590

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 193

Khoa hội thứ hai mươi bảy: Thành Tựu Diệu Độ

Kinh văn: "Sở tu Phật quốc, khai khuếch quảng đại, siêu thắng độc diệu, kiến lập thường nhiên, vô suy vô biến".

Đây là trong "Tích Công Bồi Đức", đoạn thứ hai của "Như Nguyện Tu Hành", "Thành tựu diệu độ" trong "nghiêm tịnh Phật độ". Bồ Tát dõng mãnh tinh tấn "trụ chân thật huệ”. Lần trước đặc biệt giới thiệu với mọi người, câu này rất là quan trọng. Chỉ có trụ chân thật huệ mới có thể có thành tựu chân thật, mới có thể thành tựu y chánh trang nghiêm thù thắng. Từ trụ chân thật huệ đến trang nghiêm diệu độ, đoạn này là căn bản của Tịnh Độ Cực Lạc, lần trước đã giới thiệu qua với các vị.

"Sở Tu Quốc Độ", Kinh văn phía sau nói thành tựu của Ngài. Trước tiên, Thế Tôn vì chúng ta nói rõ sự rộng lớn của quốc độ này, đích thực là không thể nghĩ bàn. Lại nghĩ đến báo độ mà chính chúng ta hiện tiền đang cư trụ, đó là địa cầu. Địa cầu hiện tại càng ngày càng nhỏ, vì sao thay đổi như vậy? Với nhân hạnh của chúng ta có quan hệ mật thiết. Ngày trước khoa học kỹ thuật chưa phát minh, những chúng sanh cư trụ trên địa cầu này, ngay trong cảm quan của họ, đại địa này là lớn vô hạn. Cho nên các vị nhất định phải biết, hư không pháp giới đều không phải là chân thật, nói rõ ra là thế giới cảm quan, do vì tâm hạnh của các chúng sanh không như nhau (nhà Phật thường nói là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước không như nhau), cho nên cảm thụ đối với y báo và chánh báo không như nhau. Rõ ràng nhất là cảm thụ khổ vui ưu hỉ. Chúng ta xem thấy rất nhiều trong văn chương thi từ ca phú của người xưa, sau đó quay đầu lại quán sát hoàn cảnh chung quanh ta, sự cảm nhận đối với nhân sanh của những bạn bè thân thích mà chúng ta quen biết, mới có thể thể hội nghĩa thú mà Phật đã nói trong Kinh điển.

Tâm lượng của người thời trước rộng mở. Vì sao vậy? Họ nhận qua giáo dục của Thánh Hiền nhân. Ý niệm tự tư tự lợi không thể nói không có, bởi vì không có thì họ sẽ không đến thế gian này, họ không ở trong sáu cõi. Cội nguồn của sáu cõi chính là chấp ngã, nói hơi khó nghe là tự tư tự lợi. Tự tư tự lợi cảm ứng được quả báo của sáu cõi. Hiện tại hoàn cảnh y báo của chúng ta cư ngụ rất nhỏ, nói rõ tâm lượng của chúng ta nhỏ. Lời nói này vừa nghe qua thì không hợp với khoa học, nhưng nếu bạn tỉ mỉ mà tư duy, bạn sẽ cảm thấy cách nói này là hợp lý, tương ưng với trong Kinh luận đã nói, không phải là không tương ưng. Khoa học là luận sự một bên này, còn Phật pháp là tánh tướng, lý sự, nhân quả, mọi mặt đều nói đến. Phật pháp nói toàn diện, khoa học gia nói phiến diện. Chúng ta phải hiểu được. Thế giới Tây Phương Cực Lạc quá lớn, do đây có thể biết, người niệm Phật chúng ta cần phải có tâm lượng rộng lớn để cầu cảm ứng.

Trong Phật pháp Đại Thừa, mỗi niệm đều là lấy hư không pháp giới làm cảnh giới. Chúng ta vì ai mà học Phật? Nếu vì chính mình mà học là Tiểu Thừa. Chúng ta vì chúng sanh mà học. Vì những chúng sanh nào vậy? Hư không pháp giới tất cả chúng sanh. Các vị nghĩ tưởng, tâm lượng này bao lớn? Sau khi chúng ta học thành, mục đích là phải giúp Phật hoằng pháp lợi sanh. Lợi ích những chúng sanh, phải nên biết pháp giới tất cả chúng sanh. Bổn nghĩa của hai chữ "chúng sanh" này chúng ta nhất định phải tường tận, không nên hàm hồ. Ý nghĩa của hai chữ "chúng sanh" này là hiện tượng chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi. Con người chúng ta là thuộc về động vật. Động vật là chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi. Thực vật cũng là chúng duyên hòa hợp mà sanh, nên thực vật cũng gọi chúng sanh. Khoáng vật vẫn là chúng duyên hòa hợp mà sanh. Nhà Phật nói đại, nói thế giới, thậm chí hóa độ của một vị Phật nhỏ đến vi trần, hết thảy đều là do chúng duyên hòa hợp mà sanh ra. Như vậy mới biết phạm vi của chúng sanh rộng lớn dường nào.

Trụ chân thật huệ, điều này thì quan trọng. Không trụ chân thật huệ thì không phải là Bồ Tát Đại Thừa. Không phải Bồ Tát Đại Thừa thì không thể vãng sanh Tịnh Độ. Đại đức xưa nói với chúng ta rất nhiều, Đại Thừa ngay trong Đại Thừa, Nhất Thừa ngay trong Nhất Thừa, thù thắng không gì bằng. Nếu chúng ta ngay đến tâm Đại Thừa cũng không có thì niệm Phật làm sao có thể vãng sanh? Tâm Đại Thừa chính là chân thật huệ, cho nên chúng ta mỗi niệm phải vì chúng sanh. Ngày ngày niệm kệ hồi hướng: "Thượng báo tứ trọng ân, hạ tế tam đồ khổ", bao nhiêu người đều đang đọc, nhưng đọc như thế nào? Có miệng mà không có tâm, tâm lượng thực tế là quá nhỏ, chỉ biết tự lợi mà không thể lợi tha, giúp đỡ người khác đều rất không tự nguyện, vậy thì làm sao bạn có thể thành tựu? Có một số đồng tu nói: “Không phải tôi không bằng lòng, mà là tôi không có năng lực”. Lời nói này có đạo lý hay không? Không có đạo lý! Bạn không có năng lực thì ai có năng lực? Mỗi người đều khiêm tốn nói là không có năng lực thì Phật pháp liền bị đoạn tuyệt ở vào thời đại này. Phật pháp nếu bị đoạn tuyệt thì bốn chúng đệ tử chúng ta đều có trách nhiệm. Quả báo là gì? Đọa đến A Tỳ Địa Ngục. Vì sao bạn đọa địa ngục A Tỳ? Bạn là đệ tử Phật nhưng không làm hết trách nhiệm của đệ tử Phật. Trách nhiệm lớn nhất của đệ tử Phật chính là nối dòng huệ mạng Phật. Phật pháp và thế pháp không như nhau. Các vị đồng tu đều biết rõ câu: "Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng". Ta cầu làm Phật đều có thể làm đến được, huống hồ ta cầu giúp Phật tiếp dẫn chúng sanh thì có lý nào mà không được chư Phật gia trì? Chắc chắn được chư Phật hộ niệm, long thiên thiện thần bảo hộ, chỉ sợ là bạn không phát tâm.