/ 374
860

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 194

Có lẽ chúng ta muốn hỏi: Người tạo tác tội nghiệp cực trọng, lâm chung niệm Phật vãng sanh thì phẩm vị rất thấp phải không? Đây là người bình thường chúng ta tưởng tượng, thế nhưng vượt ngoài dự đoán của chúng ta. Thế Tôn nói với chúng ta, A Xà Thế vương vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc phẩm vị là thượng phẩm trung sanh. Chúng ta ban đầu nghe được thì rất là nghi hoặc, đại hoặc bất giải, về sau Đại Thừa giáo huân tập lâu rồi thì chúng ta dần dần tường tận.

Công đức sám hối không thể nghĩ bàn. Người xưa chúng ta thường nói: "Lãng tử hồi đầu vàng không đổi". Họ chân thật quay đầu. Khi chưa hồi đầu thì họ là người ác, khi hồi đầu thì chân thật là người tốt, không còn là người ác nữa. Do đó, chúng ta đối với người làm ác chắc chắn không dám xem thường, nói không chừng, họ lâm chung sám hối vãng sanh, phẩm vị còn cao hơn chúng ta, chúng ta một đời tu học vẫn không bằng họ. Thế là chúng ta tường tận, vãng sanh có hai loại phương pháp tu hành. Một cách là bình thường tích công bồi đức, y giáo tu hành, con đường này là ổn định mà đi. Ngoài ra, còn có một cách là lâm chung sám hối, cũng có thể lấy được phẩm vị cao. Nói đến chỗ này, có một số người nhất định sẽ nghĩ: “Không cần lo! Tạo nghiệp nhiều một chút, làm nhiều việc xấu một chút, lúc lâm chung thì ta sám hối cầu vãng sanh”. Bạn giữ ý niệm này thì bảo đảm bạn không thể vãng sanh. Do nguyên nhân gì? Bạn giữ tâm lý may mắn, bạn cố phạm thì làm sao được? Quyết định không nên giữ cái tâm may mắn, chúng ta phải hiểu đạo lý này. Có phải là mỗi một người tạo tác tội nghiệp cực trọng, khi lâm chung đều biết sám hối, đều sẽ vãng sanh không? Chân thật là ngay trong ngàn vạn người khó tìm được một người. Bạn cho rằng bạn là một người ngay trong ngàn vạn người đó hay sao? Cho nên, không nên để lỡ việc lớn của chính mình.

Xin nói rõ hơn với các vị, loại người tạo tội nghiệp cực trọng mà lâm chung được vãng sanh là chắc chắn họ đã có thiện căn sâu dày ở trong đời quá khứ, nếu không mà nói khi họ lâm chung làm sao có thể sám hối? Ngay trong đời quá khứ đời đời kiếp kiếp công phu tu tập của họ cũng sắp thành tựu rồi, ngay đời này được thân người thì bỗng chốc bị hồ đồ, khi lâm chung gặp được duyên thì bỗng chốc tỉnh ngộ ra. Cho nên, đây không phải là họ may mắn. Nếu như không có thiện căn sâu dày, lúc lâm chung gặp được thiện tri thức nhắc nhở bạn thì căn bản bạn không thể tin tưởng, không thể tiếp nhận, như vậy vẫn là oan uổng. Thí dụ này tôi đã thấy qua.

Khi tôi mới vừa xuất gia ở chùa Lâm Tế Viên Sơn Đài Bắc. Chùa Lâm Tế có một hội niệm Phật, Phó hội trưởng Lâm Đạo Kỳ - Lâm tiên sinh là người Phúc Châu. Bạn xem, ông là Phó hội trưởng của hội niệm Phật, bình thường khi cộng tu thì ông làm duy na, ông đánh pháp khí rất tốt, dẫn chúng niệm Phật, thế nhưng đến lúc lâm chung, người khác trợ niệm cho ông thì ông lại cự tuyệt, nghe đến Phật hiệu thì ông liền bài trừ. Bạn liền biết được, nghiệp chướng này hiện tiền là đáng sợ cỡ nào! Bình thường thì ngày ngày niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ, đến lúc lâm chung thì lại không làm. Vì sao vậy? Sợ chết, nghe nói vãng sanh, “vậy thì phải chết rồi!”, lo sợ khủng khiếp, không cho người khác niệm Phật. Đây là ngay lúc đó chúng tôi chính mắt xem thấy được. Nghiệp chướng hiện tiền, không cho bạn làm chủ chính mình, việc này có đáng sợ không? Cho nên cả đời tạo tác tội nghiệp, lúc lâm chung nghe được Phật hiệu liền sanh tâm hoan hỉ, chân thật phát tâm sám hối quay đầu thì chắc chắn là người có thiện căn rất sâu dày, quyết định không phải là người thông thường. Điều này có thể khẳng định. Họ tạo tác tội nghiệp ở trong đời này là do gặp duyên không đồng. Chúng ta phải hiểu được đạo lý này.

Loại thù thắng thứ năm, trên Kinh nói là Nhị thừa căn khuyết, mau chóng thì họ chuyển biến thành Nhất thừa (Nhất thừa là Pháp Thân Đại Sĩ). Đây là nói người căn tánh Ngũ thừa, thông thường chúng ta gọi là Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát. Năm loại căn tánh khác nhau này chỉ cần sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều chuyển biến thành Nhất thừa. Nhất thừa là thật, Ngũ thừa là phương tiện nói. Thế Tôn ở trên “Kinh Pháp Hoa” nói: "Duy hữu Nhất thừa pháp, vô nhị diệc vô tam, trừ Phật phương tiện nói". Ý nghĩa này chính là nói rõ, phương tiện vãng sanh liền chuyển biến thành chân thật. Việc này không thể nghĩ bàn. Ở thế gian này của chúng ta tu hành rất là gian khổ, rất không dễ gì vượt khỏi sáu cõi. Sau khi siêu việt sáu cõi mới thành A La Hán. A La Hán lại hướng lên trên tấn tu, hồi tiểu hướng đại, đó mới là Đại Thừa Quyền Giáo Bồ Tát. Đến lúc nào bạn mới siêu việt mười pháp giới? Phá một phẩm vô minh, chứng một phần chân tánh, đây mới là Nhất Thừa. Quá khó rồi! Chúng ta đọc được ở trên Kinh Đại Thừa mới biết được thời gian tu từ Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát đến Đẳng Giác là ba đại A Tăng Kỳ kiếp. Ba đại A Tăng Kỳ kiếp không phải nói Bồ Tát Địa Tiền của Viên Giáo. Còn sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, cho dù là cõi Phàm Thánh Đồng Cư hạ hạ phẩm vãng sanh cũng đều là A Duy Việt Chí Bồ Tát. Điều này chúng ta đã đọc trong 48 nguyện ở trên Kinh. Đây chính là nói Ngũ Thừa sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc cõi Phàm Thánh Đồng Cư hạ hạ phẩm vãng sanh cũng chuyển biến thành Nhất Thừa A Duy Việt Chí. A Duy Việt Chí là quả vị Bồ Tát từ Thất Địa trở lên. Các Ngài tuy là chưa chứng được, thế nhưng tất cả thọ dụng của các Ngài cùng Bồ Tát Thất Địa không hề khác, trí tuệ thần thông đức tướng đều gần giống như Bồ Tát Thất Địa trở lên. Bạn đến nơi nào để tìm? Đích thực là thù thắng độc diệu.

/ 374