PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 189
Kinh văn:
“Tư nguyện nhược khắc quả
Đại thiên ứng cảm động
Hư không chư thiên thần
Đương vũ trân diệu hoa”.
Đây là sau khi Pháp Tạng Bồ Tát nói ra hoằng nguyện của chính Ngài, mong cầu cảm ứng để chứng minh lời đại nguyện của Ngài phát ra là chân thật bất hư. Đây là một loại tướng lạ hi hữu.
************************
Kinh văn: “Phật cáo A Nan: “Pháp Tạng Tỳ Kheo, thuyết thử tụng dĩ, ứng thời phổ địa, lục chủng chấn động, thiên vũ diệu hoa, dĩ tán kỳ thượng, tự nhiên âm nhạc, không trung tán ngôn, quyết định tất thành, Vô Thượng Chánh Giác””.
Bạn xem, hứa nguyện của Ngài mới vừa nói xong, tướng lạ lập tức liền hiện tiền, cảm ứng nhanh như vậy. Đại địa chấn động, đây là thuộc về chúng sanh vô tình. Chúng sanh vô tình mà còn bị cảm động, sơn hà đại địa đều bị cảm động, huống hồ chúng sanh hữu tình?
Ở chỗ này, trên Kinh nói với chúng ta: “Lục chủng chấn động”. Trong chú giải Phật Kinh thường hay nói, sáu loại này là “động, khởi, dũng, chấn, hống, giác”. Động chính là dao động. Khởi là nâng lên trên. Trồi sụt gọi là khởi, là từ mặt đất nổi lên gò cao lên. Ba loại đầu là nói hình thái của động. Ba loại phía sau là nói động của âm thanh. Chấn là có âm thanh, chấn động. Hống là âm thanh rất lớn. Giác là khiến tất cả chúng sanh đều có thể cảm giác được rõ ràng. Sáu loại chấn động này chẳng phải hiện tại gọi là đại địa chấn hay sao? Nếu như Pháp Tạng vừa hứa nguyện xong liền xảy ra đại địa chấn, vậy thì rất nhiều chúng sanh bị tai nạn à? Đây chẳng phải là một việc tốt. Cho nên chúng ta nhất định phải biết được, Phật nói pháp là ý ở ngoài lời, nếu bạn cứ ngờ ngệch xem thấy trên Kinh có cách nói như vậy, “y văn giảng nghĩa, tam thế Phật oan”, quá khứ, hiện tại, vị lai ba đời chư Phật đều bị hàm oan. Vì sao vậy? Bạn hiểu sai ý nghĩa của Ngài rồi. Bạn xem trong kệ khai Kinh nói: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, chúng ta rất nhiều người hiểu sai chân thật nghĩa của Như Lai, ngộ nhận chân thật nghĩa Như Lai, vậy thì sai lầm. Sáu loại chấn động này là hình dung, đích thực là đại địa chấn. Phật dùng tình huống này để hình dung điều gì vậy? Chư Phật Bồ Tát giảng Kinh nói pháp, phát hoằng thệ nguyện chấn động đối với lòng người, không phải mặt đất thật chấn động.
Chữ “địa” này là gì vậy? “Ưng thời phổ địa”. Chữ địa này là tâm địa, cũng chính là ngày nay chúng ta nói, chúng ta thấy được, nghe được có cảm động, thậm chí cảm động đến khóc đến sướt mướt. Cho nên, không nên nhìn văn giảng nghĩa. Đây là nói tất cả chúng sanh bị cảm động sâu sắc, chúng sanh hữu tình bị cảm động. Đây là nói “hư không chư thiên thần”, thiên thần tán hoa, “mưa hoa” là bị cảm động, hoan hỉ tán thán, chúng sanh vô tình cũng bị cảm động. Chúng ta liền muốn hỏi, cái cảm động này chúng ta cư ngụ ở nơi đây có sanh ra thay đổi hay không? Có! Thay đổi cực lớn, thế nhưng chúng ta tuyệt nhiên không hề cảm giác được, không hề cảm thấy dao động của địa chấn, không hề có cảm giác này. Chữ địa này cũng là thay đổi, ngay trong âm thầm đã thay đổi mặt đất, thay đổi địa chất, đây chính là trên Kinh Phật thường nói: “Y báo tùy theo chánh báo chuyển”. Cách nói này các vị vẫn không dễ gì thể hội. Tôi đổi một câu nói khác, phong thủy thay đổi rồi. Làm sao chuyển? Ngay chỗ này Tỳ kheo Pháp Tạng phát ra đại nguyện không gì bằng, cảm động thiên địa quỷ thần, địa lý này biến đổi. Cho nên nói: “Người phước ở đất phước, đất phước người phước ở”. Pháp Tạng là người phước đệ nhất đẳng, phong thủy này liền biến đổi tốt.
Hiện tại chúng ta muốn thay đổi phong thủy thì không cần mời những tiên sinh xem phong thủy, mà thay đổi từ nơi tâm địa, tâm địa chúng ta lương thiện thì hoàn cảnh cư trụ phong thủy liền thay đổi. Người nước ngoài gọi là từ trường, người Trung Quốc gọi là khí phần. Khí phần nơi đó sẽ không giống như khí phần ở nơi khác. Ngạn ngữ gọi là “địa linh nhân kiệt”. Người ở nơi đây là hào kiệt thì đất liền có linh khí. Pháp Tạng Tỳ kheo ở nơi đó thì làm gì không có linh khí? Linh khí đạt đến thù thắng nhất. Chấn động là nói cái ý này, chúng ta phải hiểu rõ.
Cho đến sâu hơn một tầng, chúng ta muốn hỏi, vì sao một người khởi tâm động niệm có thể cảm động thiên địa quỷ thần, có thể cảm động thực vật khoáng vật? Hoàn cảnh chúng ta cư trụ là khoáng vật cùng thực vật. Thực vật là cây cối hoa cỏ, khoáng vật là núi sông đất đai. Vì sao có thể cảm động? Thông thường nói cảm động người, chúng ta có thể nghĩ được thông. Cảm động thiên địa quỷ thần cũng có thể miễn cưỡng đồng ý, thiên địa quỷ thần cũng là chúng sanh hữu tình. Nhưng cây cối hoa cỏ, núi sông đất đai, làm sao có thể bị cảm động? Đạo lý này thì sâu, thế nhưng tuyệt nhiên không khó hiểu. Bạn xem thấy những người bồi dưỡng hoa cỏ, họ đối với những chậu hoa này đích thực có lòng yêu thương. Họ bồi dưỡng những cây hoa này thì hoa nở đặc biệt đẹp, chúng ta có thể mô phỏng họ. Bạn mỗi ngày lúc nào thì tưới nước, tưới bao nhiêu lượng nước, đến lúc nào thì cho phân vào, cho lượng phân bao nhiêu, chúng ta có thể đúng pháp mà bào chế, không sai khác chút nào, thế nhưng chúng ta trồng ra cây hoa thì không được đẹp như người ta. Do nguyên nhân gì? Họ có tâm yêu thương, chúng ta không có tâm yêu thương. Do đây có thể biết, thực vật cũng có cảm tình. Không chỉ thực vật có cảm tình, mà khoáng vật cũng có cảm tình, núi sông đất đai đều có cảm tình. Chúng ta đọc “Kinh Hoa Nghiêm”, trong “Kinh Hoa Nghiêm” có thần cây, có thần hoa, có sơn thần, có thủy thần, có thần hồ, có thần sông. Do đây có thể biết, tất cả vạn vật thảy đều thông linh. Truy tìm cội nguồn của nó, Phật nói rất hay, mười pháp giới y chánh trang nghiêm, (chánh báo là thân thể, y báo chính là hoàn cảnh đời sống của chúng ta), trong hoàn cảnh đời sống, bao gồm hoàn cảnh nhân sự cùng hoàn cảnh vật chất là “bổn thị đồng căn sanh, giai thị duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”, chúng làm sao mà không bị cảm động?