/ 374
1.021

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 199

Nhẫn Lực Thành Tựu

Kinh văn: “Bất kế chúng khổ, thiểu dục tri túc, chuyên cầu bạch pháp, huệ lợi quần sanh, chí nguyện vô quyện, nhẫn lực thành tựu”.

Đoạn nhỏ này rất quan trọng đối với hiện tiền tu học của chúng ta, không chỉ có thể tự lợi mà còn có thể lợi ích tất cả chúng sanh khổ nạn của thế gian này. Tai nạn của chúng sanh từ chỗ nào mà ra? Chúng ta tỉ mỉ mà quán sát tư duy, đều không ngoài ham muốn, không biết đủ; ham muốn hưởng thụ các thứ năm dục sáu trần của thế gian, thế là không thể không làm việc bất thiện trái ngược tánh đức; tranh danh đoạt lợi, ham muốn, tư lợi, vậy mới tạo thành tai nạn hiện tiền khôn tả cho thế gian này. Nếu muốn tiêu trừ tai nạn này, đoạn Kinh văn này tuy là không dài, nhưng đích thực là một thang thuốc tốt.

Thế gian người nhiều, mọi người tạo, đây là cộng nghiệp. Chúng ta có năng lực giúp họ tiêu trừ hay không? Then chốt ở chúng ta chính mình có lòng tin hay không, có thể như lý như pháp mà tu học hay không. Nếu như chúng ta có lòng tin kiên định, nguyện lực kiên cường, đem những tai nạn này triệt để tiêu trừ, việc này chắc chắn chúng ta không thể nào làm được. Thế nhưng nếu muốn làm cho tai nạn này giảm nhẹ một chút, thời gian lùi về sau một chút, điều này khẳng định có thể làm được, có căn cứ của lý luận, có sự thật chứng minh. Nếu như không làm được, thực tế mà nói vẫn là lòng tin của chính chúng ta không kiên định, nguyện lực không khẩn thiết. Chúng ta quay đầu lại chính mình sám hối, dõng mãnh tinh tấn thì chắc chắn có thể tự độ và còn có thể lợi tha.

Hai câu phía trước: “Bất kế chúng khổ, thiểu dục tri túc”. “Kế” là tính toán, là chấp trước. “Chúng khổ” quá nhiều rồi. Chúng ta ở ngay trong đời này gặp phải khổ nạn vô lượng vô biên. Thế Tôn vì chúng ta nói ra những sự tướng này. Thế Tôn Ngài đem tất cả khổ quy nạp lại thành ba loại lớn, thông thường chúng ta gọi là “ba khổ”. Thứ nhất là khổ khổ, thứ hai là hoại khổ, thứ ba là hành khổ. Sự việc khổ nạn có nhiều hơn cũng không ngoài ba loại lớn này.

Loại thứ nhất là “khổ khổ”. Chữ khổ phía sau là danh từ, chữ khổ phía trước là động từ. Nhà Phật thường nói “tám khổ giao nhau”, đây là nhà Phật đem nó phân làm tám loại. Tám loại khổ này đều là thuộc về khổ khổ. Bốn loại phía trước là sanh-lão-bệnh-tử, tất cả chúng sanh đều không thể nào tránh khỏi. “Sanh khổ” chúng ta đều trải qua rồi, thế nhưng đều quên hết, quên sạch sẽ.

Trên Kinh điển Phật nói với chúng ta, Phật dùng lời hình dung để nói, ngay khi thần thức của chúng ta đến thế gian này để đầu thai, tìm kiếm cha mẹ, nếu cha mẹ có duyên với bạn, bạn liền xem thấy một luồng ánh sáng, bạn nương theo ánh sáng này mà đi, bất tri bất giác liền đi đầu thai. Nếu cha mẹ với bạn không có duyên phận thì bạn chắc chắn sẽ không đầu thai vào trong nhà của họ. Đầu thai đến đều là có duyên phận. Duyên này đích thực có thiện duyên, có ác duyên. Thiện duyên thì báo ân, trả nợ. Ác duyên thì báo oán, đời nợ. Nếu như không có bốn loại duyên thì sẽ không đến trong một nhà để trở thành người một nhà. Cha mẹ, chồng vợ, anh em, chị em trở thành người một nhà, Phật nói đều là bốn loại duyên. Phàm phu chúng ta không biết, cho nên có một số con cái rất tốt, rất nghe lời, rất dễ dạy; lại có một số con cái rất khó dạy, không nghe lời, dường như sanh tánh chính là bội nghịch. Chúng ta đọc sách Phật biết được loại tình hình này. Con cái nghe lời, dễ dạy là báo ân đến; con cái sanh tánh bội nghịch là báo oán đến. Hiểu được chân tướng sự thật này thì chúng ta nhất định phải dùng trí tuệ, phải dùng phương tiện từ bi khéo léo để điều giáo, đem thiện ác duyên của quá khứ đều biến thành pháp duyên, vậy thì tốt rồi. Đem quyến thuộc cốt nhục biến thành pháp quyến thuộc. Phật đều là dạy chúng ta làm một sự chuyển biến, như vậy tự nhiên liền có thể chuyển ác thành thiện, chuyển mê thành ngộ, đến lúc cùng tột thì chuyển phàm thành Thánh.

Có những lúc chúng ta muốn chuyển, nhưng công phu đạo lực của chính mình không đủ, nên không thể chuyển, thì tâm chí thành mong cầu Phật Bồ Tát cảm ứng. Ngay thế gian Thánh nhân đều nói “thành tắc linh”, chân thành đến tột đỉnh thì không thể không cảm thông. Phàm hễ không thể cảm thông, chúng ta chính mình nhất định phải phản tỉnh, là do tâm chân thành của chúng ta không đủ. Giống như Thế Tôn đã nói trong “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, tuy là chúng ta hành thiện, nhưng trong cái thiện này vẫn xen tạp bất thiện, vậy thì gọi là không thành. Trong chân thành không được xen tạp chút nào bất thiện, hay nói cách khác, không thể xen tạp chút nào hư ngụy, tâm chân thành của chúng ta mới có thể cảm động chư Phật Bồ Tát, có thể cảm động tất cả chúng sanh. Đạo lý này chúng ta phải hiểu. Chúng ta phải tu tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi, thì cảnh giới của chúng ta liền có thể chuyển. Đây là nói loại đầu tiên - “sanh khổ”.

/ 374