưu bi khổ não thì chính mình phải có thể nhẫn chịu. Người Trung Quốc chúng ta thường hay nói: “Lạc thiên tri mạng”. Học trò của Khổng Lão Phu Tử là Nhan Hồi, ông đã làm được tương đối viên mãn. Chúng ta xem thấy ghi chép trong sách, đời sống vật chất của Nhan Hồi rất là thiếu kém, trong “Luận Ngữ” nói “một rá cơm, một phễu nước”, ngay đến chén để ăn cơm cũng không có, dùng trúc bện lại thành cái rá để đựng cơm, uống nước không có ly nên phải dùng phễu (phễu phần nhiều dùng dưa, ở đại lục dùng nhiều nhất là hồ lô, bỏ hết ruột bên trong đi, làm thành cái phễu), uống nước dùng phễu, ăn cơm là rá trúc, bần khổ đến mức độ này. Phu Tử rất cảm thán nói, loại đời sống này nếu ở người khác thì rất là ưu sầu, thế nhưng Nhan Hồi thì không phải vậy, Nhan Hồi ở ngay trong cuộc sống thường ngày không đổi niềm vui này, đời sống của ông rất an vui. Đây là thuộc về “nội nhẫn”.

Tại sao ông có thể nhẫn nại trải qua đời sống khốn khó như vậy? Trong đây có hai nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là hiểu rõ chân tướng sự thật, con người này nhất định có thể nhẫn. Nguyên nhân thứ hai là tường tận đại đạo. Đây là người tu hành. Người chân thật có thành tựu là họ có thể nhẫn. Chúng ta xem thấy Nhan Hồi, Nhan Hồi đích thực là loại người thứ hai, ở nhà Nho là một người tu hành chứng quả. Quả vị của nhà Nho cũng có ba loại là Thánh nhân, Hiền nhân, Quân tử, giống như ba quả vị trong Phật pháp là A La Hán, Bồ Tát, Phật. Mức thấp nhất của Nhan Hồi là vị đại Hiền, tiếp cận quả vị Thánh nhân. Đối với đại đạo lý của vũ trụ nhân sanh, ông thông đạt tường tận rồi, cho nên ông không những có thể nhẫn, mà còn trải qua được an vui.

Một loại kế tiếp là tường tận đối với chân tướng sự thật. Như chúng ta xem thấy ở trong “Liễu Phàm Tứ Huấn”, đời sống của tiên sinh Viên Liễu Phàm những năm đầu không giàu có, thế nhưng có thể trải qua được, gọi là nhà khá giả. Ông có thể nhẫn. Tại vì sao ông có thể nhẫn? Ông được Khổng Tiên Sinh đoán mạng cho ông, mạng của một đời ông đã đoán định rồi, thu nhập của ông mỗi năm có bao nhiêu là đã nhất định rồi; vào lúc đó ông còn trẻ, đi học thi cử được hạng thứ mấy cũng là nhất định rồi; gia nghiệp về sau của ông cũng đều đoán được rất chuẩn, đoán ông sống đến 53 tuổi thì hết mạng, trong mạng không có con trai, không có con gái. Ông chính mình vào những năm trước y theo Khổng tiên sinh đoán mạng cho ông tỉ mỉ mà đối chiếu thì không sai một chút nào, mỗi năm thu nhập quả nhiên đúng như lời Khổng tiên sinh đã nói, năm thứ hai cũng như vậy, năm thứ ba cũng như vậy, “thôi vậy! Không thèm nghĩ thứ gì, tất cả trong mạng đã định rồi, nghĩ cũng là uổng công”, cho nên ông cùng Pháp sư Vân Cốc ở Nam Kinh ngồi ba ngày ba đêm ở trong Thiền đường không khởi một vọng niệm nào. Đừng nói ba ngày ba đêm, chỉ cần bạn ngồi ở đó ba giờ đồng hồ, bạn xem thử, bạn có bao nhiêu vọng niệm? Ba ngày mà không khởi một vọng niệm, đây là người rất có công phu. Thiền sư Vân Cốc tán thán ông: “Tuổi tác của anh không lớn lắm, công phu Thiền định đáng được người kính phục”. Ông ấy liền nói: “Tôi chẳng có công phu gì. Mạng của tôi đã được người đoán định rồi, nghĩ cũng là uổng công, chẳng bằng không nghĩ cho xong”. Sau khi Thiền sư Vân Cốc nghe rồi cười to lên: “Ta nghĩ rằng anh là Thánh Hiền, thì ra anh vẫn là phàm phu”. Cho nên, người phàm phu biết được vận mạng của chính mình, vọng niệm cũng không có, đây không phải là công phu, không phải Thiền định, mà đây là thuộc về nhẫn nhục, họ có thể nhẫn. Tiên sinh Viên Liễu Phàm có thể nhẫn.

/ 374