/ 374
440

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 197

Kinh văn: "Ư vô lượng kiếp, tích trực đức hạnh".

Chỗ này trong phán khoa là đoạn thứ hai "Tịnh tâm". Đoạn phía trước là kết trước khải sau. Trong "như nguyện tu hành", hai câu này là tổng thuyết, từ "bất khởi tham sân si dục chư tưởng" trở về sau là biệt thuyết. Hai câu nói này rất quan trọng. Chúng ta liên kết Kinh văn phía trước, Bồ Tát Pháp Tạng "trụ chân thật huệ, dõng mãnh tinh tấn, nhất hướng chuyên chí, trang nghiêm diệu độ". Từ công phu tu hành của Ngài có thể trực tiếp vào hai câu: "Ư vô lượng kiếp, tích trực đức hạnh".

Pháp môn Tịnh Độ, ở trên Kinh luận Phật thường nói "tâm tịnh thì cõi Phật tịnh". Thực tế mà nói, công đức phước báo chân thật của thế xuất thế gian pháp đều ở nơi tâm thanh tịnh. Nếu như không hiểu được tu tâm thanh tịnh, không thể nào ở ngay trong cuộc sống thường ngày được tâm thanh tịnh, thì chúng ta cũng không cách nào lìa khổ được vui. Khổ từ đâu mà ra? Tóm lại mà nói là từ tâm không thanh tịnh mà ra, từ ý ô nhiễm mà sanh. Lạc từ chỗ nào mà ra? Lạc từ tâm thanh tịnh mà được. Hiện tiền chúng ta có thể viễn ly ô nhiễm, tu được nhất tâm thanh tịnh, đời sống hiện thực của chúng ta liền lìa khổ được vui. Nhà Phật thường nói "phiền não nhẹ, trí tuệ lớn", đây chính là hiện tượng lìa khổ được vui. Trái ngược lại, nếu như chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày là trí tuệ nhẹ, phiền não lớn thì sai rồi. Sự việc này chúng ta vạn nhất không nên xem thường. Con người sống ở đời, "tích trực đức hạnh" chính là ý nghĩa chân thật, giá trị chân thật của nhân sanh. Người ở thế gian có ý nghĩa, có giá trị gì? Họ biết được tích trực đức hạnh, đây là có ý nghĩa, có giá trị. Chúng ta phải chăm chỉ nỗ lực mà tích lũy.

Câu thứ nhất đã nói: "Ư vô lượng kiếp". Đây là nói thời gian. Chỉ có tích công bồi đức là mãi mãi không ngừng nghỉ. Chư Phật Bồ Tát ở nơi đây làm ra tấm gương tốt cho chúng sanh, không chỉ có ngôn giáo mà các Ngài còn có thân giáo,nói rõ người ta "tích trực đức hạnh" thời gian lâu dài. Chúng ta chỉ tu được mấy ngày thì làm sao có thể so sánh với người được? “Đức hạnh”, "hạnh" là gì? Dùng lời hiện tại mà nói, hạnh là hành vi. Hành vi của đạo đức gọi là đức hạnh.

Tất cả hữu tình chúng sanh đều có tình thức, hiện tại chúng ta nói họ đều có phân biệt, chấp trước. Phân biệt, chấp trước là hành vi của tâm lý, biểu hiện bên ngoài là ngôn ngữ dao động, hành vi của thân khẩu. Hành vi có nhiều hơn, Phật đem tất cả quy nạp lại thành ba loại lớn là “Thân - Khẩu - Ý”.

Chúng ta mỗi ngày từ sớm đến tối, từ mùng một đến ba mươi tháng chạp, khởi tâm động niệm, lời nói việc làm chưa từng có ngừng nghỉ. Nếu như hành vi của chúng ta là tùy thuận phiền não tập khí của chính mình,… Phiền não tập khí là gì? Luôn không ngoài tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, tham-sân-si-mạn, năm dục sáu trần. Hành vi tương ưng với những thứ này thì phiền phức liền đến rồi, Phật ở trên Kinh luận thường hay nói là "tạo ác nghiệp". Tất cả chúng sanh làm gì mà không tạo ác nghiệp? Cho nên lưu chuyển trong sáu cõi ba đường, vô lượng kiếp chưa từng ngừng nghỉ. Phật Bồ Tát xem thấy được, chân thật là kẻ đáng thương.

Không nên nói Phật Bồ Tát, chúng ta xem thấy ở trên Kinh Phật nói về trời Đao Lợi, một ngày của trời Đao Lợi là 100 năm của nhân gian chúng ta. Lời nói này hiện tại chúng ta có thể tin tưởng, đây là người cận đại gọi là "thời sai". Trời Đao Lợi cùng chúng ta có thời sai rất lớn. Kỳ thật, nếu các vị tỉ mỉ quán sát thì sẽ thấy, thời sai trên địa cầu này là rất lớn. Chúng ta cư trụ ở địa phương này là nhiệt đới; Trung Quốc là ôn đới, có bốn mùa khác biệt; ở Nam - Bắc cực thì nửa năm là ban ngày, nửa năm là buổi tối. Chúng ta ở nơi này gọi là một năm, Nam - Bắc cực thì gọi là một ngày đêm (một ngày là một ban ngày và một buổi tối). Trên địa cầu có thể xem thấy, huống hồ là không gian duy thứ khác nhau. Một ngày của trời Đao Lợi là 100 năm của nhân gian chúng ta. Họ xem thấy chúng sanh trên địa cầu thì rất là cảm thán, rất đáng thương. Thọ mạng là bao nhiêu? Một ngày thì xong rồi. Lại hướng lên trên, một ngày của trời Dạ Ma là 200 năm của nhân gian chúng ta. Mọi người đều biết Bồ Tát Di Lặc trụ ở trời Đâu Suất, một ngày của trời Đâu Suất là 400 năm của nhân gian chúng ta. Người ở trời Đâu Suất xem thấy nhân gian này, một ngày vẫn chưa qua, một buổi sáng thì xong rồi. Bạn xem, 260 năm của triều Thanh thì ở trời Đâu Suất chỉ là nửa ngày. Lại hướng lên trên nữa thì tăng thêm gấp bội. Phước báo của thiên nhân dài hơn so với chúng ta, lớn hơn so với chúng ta, thế nhưng từ trong tầm nhìn của chư Phật Bồ Tát, các Ngài xem thấy những Đại Phạm Thiên Vương, Ma Hê Thủ La Thiên Vương này cũng giống như người trời Đao Lợi, trời Đâu Suất xem chúng ta vậy. Ngày nay chúng ta xem thấy một số động vật nhỏ, rõ ràng nhất là phù du, những trùng nhỏ chạy đi chạy lại trên mặt nước, thọ mạng của những trùng nhỏ đó đại khái chỉ có mười giờ đồng hồ.

/ 374