/ 374
689

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 198

Hành Tịnh Trực Đức

Kinh văn: “Hành tịch tịnh hạnh, viễn ly hư vọng, y chân đế môn, trực chúng đức bổn”.

Tiểu khoa này là “Hành tịnh trực đức”. Điều này dần khế nhập vào cảnh giới. Phía trước tiết nhỏ này, chúng ta đem nó tổng kết lại nói thì thứ nhất là phải đoạn nội hoặc, thứ hai là phải viễn ly ngoại duyên. Chúng ta xem thấy Bồ Tát Pháp Tạng (đây là nói A Di Đà Phật khi ở nhân địa tu Bồ Tát đạo, làm ra tấm gương cho chúng ta) trong không có ác niệm, đây chính là viễn ly phiền não tập khí, bên ngoài không dính ngoại duyên, sau đó thân tâm mới thanh tịnh.

Đản lạc ức niệm, quá khứ chư Phật, sở tu thiện căn”, đây chính là Ngài đem pháp môn niệm Phật thực tiễn ở ngay trong cuộc sống thường ngày. Nghĩ tưởng chư Phật Bồ Tát trải qua ngày tháng như thế nào, chư Phật Bồ Tát đối nhân xử thế tiếp vật như thế nào trong công việc hằng ngày của các Ngài, chúng ta phải ức niệm những việc này. Làm thế nào để ức niệm? Những sự việc này đều ở trên bộ Kinh này. Do đó, tu học trước tiên phải đem Kinh đọc thuộc, mỗi giờ mỗi phút có thể đề khởi, ngay khi chúng ta khởi tâm động niệm, lời nói, việc làm lập tức liền có thể nghĩ đến ở trên Kinh Phật nói như thế nào, ý niệm này ta có nên khởi hay không, lời nói này ta có nên nói hay không, sự việc này ta có nên làm hay không. Tất cả đều tùy thuận giáo huấn Phật Đà, Phật dạy làm thế nào thì ta làm như thế đó, đây là ức niệm chư Phật. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói: “Bồ Tát Thập Địa trước sau không rời niệm Phật”, ý nghĩa chính ngay chỗ này. Câu này là tổng cương lĩnh của Tịnh Độ tông. Chúng ta mỗi niệm phải hướng Phật mà học tập, nên có câu là “lão thật niệm”. Quan trọng nhất là niệm giáo huấn của Phật, niệm hạnh nghiệp của Phật, hành vi của Ngài, tạo tác của Ngài. Chúng ta phải nên làm thế nào học tập với Ngài?

Phật ở phía trước đã từng nói: “Khứ lai hiện tại Phật Phật tương niệm”, có thể thấy được sở dĩ Phật có thể thành tựu đều là học tập của Phật trước. Ngày nay chúng ta cũng muốn thành Phật thì vẫn là biện pháp cũ này, phải học tập với Thích Ca Mâu Ni Phật, phải học tập với A Di Đà Phật. A Di Đà Phật ở đâu vậy? “Kinh Vô Lượng Thọ” chính là A Di Đà Phật. Câu nói này rất quan trọng.

Tiếp theo nói: “Hành tịch tịnh hạnh”. “Tịch tịnh” là gì? Nếu chiếu theo giải thích của đại đức xưa, “Vô Dư Niết Bàn danh tịch tịnh”, tu Vô Dư Niết Bàn thì gọi là tịch tịnh hạnh. Cách nói này chúng ta không dễ hiểu. Trước tiên chúng ta phải lý giải ý nghĩa của “tịch tịnh”. “Tịch” là ý nghĩa của tịch diệt, “tịnh” là ý nghĩa của thanh tịnh. Tịch diệt là gì, là đối với ai nói vậy? Đối với vọng tưởng, phân biệt, chấp trước mà nói. Cách nói này thì mọi người dễ hiểu. Viễn ly vọng tưởng, phân biệt, chấp trước gọi là tịch, đây chính là “Vô Dư Niết Bàn”. Thuật ngữ ở trên Phật Kinh, “tịnh” là gì? Chúng ta sinh hoạt ở thế gian này không thể lìa khỏi xã hội, hay nói cách khác, mắt chúng ta phải thấy, tai phải nghe, miệng phải nói, sáu căn ở ngay trong cuộc sống thường ngày khởi tác dụng, không phải nó không khởi tác dụng. Tuy khởi tác dụng nhưng trong tâm đích thực không có phân biệt, chấp trước, hạnh này gọi là “tịnh hạnh”.

Phật biểu diễn cho chúng ta xem. Thích Ca Mâu Ni Phật năm xưa ở đời vì mọi người giảng Kinh nói pháp 49 năm, ngày ngày tiếp xúc mọi người bận rộn đến hết hơi hết sức, nhưng Ngài là tịch tịnh hạnh. Tịch tịnh tuyệt nhiên không phải cái gì cũng đều không làm, chạy đến núi sâu, tìm một cái động để trốn trong đó, như vậy không phải tịch tịnh. Đến lúc nào động tịnh không hai thì mới vào tịch tịnh. Có thể như Thiện Tài Đồng Tử Năm Mươi Ba Tham trong “Kinh Hoa Nghiêm”. Năm mươi ba vị Pháp Thân Đại Sĩ này đại biểu điều gì? Trong xã hội chúng ta có 53 loại nghề nghiệp khác nhau, phương thức đời sống khác nhau, họ mỗi một người đều là hành tịch tịnh hạnh. Chúng ta phải ở trong đây mà học tập. Làm thế nào ở trong xã hội hiện tại bận rộn phức tạp như thế này, bạn phải hiểu được tu tịch tịnh hạnh thì bạn liền được tâm thanh tịnh, bạn ở trong đây liền tu hành chứng quả.

Vì sao chúng ta sống trong đời sống này không có được tịch tịnh? Nguyên nhân không ngoài vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Bạn làm sao có thể được tịch tịnh? Sáu căn tiếp xúc tất cả cảnh giới thì khởi tâm động niệm (đây là vọng tưởng), phân biệt phải-quấy, thiện-ác, lợi-hại. Bạn không thể nào rời khỏi phân biệt, chấp trước thì bạn làm sao có được tịch tịnh? Xem thấy những người tu hành này, những pháp thân Bồ Tát này, các Ngài giống y như chúng ta, cũng sống ngay trong hoàn cảnh này, vì sao các Ngài không có phiền não? Vì sao các Ngài có thể được tâm thanh tịnh? Do đây có thể biết, được tâm thanh tịnh không có liên quan với ngoại duyên bên ngoài, ngoại duyên có phức tạp hơn cũng không nhiễu loạn lòng người tu hành. Thế nhưng các vị phải nên ghi nhớ, đạo nghiệp của người này đã thành tựu mới được, còn những người sơ học như chúng ta đây thì khó rồi, khi không có việc, khi không tiếp xúc với người thì trong tâm không ngừng khởi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tiếp xúc cảnh giới bên ngoài thì được sao? Cho nên đối với người sơ học, Tổ sư Đại đức nhất định phải chọn lựa cho họ một hoàn cảnh tu hành, đạo lý chính ngay chỗ này.

/ 374