/ 374
531

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 192

Không chỉ Phật thường hay nói ở trong Kinh luận là chúng sanh thế gian này mê mất tự tánh, mà chúng ta cũng thường xem thấy ở trong sách của Khổng Lão Phu Tử, Mạnh Phu Tử, họ đối với mê mất tâm tánh của xã hội thời đó, tùy thuận vọng tưởng, phân biệt, chấp trước cũng là cảm khái ngàn vạn. Chúng ta thường hay nghe họ tán thán Nghiêu-Thuấn, Vũ-Thương, hoài niệm thời đại đó mà cảm thán thế phong nhật hạ, lòng chân thật giữa người với người dần dần tan nhạt, tự tư tự lợi, tham-sân-si-mạn từ từ đang thêm lớn mà lấy đó làm lo. Đây là việc của xã hội 2.500 năm trước mà những đại Thánh đại Hiền đều cảm khái như vậy. Chúng ta sanh ra sau họ 2.500 năm, hiện tại xem thấy thế giới này của chúng ta, nếu như Khổng Tử ở vào ngày nay, ông sẽ cảm tưởng như thế nào? Thích Ca Mâu Ni Phật nếu sanh vào ngày nay, Ngài sẽ có cách nghĩ như thế nào? Xem thấy vô số những chúng sanh này tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp cực trọng, Phu Tử thì không thị hiện thân phận của Phật Bồ Tát, xem thấy những người này tạo nghiệp thì có thể tưởng tượng: “Thôi rồi! Hay là di dân đi thôi, nơi đây không thể ở được nữa”. Thế nhưng Phật Bồ Tát không như vậy, "Phật thị môn trung, bất xả nhất nhân", Phật Bồ Tát vẫn đến để cứu giúp xã hội này. Dùng phương pháp gì để cứu vãn? Giáo học.

"Nhân bất học bất tri nghĩa". Thế nào gọi là nghĩa? Việc gì đáng nên làm, việc gì không nên làm. Người không nhận qua giáo dục thì họ không hiểu, họ vô tri, họ không biết được việc gì nên làm, việc gì là không nên làm; tùy thuận phiền não tập khí của chính mình mà làm càn làm quấy, họ cho rằng họ đã làm rất chính xác, hay nói cách khác, họ đi con đường của chính họ. Người giác ngộ thì đi con đường của Thánh Hiền, đi theo Phật Bồ Tát. Chính mình không có trí tuệ, không có học vấn, tùy thuận phiền não tập khí của chính mình, “ta thích làm như thế nào thì làm như thế đó, không thích thì ta không làm”. Con đường này là tối tăm, con đường này là đi về địa ngục. Sai rồi! Chỉ có đi theo chư Phật Bồ Tát thì chúng ta mới có thể đi ra sáu cõi, ra khỏi mười pháp giới, quay về đến Pháp Giới Nhất Chân. Pháp Giới Nhất Chân là diệu độ trang nghiêm. Chúng ta ngày nay có thể tùy thuận giáo huấn của Phật Bồ Tát chính là diệu độ trang nghiêm. Nếu nói tùy thuận phiền não tập khí của chính mình thì cũng trang nghiêm, nhưng mà là trang nghiêm địa ngục. Đây đều là chân thật, không phải giả.

Kinh văn từ "trụ chân thật huệ" đến "trang nghiêm diệu độ" là căn bản của Cực Lạc Tịnh Độ. Nếu như có người hỏi các vị, người tu Tịnh Độ là tu cái gì, thì các vị đem đoạn Kinh văn này đọc cho họ nghe qua là được rồi. Đây là đáp án rất chính xác. Đây cũng là tổng cương lĩnh của mười nguyện Phổ Hiền. Ở trên đại Kinh Phật nói với chúng ta, Bồ Tát không tu hạnh Phổ Hiền thì không thể viên thành Phật đạo. Có thể thấy được, hạnh Phổ Hiền là đức hạnh của Bồ Tát cứu cánh viên mãn.

Pháp môn Tịnh tông tu hạnh Phổ Hiền. Bổn Kinh vừa triển khai, phần tựa của phẩm thứ hai là "Đức Tuân Phổ Hiền", Kinh văn câu đầu tiên chỉ đem đại chúng dự hội nói ra. Phẩm thứ hai này, vừa mở đầu là chúng tại gia - mười sáu vị Bồ Tát Đẳng Giác (các Ngài là chúng tại gia, là Bồ Tát Đẳng Giác, không phải người xuất gia) "hàm cộng tuân tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức". Tu Phổ Hiền Đại Sĩ chi đức là tu gì? "Tu chân thật huệ, dõng mãnh tinh tấn, nhất hướng chuyên niệm trang nghiêm diệu độ", chính là ba câu này. Thế giới Cực Lạc do đâu mà ra? Do vậy mà thành tựu. A Di Đà Phật dẫn đầu, chư đại Bồ Tát cùng theo. Nếu chúng ta muốn đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì cũng phải làm sự việc này, cùng các Ngài chí đồng đạo hợp, là đồng chí với A Di Đà Phật, như vậy thì chúng ta mới có thể đi được. Nếu bạn không phát tâm tu hạnh Phổ Hiền, không thể nhất hướng chuyên chí trang nghiêm diệu độ thì bạn không đồng chí hướng với A Di Đà Phật, bạn cùng với mỗi một người vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc đều không đồng chí hướng, vậy thì không thể đi, bạn không có phần. Đến một đời nào kiếp nào, bạn lại gặp được, bạn phát ra chân tâm cùng với các Ngài chí đồng đạo hợp, thì bạn liền ngay đời đó chắc chắn vãng sanh. Chỗ này phải đặc biệt ghi nhớ.

Không thể trụ phiền não, cũng chính là nói trong tâm không nên có phiền não, không nên có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Trong tâm chỉ có thể có chân thật huệ. Chúng ta phải ở ngay chỗ này mà hạ công phu. Chân thật huệ là gì? Chân thật huệ là “Nam Mô A Di Đà Phật”. Ở mọi lúc vào mọi nơi, một câu Phật hiệu này không thể gián đoạn. Trong miệng không niệm thì không hề gì, thế nhưng ở trong tâm phải thật có thì chúng ta mới quyết định được sanh. Trong miệng một ngày từ sáng đến tối “A Di Đà Phật”, thế nhưng trong tâm không có, vậy thì chúng ta không thể đi, người xưa gọi là "miệng niệm Di Đà tâm tán loạn, đau mồm rát họng cũng chỉ uổng công". Vì vậy, trong tâm phải thật có.

/ 374