/ 374
659

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 190

Ở trong chú giải, Hoàng Niệm Tổ dẫn dụng một đoạn giải thích trong "Kinh Vô Lượng Thọ Khởi Tín Luận" của cư sĩ Bàng Tế Thanh, giải thích được rất hay, rất tinh túy. Văn này của ông tiết lục ra ở chỗ này, chúng ta cùng đọc qua:  "Nhất thiết Phật độ, bất ly chúng sanh, nhất niệm thanh tịnh tâm, nhi đắc thành lập". Câu nói này là tổng cương lĩnh. Quan trọng nhất là chúng ta phải có thể tin được. Đây chính là ở trên Kinh Phật thường nói, thế nhưng Phật chỉ nói một câu đơn giản là: "Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh". Ông đem một câu này nói được càng rõ ràng, càng tường tận.

"Tất cả Phật độ" chính là nói mười pháp giới y chánh trang nghiêm. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm từ đâu mà có vậy? Không lìa chúng sanh; một niệm tâm thanh tịnh mà được thành lập, là do tất cả chúng sanh tâm tưởng mà thành. Thế nhưng ở chỗ này, ông chú trọng Phật độ.

Phật độ chính là Tịnh Độ, báo độ mà chư Phật Như Lai đã ở. Trong "Kinh Hoa Nghiêm" nói Thế giới Hoa Tạng, trong Kinh Vãng Sanh ("Tịnh Độ Ngũ Kinh" đều gọi là Kinh Vãng Sanh) nói Thế giới Cực Lạc, đây là Phật độ. Phật độ từ nơi đâu mà có? Là do một niệm tâm thanh tịnh của tất cả chúng sanh biến hiện ra, cho nên mới nói "tâm tịnh thời cõi Phật tịnh".

Lần trước, Hiệp hội Quy y Hồi Giáo có mời tôi cùng với họ tổ chức một lần tọa đàm. Họ đã từng đưa ra vấn đề: Ki Tô giáo và Thiên Chúa giáo gọi là Thiên Đường, Hồi giáo gọi là Thiên Viên (hoa viên trên trời gọi là Thiên Viên), Phật giáo chúng ta gọi là Thế giới Cực Lạc, vị bằng hữu Hồi Giáo này hỏi tôi: "Thế giới Cực Lạc ở nơi nào vậy? ". Tôi nói với ông ấy: "Thế giới Cực Lạc chính ngay chỗ này. Đây là thật, không phải giả. Nếu như bạn hồi phục được một niệm thanh tịnh thì bạn liền thấy được, chính ngay chỗ này, không xa. Nếu như bạn có một niệm nhiễm tạp thì bạn sẽ không thấy được". Tôi nói lời này không phải dễ hiểu, rất khó thể hội. Tôi nêu ra một thí dụ: Hiện tại, thông thường trong nhà người đều có truyền hình. Các vị mỗi ngày đều xem truyền hình, các vị biết được kênh đài của truyền hình rất nhiều, không luận một kênh đài nào, đều là ở trên màn hình của truyền hình này. Đây là nói rõ cái gì? Thế giới này của chúng ta ngày nay cùng Thế giới Cực Lạc và Thiên Viên là khác nhau ở kênh đài, nhưng đồng ở trên một màn hình. Nếu tâm của chúng ta không thanh tịnh thì chúng ta xem thấy là uế độ của Thế giới Ta Bà. Nếu như chúng ta hồi phục đến một niệm tâm thanh tịnh, thì chúng ta ở trên màn hình này lập tức liền hồi phục đến Tịnh Độ, Phật độ. Từ ngay trong thí dụ này, bạn tương đối dễ dàng thể hội được. Có Tịnh Độ hay không? Có Thế giới Cực Lạc hay không? Có Thiên Viên hay không? Khẳng định có, chúng ta chắc chắn tin tưởng. Nếu như từ phương diện khoa học mà nói thì càng dễ dàng khiến chúng ta tin tưởng.

Khoa học gia ngày nay đã phát hiện và khẳng định không gian là đa duy thứ, nên gọi là có hai độ không gian, ba độ không gian, bốn độ không gian. Từ trên lý luận mà nói, có vô hạn không gian duy thứ. Đây là khoa học gia khẳng định. Thiên Viên là gì? Thiên Đường là gì? Thế giới Cực Lạc là gì? Nếu như bạn đột phá hết thảy không gian duy thứ rồi, Thiên Đường liền xuất hiện, Thế giới Cực Lạc liền xuất hiện, trong Phật Kinh gọi là Pháp Giới Nhất Chân. Pháp Giới Nhất Chân là Thế giới Cực Lạc, Pháp Giới Nhất Chân là Thế giới Hoa Tạng, Pháp Giới Nhất Chân chính là thảy đều đột phá hết những tầng không gian duy thứ khác. Khoa học gia hiện tại không biết dùng phương pháp gì để đột phá, muốn dùng khoa học kỹ thuật để đột phá. Việc này thì không dễ dàng, vô cùng là gian nan. Vì sao vậy? Không gian duy thứ khác được hình thành thế nào thì họ không biết. Phật thì rõ ràng. Nó được hình thành như thế nào? Từ trong vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của tất cả chúng sanh mà sanh ra. Thế là Phật liền biết được làm thế nào đem không gian đột phá. Vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xả thì phá được. Một niệm tâm thanh tịnh thì hư không pháp giới là Phật độ. Nhất Phật độ này chính là Pháp Giới Nhất Chân, chính là Hoa Tạng, chính là Cực Lạc ở ngay trước mắt.

Người tu hành chứng quả, họ chứng được cái gì? Họ chân thật đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xả rồi, ngay trong mắt của họ thế giới này là Pháp Giới Nhất Chân, cái này họ chứng được rồi, thanh tịnh Phật độ. Ngay trong mắt của họ thấy chúng sanh đại địa, giống như bổn Kinh đã nói, tất cả đều thành Phật. Chúng ta ngày nay vì sao không thấy được tất cả đều thành Phật? Chúng ta có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Học Phật không gì khác, chính là dạy chúng ta nhìn thấu buông xả. Buông xả cái gì? Buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nhìn thấu là gì? Chân tướng sự thật triệt để thông đạt tường tận gọi là nhìn thấu. Sau khi nhìn thấu buông xả, đời sống của chúng ta được đại tự tại, nhà Phật gọi là lìa khổ được vui. Đây là thật, không phải giả. Bao gồm tất cả khổ nạn thảy đều không còn, khói tan mây tán, bạn được là chân lạc. “Lìa khổ được vui” không phải là hình dung từ, không phải là khích lệ chúng ta, mà là chân tướng sự thật. Tự tại là tự thọ dụng. Vậy thì còn có rất nhiều những chúng sanh chưa giác ngộ, chúng ta vẫn cùng với họ cùng trải qua đời sống, cũng sống được rất an vui, tùy duyên.

/ 374