/ 374
606

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 191

PHẨM THỨ TÁM: TÍCH CÔNG LŨY ĐỨC

Ở trong phẩm Kinh này, Bồ Tát Pháp Tạng phát đại hoằng thệ nguyện. Sau khi nguyện phát rồi thì nhất định phải có hành. Tu hành là thực tiễn nguyện, cũng chính là nói nguyện phải thực tiễn. Nguyện phát rồi mà không thể thực tiễn thì nguyện này là không nguyện.

Chúng ta có thể tưởng tượng ra được, từ xưa đến nay có không ít người tu hành tại gia hoặc xuất gia phát đại hoằng thệ nguyện, sau cùng đều không có thành tựu. Nguyên nhân này do đâu? Không có làm, không thể nào thực tiễn nguyện vọng của chính mình, không khắc phục được phiền não tập khí của chính mình, vẫn cứ để phiền não tập khí làm chủ, cho nên không thoát khỏi luân hồi. Ở ngay chỗ này, chúng ta xem thấy Bồ Tát Pháp Tạng sau khi phát nguyện rồi thì Ngài thật làm, tự hành hóa tha, tâm Ngài đích thực là an trụ ngay trong đại nguyện, niệm niệm không quên bổn nguyện. Cho nên, đề mục của đoạn kinh văn này gọi là "Tích công lũy đức". Đây là chúng ta phải nên học tập.

Khoa đề: NHƯ NGUYỆN TU HÀNH

Kinh văn: "A Nan! Tỳ Kheo Pháp Tạng, ư Thế Tự Tại Vương Như Lai tiền, cập chư thiên nhân đại chúng chi trung, phát kỳ hoằng thệ nguyện dĩ, trụ chân thật huệ, dũng mãnh tinh tấn, nhất hướng chuyên chí, trang nghiêm diệu độ".

Đoạn nhỏ này là tiếp trước khởi sau. Ở trong Kinh văn, câu thứ nhất trực tiếp thẳng thắn nói với chúng ta: "Trụ chân thật huệ". Câu này là căn bản Bồ Tát tu hành chứng quả. Chúng ta ngày nay vì sao không thể thành công? Không có trí tuệ. Trí tuệ đâu mất rồi? Trí tuệ đã biến thành phiền não. Đồng tu học Phật chúng ta không thể không hiểu đạo lý này. Trí tuệ và phiền não là một sự việc, cho nên Phật ở trên Kinh nói "phiền não tức Bồ Đề". Bồ Đề chính là trí tuệ, chân thật huệ. Mê rồi thì trí tuệ liền biến thành phiền não, giác ngộ rồi thì phiền não liền biến thành Bồ Đề. Bồ Đề và phiền não cũng giống như ánh sáng và bóng tối vậy, nó là một thể; ánh sáng đến thì bóng tối đi, bóng tối đến thì ánh sáng không hiện. Chúng ta mỗi ngày 24 giờ đồng hồ đều có ngày có đêm, chúng ta trải qua ngày đêm của mỗi ngày có sự cảnh giác hay không? Ban ngày là trí tuệ, buổi tối là phiền não; ban ngày là giác ngộ, buổi tối là mê hoặc. Nếu như chúng ta có thể thể hội loại chuyển biến này, thì có pháp nào không phải là Phật pháp?

"Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh" chính là đời sống thực tế của chúng ta. Thế Tôn ở trên Kinh nói với chúng ta, chư Phật Như Lai diễn nói Đại Kinh, trần thuyết, sát thuyết trước giờ chưa từng gián đoạn chính là nói những việc này. Thế nhưng rất đáng tiếc, sáu căn chúng ta ngày ngày tiếp xúc đều là ngu muội vô tri, không thể nào phát hiện, cho nên chúng ta không thể nào an trụ chân thật huệ, đối với phiền não tập khí của chính mình không có sức lực khắc phục. Người như vậy học Phật 100 năm, 200 năm cũng không ích gì, tuyệt nhiên không có liên quan gì với sanh tử. Cho nên, câu nói này quan trọng.

Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ ngày trước ở trong chú giải vì chúng ta nói ra. Thực tế, trong chú giải của ông đã nói đều là năm xưa lão cư sĩ Hạ Liên Cư đã nói. Bộ Kinh này hay, đã nói ba cái chân thật, việc này rất khó thấy được trong các Kinh khác. Ở trong phẩm thứ hai "Đức Tuân Phổ Hiền", Phật nói: "Khai hóa hiển thị chân thật chi tế". Tiếp theo trong phẩm thứ ba "Đại Giáo Duyên Khởi", Phật lại nói: "Dục trửng quần minh, huệ dĩ chân thật chi lợi". Ở chỗ này nói ra cho chúng ta "trụ chân thật huệ". Ba câu không như nhau, trong đây nói "chân thật" là như nhau. “Chân” là nói chân như. “Thật” chính là nói thật tướng.

"Khai hóa hiển thị chân thật chi tế", đây là trước tiên nói với chúng ta, mục đích học Phật của chúng ta ở chỗ nào. Trong Thiền tông thường nói minh tâm kiến tánh, Giáo hạ thường nói đại khai viên giải, bổn Kinh này nói được rất rõ ràng, nói được dễ hiểu. Chúng ta muốn hỏi: Minh tâm kiến tánh là gì, đại khai viên giải là gì? Chúng ta nghe không hiểu. Thế nhưng cách nói của Phật trên bộ Kinh này, chúng ta nghe qua tương đối dễ dàng hiểu được. "Khai hóa hiển thị chân thật chi tế", đây chính là minh tâm kiến tánh, đây chính là đại khai viên giải.

"Khai" là khai thị, vì chúng ta giảng giải, chỉ đạo chúng ta, giáo hóa chúng ta.

/ 374