PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 200
Trên bộ Kinh này, Phật dạy bảo “nhữ đẳng Tỳ Kheo” (đây là gọi học trò xuất gia): “Nhược dục, thoát chư khổ não, đương quán tri túc”. Đây là dạy cho chúng ta phương pháp lìa khổ. Bạn quán sát tri túc: “Tri túc chi pháp, tức thị phú lạc, an ẩn chi xứ. Tri túc chi nhân, tuy ngọa địa thượng, do vi an lạc. Bất tri túc giả, tuy xứ thiên đường, diệc bất xứng ý. Bất tri túc giả, tuy phú nhi bần, tri túc chi nhân, tuy bần nhi phú”.
Chúng ta tỉ mỉ mà tư duy đoạn Kinh văn này. Sự việc này, chúng ta thường hay xem thấy động vật nhỏ, chỉ cần lưu tâm quán sát thì chúng ta sẽ khai trí tuệ. Chúng ta xem thấy chim ở trên cây, xem thấy tổ chuột trên cây, chúng có cái gì? Chúng mong muốn điều gì? Chúng ta từ ngay chỗ này có thể thể hội được “thiểu dục tri túc”. Chúng chỉ mong cầu thức ăn, ngoài thức ăn ra thì không mong cầu thứ gì. Lại xem qua Thế Tôn năm xưa ở đời vì chúng ta thị hiện ra, cùng với những động vật hoang dã này gần như không hề khác. Thích Ca Mâu Ni Phật mỗi ngày ra ngoài khất thực, xin được một bát cơm, nửa ngày ăn một bữa, dưới gốc cây ngủ một đêm. Phật dạy cho chúng ta thiểu dục tri túc. Thế Tôn Ngài chính mình làm ra tấm gương để cho chúng ta xem. Đó chân thật gọi là tri túc thường phú. Phú là gì? Bạn cho tôi, tôi đều không cần, đây là thật giàu. Trên thế gian, người nào nghèo nhất? Người không biết tri túc là nghèo nhất. Người tri túc thì thường giàu. “Khuyến Phát Phẩm” trong “Kinh Pháp Hoa” nói được càng hay: “Thị nhân thiểu dục tri túc, năng tu Phổ Hiền chi hạnh”.
Chúng ta tu Tịnh Độ, ở chỗ này đọc là “Kinh Vô Lượng Thọ”, Kinh văn của “Kinh Vô Lượng Thọ” vừa mở đầu liền dạy cho chúng ta “tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức”. Câu nói này quan trọng, là câu nói đầu tiên, kế tiếp theo sau 16 Chánh Sĩ. Do đây có thể biết, Thế giới Tây Phương Cực Lạc thảy đều là tu hạnh Phổ Hiền. Phật ở trên đại Kinh nói với chúng ta: “Bồ Tát không tu hạnh Phổ Hiền không thể viên thành Phật đạo”. Hay nói cách khác, nếu chứng được Phật quả viên mãn thì nhất định phải tu hạnh Phổ Hiền.
Hạnh Phổ Hiền từ chỗ nào mà tu? Hạnh Phổ Hiền tu từ thiểu dục tri túc. Một người không thể thiểu dục tri túc thì chắc chắn không thể tu hạnh Phổ Hiền. Bạn nghĩ xem, hai câu nói này quan trọng cỡ nào! Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ tổng kết ý nghĩa Kinh luận của Đại đức xưa, ông nói được rất hay: “Bất ư tâm ngoại thủ pháp, vô nhất pháp đương tình giả danh vi thiểu dục”. Hay nói cách khác, chúng ta đối với pháp thế xuất thế gian còn có chút dục niệm thì không xem là thiểu dục. Cảnh giới này cao.
Tri túc là gì? “Thể lộ chân thường, tịch diệc vi lạc, như như bất động, vi tri túc”. Thiểu dục và tri túc đều là nói xứng tánh. Chúng ta tường tận, thế nhưng chúng ta không làm được. Đây là chỉ người nào? Pháp thân Bồ Tát, Bồ Tát minh tâm kiến tánh, không phải là người thông thường. Đó chân thật là Phật đã nói thiểu dục tri túc. Ý nghĩa của Phật rất sâu rất rộng. Hiện tại chúng ta là phàm phu, là đang sơ học, tận lượng giảm thiểu dục vọng, giảm thiểu mong cầu, có sự giúp đỡ đối với tu hành của chúng ta.
Hai câu phía sau: “Chuyên cầu bạch pháp, chuyên lợi quần sanh”. Đây là “bất kế chúng khổ, thiểu dục tri túc”. Chúng ta có thể dùng một câu tổng kết là: “buông xả vạn duyên”, cũng chính là buông xả tất cả thân tâm thế giới, quyết không nên đem nó để vào trong tâm, trong tâm trong sạch, sạch sẽ không nhiễm một trần. Đây là ý nghĩa thiểu dục tri túc. Sau đó “chuyên cầu bạch pháp”. Trong Phật Kinh gọi là bạch pháp, là đối với hắc pháp mà nói. Trong từ ngữ của chúng ta gọi là thiện ác, thiện pháp, ác pháp. Người Ấn Độ thời xưa không nói thiện ác, mà nói là hắc bạch. Hắc chính là ác pháp, bạch chính là thiện pháp. Chỗ này nói “chuyên cầu bạch pháp” chính là chuyên cầu thiện pháp. Như “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, Phật vì chúng ta khai thị, Ngài nói Bồ Tát có một phương pháp “có thể đoạn tất cả khổ của thế gian”, như chúng ta phía trước đã nói ba khổ, tám khổ, tất cả khổ ở thế gian này. Dùng phương pháp gì vậy? “Ngày đêm thường niệm thiện pháp”, chính là chuyên cầu bạch pháp.
Những gì là thiện pháp? Từ nghĩa hẹp mà nói, “Thập Thiện Nghiệp Đạo”, thường niệm không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không hai chiều, không ác khẩu, không thêu dệt, không tham, không sân, không si. Đây gọi là mười nghiệp thiện. Thường niệm, loại tu này là tiêu cực. Từ tiêu cực chuyển biến thành tích cực chính là “huệ lợi quần sanh”. Huệ là ân huệ, phải bố thí ân huệ. Làm thế nào bố thí ân huệ? Lợi ích chúng sanh, vậy thì biến thành tích cực. Phải đem mười thiện của bạn thực tiễn vào ngay trong cuộc sống thường ngày, thực tiễn trong công việc, thực tiễn vào trong đối nhân xử thế tiếp vật. Nửa bộ sau của “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh” cụ thể nói rõ làm thế nào thực tiễn ở Lục Độ Bồ Tát, thực tiễn ở Từ Bi Hỷ Xả (đây là bốn tâm vô lượng), thực tiễn vào Tứ Nhiếp Pháp (Tứ Nhiếp Pháp chính là người với người qua lại, nhiếp thọ tất cả đại chúng), thực tiễn vào 37 phẩm trợ đạo (37 phẩm trợ đạo là bao gồm toàn bộ Phật pháp. Thiên Thai tông nói 37 phẩm trợ đạo là nói Tạng-Thông-Biệt-Viên, đạo phẩm của Tạng giáo, đạo phẩm của Thông giáo, đạo phẩm của Biệt giáo, đạo phẩm của Viên giáo, đó là bao gồm hết thảy Phật pháp). Chúng ta lại nghĩ tưởng, làm thế nào thực tiễn ở pháp môn niệm Phật của chúng ta? Như vậy mới chân thật làm đến “huệ lợi quần sanh”.