/ 374
571

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 188

Chúng ta xem thấy ở trên Kinh này, khoa học gia đã mong cầu các loại phương tiện thần thông. Trên Kinh Đại Thừa nói được rất nhiều, không cần thiết phải nhờ vào các máy móc này, trong tự tánh của chúng ta vốn có thể viên mãn đầy đủ. Thế Tôn vì chúng ta giới thiệu Thế giới Tây Phương Cực Lạc, bạn xem, đời sống của người bên đó, muốn ăn cơm thì cơm và thức ăn bày ra trước mắt, mọi thứ đều hợp với khẩu vị của chính mình, không cần phải nấu nướng. Không chỉ không cần phải nấu nướng, chúng ta ngày nay khi dọn cho bạn mấy mươi món, bạn còn phải từ từ mà xếp, nhưng ở Tây Phương Cực Lạc khi bạn vừa khởi lên ý niệm thì đã dọn lên xong rồi, không cần đến người làm. Khi ăn xong rồi không muốn ăn nữa, các thứ này liền không còn, trên bàn liền sạch sẽ, không cần phải dọn dẹp, cũng không cần phải rửa chén. Khoa học ngày nay có thể làm được hay không? Khoa học hiện tại không làm được! Cho nên, Thế giới Tây Phương là thế giới của khoa học. Nhà Phật không phản đối khoa học, cần phải đạt đến trình độ này mới có thể có được thọ dụng này.

Trên Kinh điển nói với chúng ta, người của Thế giới Cực Lạc mỗi ngày đến thế giới phương khác, đi tham phỏng chư Phật Như Lai, phi hành tự tại, vô lượng vô biên cõi nước chư Phật. Chúng ta ngày nay nếu muốn tính toán thì phải dùng năm ánh sáng mà tính. Phi cơ, hỏa tiễn của chúng ta, công cụ phi hành kém quá xa so với họ. Họ một niệm liền đến. Cự ly có lớn hơn, bạn xem trên Kinh nói, thường hay đi thăm viếng mười phương thế giới trở lại cũng chẳng qua thời gian của một bữa ăn. Trong thời gian rất ngắn, mười phương chư Phật nơi đó bạn đều đi qua, đến bên đó để cúng dường Phật, thân cận Như Lai, nghe Như Lai giảng Kinh nói pháp. Thông tin giao thông của chúng ta ở đây kém quá xa so với Thế giới Cực Lạc. Đây là nói đến khoa học kỹ thuật, làm gì có thể sánh được Thế giới Cực Lạc?

Năm xưa tôi giảng Kinh ở Hoa Kỳ (ở Hoa Kỳ người học khoa học, học kiến trúc rất nhiều), tôi nói: Chân thật muốn học, học được cao nhất phải đến Thế giới Cực Lạc học với A Di Đà Phật. A Di Đà Phật là nhà khoa học vĩ đại nhất của hư không pháp giới, vạn đức vạn năng. Phật Bồ Tát mỗi niệm vì hạnh phúc chân thật của chúng sanh, chắc chắn sẽ không để cho chúng sanh bị chút tác dụng phụ nào trong đó. Những vật thực này là vật thực của thiên nhiên bổ dưỡng người. Hiện tại trong vật thực có dùng một số thành phần hóa học, khi người ta ăn vào bị một số bệnh kỳ kỳ quái quái, cho nên càng nghĩ thì cái được không bằng cái mất. Vào thời xưa, đại Thánh đại Hiền thế xuất thế gian, phương thức đời sống của họ quay về với tự nhiên. Tự nhiên mới là khỏe mạnh nhất, trái với tự nhiên thì không khỏe mạnh. Cái đẹp của con người làm ra chắc chắn sẽ không bằng cái đẹp của tự nhiên. Những vấn đề này bày ra trước mắt, chúng ta phải suy xét nhiều, chúng ta mới không bị mê hoặc, không bị khoa học kỹ thuật, không bị văn minh hiện đại làm mê hoặc, đầu óc của chúng ta sẽ tỉnh táo một chút, chúng ta mới có thể có chút trí tuệ.

Trồng nhân thiện chắc chắn được quả thiện. Thiện là gì? Vì hạnh phúc chân thật của tất cả chúng sanh mà lo nghĩ. Đây là thiện. Tuy bạn tạo tác là lợi ích xã hội, lợi ích chúng sanh, thế nhưng trong đây có tác dụng phụ thì không thiện, trong cái thiện của bạn xen tạp bất thiện. Bạn cần phải nghĩ đến, bạn đã xen tạp những cái bất thiện, sanh ra hậu quả như thế nào. Việc này không thể không biết. Nếu như hậu quả là nghiêm trọng, sự việc này không được làm.

"Thiên nhân sư", "Tam giới hùng". Tam giới là chỉ Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới. Hùng là anh hùng. Anh hùng là gì? Người khác làm không được mà bạn có thể làm được, con người này gọi là anh hùng. Trong giáo huấn của Thánh Hiền thế xuất thế gian, phần nhiều là chỉ có thể đoạn phiền não, có thể khắc chế chính mình, đây là anh hùng. Không phải bảo bạn đối phó với người khác, đối phó với người khác không xem là anh hùng. Đối phó với chính mình, khắc phục tham-sân-si-mạn của chính mình, khắc phục tự tư tự lợi của chính mình, con người này là anh hùng.

Trong Phật Kinh nói với chúng ta, chúng sanh của Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới đều không đem tự tư tự lợi buông xả, chỉ là hướng lên cõi trên mà đi. Họ tự tư tự lợi, danh vọng lợi dưỡng, phiền não của tham-sân-si-mạn tương đối nhẹ một chút. Cho dù đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, phiền não này vẫn còn, chưa có đoạn gốc nên họ không thể ra khỏi tam giới. Cái này không xem là anh hùng. Có thể đoạn kiến tư phiền não, siêu việt tam giới sáu cõi, con người này là anh hùng. Con người này làm mô phạm cho chúng ta xem, vì chúng ta làm ra tấm gương, làm ra điển hình. Đây gọi là "thiên nhân sư", cùng với hai câu phía trước có quan hệ liên đới mật thiết. Đó chính là nói chúng ta chắc chắn phải cầu trí tuệ, phải tu từ mẫn hạnh.

/ 374