/ 374
688

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 195

Thành Tựu Diệu Độ

Kinh văn: “Sở tu Phật quốc, khai khuếch quảng đại, siêu thắng độc diệu, kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến”.

Đoạn Kinh văn này lần trước tôi đã giảng phân nửa, vì hết thời gian nên hai câu sau cùng này vẫn chưa giảng tỉ mỉ với các vị. Hai câu sau cùng: “Kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến” là vô cùng quan trọng. Trong đoạn Kinh văn này, ba câu phía trước là nói cương lĩnh, bốn câu phía sau là nói Ngài đã trang nghiêm cõi Phật, dùng lời hiện tại của chúng ta mà nói, chính là hoàn cảnh cư ngụ của họ, hoàn cảnh đời sống tốt đẹp, nhất là nói “kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến”.

Ngay trên văn tự mà nói, “kiến” là hưng kiến, chúng ta bắt đầu cấu tưởng để kiến tạo; “lập” là kiến thiết đã được hoàn thành, đã được thành lập. Trong các cõi nước chư Phật, Thế giới Tây Phương Cực Lạc của A Di Đà Phật là một cõi nước mới kiến tạo, giống như ngay trong hoàn cảnh hiện tiền chúng ta cư trụ, có rất nhiều nơi gọi là xã khu xưa, xã khu cũ, cũng có một số xã khu mới. Thế giới Cực Lạc ở trong cõi nước chư Phật là một xã khu mới, có thể nói là một xã khu rất mới. Trong xã khu cũ có rất nhiều khuyết điểm, cho nên Ngài hoàn toàn đem nó cải đổi, thay cũ đổi mới, xã khu mới này liền hiện ra vô cùng xinh đẹp, mà nó là nơi chân thật đáng được chư Phật Như Lai tán thán, đều ở “thường nhiên, vô suy vô biến”. Đây là chỗ rất không thể nghĩ bàn. Trong cõi nước chư Phật, cõi Thật Báo Trang Nghiêm là thường nhiên vô suy vô biến, đây là giống nhau. Cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư đều là vô thường, chắc chắn không phải là thường nhiên. Trong rất nhiều Kinh điển Phật nói với chúng ta: “Thế gian vô thường, cõi nước không an”, cho nên có “thành trụ hoại không”, làm gì có thường nhiên? Nó có lúc suy kiệt, có lúc biến hóa rất lớn.

Ngày nay chúng ta xem thấy khoa học gia nói với chúng ta, ngay trong thái không mỗi ngày đều có rất nhiều tinh cầu sanh ra, mỗi ngày cũng có rất nhiều tinh cầu già đi và bị hủy diệt, phát nổ, tiêu mất. Đây đều là trên Kinh Phật nói hiện tượng vô thường không an. Sự thật đã chứng minh. Thế giới Tây Phương Cực Lạc là đặc thù. Thế giới này rất kỳ lạ, rất đặc biệt, từ sau khi kiến lập thì vĩnh viễn bất biến. Người chân thật thông minh phải tin tưởng. Lời của Phật mỗi câu đều là chân thật, không có vọng ngữ. Nếu như chúng ta vì phương tiện mà nói một chút vọng ngữ, có chỗ tốt đối với người, không có chỗ xấu, như vậy có được hay không? Không được. Nếu như Phật có một lần nói vì lợi ích chúng sanh mà khởi vọng ngữ, thì tất cả pháp mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong 49 năm chúng ta đều có thể đặt nghi vấn đối với Ngài, chưa chắc là chân thật. Chính vì nguyên nhân này mà Thích Ca Mâu Ni Phật suốt 49 năm quyết định không nói một câu vọng ngữ, mỗi câu đều là nói lời thành thật, trong “Kim Cang Bát Nhã” đã nói: “Như Lai thị chân ngữ giả, thật ngữ giả, như ngữ giả, bất cuồng ngữ giả”. “Chân ngữ giả”, chân thì không giả. “Thật ngữ giả”, thật thì không hư. “Như ngữ giả”, “như” chính là những gì nói ra hoàn toàn đúng như sự thật, không thêm không bớt, vừa vặn thích hợp, đây gọi là như ngữ. Không vọng ngữ, chắc chắn không có một câu nói lừa dối chúng sanh. Cho nên, cõi Phương Tiện và cõi Hữu Dư của thế giới chư Phật mười phương đều là vô thường, đều có biến hoại, chỉ riêng cõi Phương Tiện và cõi Hữu Dư ở Thế giới Cực Lạc cũng giống như tình hình của cõi Thật Báo vậy, vĩnh viễn không hoại. Việc này rất không thể nghĩ bàn. Đây là pháp môn khó tin. Không phải phàm phu chúng ta khó tin, mà trái lại chúng ta rất dễ dàng tin tưởng, Phật nói thế nào thì chúng ta liền tin tưởng thế ấy. Ai khó tin tưởng? Bồ Tát khó tin. Bồ Tát trí tuệ cao hơn so với chúng ta, họ nghe Phật nói như vậy nhưng không dám tán đồng. Trí tuệ của các Ngài cao hơn so với chúng ta, năng lực của các Ngài cũng lớn hơn so với chúng ta, mười phương cõi nước chư Phật các Ngài đều xem thấy. Nếu như Phật nói “kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến”, câu nói này các vị phải ghi nhớ, đây là chuyên nói cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư, không phải nói cõi Thật Báo. Tất cả cõi Thật Báo của chư Phật đều là “kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến”, cho nên thù thắng của Thế giới Cực Lạc không phải thù thắng ở cõi Thật Báo, mà là thù thắng ở cõi Phương Tiện và cõi Đồng Cư. Việc này chúng ta nhất định phải rõ ràng, tường tận. Trong đây luôn có một đạo lý, chân thật là có đạo lý.

/ 374