/ 374
669

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 196

Phía trước chúng ta đã từng đọc qua, Phật ở trong bộ Kinh này dạy bảo chúng ta bắt tay tu hành cũng là từ trên ba nghiệp thanh tịnh mà bắt tay vào: “Khéo giữ khẩu nghiệp, không nói lỗi người; khéo giữ thân nghiệp, không phạm oai nghi; khéo giữ ý nghiệp, thanh tịnh không nhiễm”. Tu thân nhất định phải thực tiễn ở trong “Thập Thiện Nghiệp Đạo”.

“Kinh Vô Lượng Thọ” nói ba cái chân thật, hoàn toàn tương đồng với ba cương lĩnh trong “Đại Học”. Bổn Kinh nói “khai hóa hiển thị chân thật chi tế” chính là trong “Đại Học” nói “minh minh đức”; “Huệ dĩ chân thật chi lợi” chính là trên “Đại Học” nói “thân dân”; “Trụ chân thật huệ” chính là “Đại Học” nói “chỉ ư chí thiện”. Các vị đồng tu thử nghĩ xem có phải vậy không? Tuy cách nói của Nho và Phật có sai biệt, nhưng trên thực tế là viên dung. Chúng ta cần phải làm đến ba điểm này, sau đó Phật mới dạy cho chúng ta khéo giữ ba nghiệp. Các vị thử nghĩ xem, chúng ta đem giáo học của Thế Tôn và giáo học của Khổng Lão Phu Tử đối chiếu qua, hai người chưa từng gặp mặt nhau, cũng không có tin tức cùng với nhau, thế nhưng cái đã nói cùng cái đã dạy quả nhiên hoàn toàn giống nhau. Đây chính là trong ngạn ngữ đã nói: “Anh hùng sở kiến, đại lượt tương đồng”. Những người này là anh hùng hào kiệt chân thật, chân thật là không vì chính mình, mà là vì chúng sanh khổ nạn. Cho nên, các Ngài đều là từ nơi công tác giáo dục xã hội (người hiện tại nói đây là nhà giáo dục học xã hội), hành vi, việc làm cả đời của các Ngài là nhà làm công tác nghĩa vụ giáo dục xã hội, cả đời không cầu thù lao, không cầu cải thiện phẩm chất đời của chính mình, cả đời dạy bảo tất cả chúng sanh không mệt mỏi. Loại tinh thần cùng đức hạnh này, chúng ta phải tỉ mỉ quán sát thể hội mà học tập, sau đó chúng ta nghĩ đến hồi phục trật tự xã hội bình thường là có thể, không phải là việc khó.

Khi tôi ở Malaysia, có đồng tu muốn tôi dùng mấy chữ đơn giản nhất cung cấp yếu lĩnh tu học. Tôi nói ra tám chữ: “Trung - hiếu - nhân - ái - lễ - nghĩa - liêm - sĩ”. “Trung - hiếu - nhân - ái” là nhà Nho nói. “Lễ - nghĩa - liêm - sĩ” là Quản Trọng nói (vào thời xưa, Quản Trọng được liệt vào nhà Đạo). Xã hội của chúng ta ngày nay kém khuyết tám chữ này, cho nên chúng ta phải đề xướng. Làm thế nào để đề xướng? Phải làm từ chính bản thân. Chính chúng ta không làm được mà dạy người khác làm thì người khác sẽ không tin tưởng. Chính mình làm được, khuyên người khác thì người khác liền tin tưởng.

Thích Ca Mâu Ni Phật khuyên người nhìn thấu buông xả, nếu như Ngài là một vương tử, tương lai Ngài kế thừa vương vị, khuyên người nhìn thấu buông xả thì mấy người tin tưởng lời nói của Ngài? Ngài buông xả vương vị, ra bên ngoài đi khất thực từng nhà, cho nên Ngài dạy người nhìn thấu buông xả, người ta tin tưởng, vì chính Ngài chân thật nhìn thấu buông xả rồi. Đây gọi là “thinh kỳ ngôn nhi quán kỳ hạnh”. Ngài chân thật làm được, nói được, chứ không phải nói được, làm được. Trước tiên làm được rồi sau đó mới nói, như vậy sau khi chúng ta nghe rồi sẽ không có lời gì để nói, chúng ta không thể không tín phụng, không thể không y giáo phụng hành. Đây là từ “kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến”. Chúng ta đọc hai câu này rồi, xem qua xã hội hiện thực của chúng ta cảm khái vạn phần. Chúng ta phải nên học tập như thế nào, làm thế nào thực tiễn vào ngay trong đời sống hiện thực của chúng ta? Đại đức xưa có giải thích đối với hai câu này, Ngài Đại sư Thiện Đạo triều nhà Đường có phát huy rất thấu đáo. Căn cứ trong “Phật Địa Luận”, Ngài nói: “Thường” có ba loại, một loại là “bổn tánh thường”, loại thứ hai là “bất đoạn thường”, loại thứ ba là “tương tục thường”.

Bổn tánh thường” (pháp thân cũng gọi là bổn tánh, cũng gọi là tự tánh, cũng gọi là chân như, vô sanh vô diệt), ý nghĩa là gì? Trong triết học hiện đại nói là bổn thể của vũ trụ vạn vật, ở trong Phật pháp gọi là pháp thân. Gọi “pháp thân”, ý nghĩa này rất hay, hư không pháp giới vạn sự vạn pháp đều từ nó mà sanh ra, nó là căn bản của tất cả vạn pháp, là năng sanh. Tất cả vạn pháp là sở sanh. Pháp sở sanh có sanh có diệt, pháp năng sanh không sanh không diệt. Đây là thường nhiên. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là cõi pháp tánh, cho nên kiến lập thường nhiên.

/ 374