/ 374
491

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 187

Mời xem Kinh văn. Khoa đề này là "kỳ như Phật đức". Trong đây có ba đoạn nhỏ, đoạn thứ nhất là "bi trí như Phật", đoạn thứ hai là "thuyết pháp như Phật", đoạn thứ ba là "nhất thiết thành Phật".

Kinh văn:

"Như Phật vô ngại trí

Sở hành từ mẫn hạnh".

Đây là khi Bồ Tát Pháp Tạng tu hành chứng quả, kỳ vọng chính mình có thể bằng như mười phương tất cả chư Phật. Đây là viên mãn đại nguyện. Trên Kinh Đại Thừa Phật thường hay nói với chúng ta, chứng được Phật quả cứu cánh đích thực là Phật Phật đạo đồng. Thế nhưng ở trên vị thứ Bồ Tát vẫn nguyện cầu Phật đức, nguyện phước huệ của chính mình bằng với Như Lai. Cho nên, câu thứ nhất nói: "Như Phật vô ngại trí". Trí tuệ của Phật dung thông tự tại. Dung là viên dung, thông là thông đạt, không cần thiết phải suy nghĩ. Trí tuệ Bát Nhã vốn đủ trong tự tánh. Kỳ vọng, tôi nghĩ mỗi một vị đồng tu đều hy vọng chính mình khai trí tuệ. Tự tánh vốn đủ trí tuệ Bát Nhã là vô ngại. Đại Sư Thanh Lương ở trong "Kinh Hoa Nghiêm" nói cho chúng ta nghe bốn loại vô ngại: Lý vô ngại, sự vô ngại, lý sự vô ngại, sự sự vô ngại, đây mới là chân thật đại viên mãn. "Vô ngại trí" là chư Phật Như Lai. Tất cả chúng sanh đức năng vốn đủ trong tự tánh. Trí tuệ này ở Phật và Pháp Thân Đại Sĩ hiện tiền rồi.

Hiện tại chúng ta ở vị phàm phu, trí tuệ như vậy đã bị phiền não tập khí của chúng ta chướng ngại mất rồi, chứ không phải không có. Phật ở trên "Kinh Hoa Nghiêm" nói được rất hay: "Tất cả chúng sanh đều có trí tuệ đức tướng Như Lai, chỉ bởi vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc". Đây là Phật một câu nói thì thấu tột hết. Chỗ khác nhau của phàm phu và Phật chính là phàm phu có phiền não, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, còn Phật thì không có. Do đây có thể biết, bỏ đi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thì tất cả chúng sanh là như Phật, vốn dĩ là Phật.

Kệ tụng này câu sau cùng là: "Tất cả đều thành Phật". Sự việc này là thật, không phải là giả. Hiện tiền chúng ta tu học, chướng nạn lớn nhất chính là không thể khắc phục phiền não tập khí. Thế nhưng nhất định phải biết, phiền não tập khí là không thể không khắc phục. Nếu bạn không thể khắc phục phiền não tập khí, bạn chính mình nhất định phải nên biết, quả báo của bạn chắc chắn ở ba đường. Cho nên, chúng ta phải thường nghĩ Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh là khổ, chúng ta muốn đi làm Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh hay không? Nếu như muốn làm Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, thì phiền não tập khí của bạn không cần phải đoạn, bạn có thể tùy thuận phiền não tập khí của chính mình. Nếu như bạn cảm thấy ba đường ác là khủng khiếp, ba đường ác đáng sợ, bạn thật có tâm lo sợ, tôi nghĩ, bạn nhất định có thể khắc phục vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình. Người xưa dạy cho chúng ta, học Phật phải có tâm sợ, trong tâm sợ quan trọng nhất chính là lo sợ nhân quả báo ứng. Việc này rất hiện thực. Cho nên học Phật không gì khác, chỉ là chuyển phiền não làm Bồ Đề mà thôi. Bồ Đề chính là "vô ngại trí".

Hiện tại chúng ta muốn hỏi cách chuyển như thế nào? Phật nói với chúng ta phương pháp quá nhiều rồi, tám vạn bốn ngàn pháp môn, vô lượng pháp môn. Đây là nói phương pháp rất nhiều. Phật lưu lại Kinh giáo cho chúng ta, các vị đều biết được “Đại Tạng Kinh” của nhà Phật, trong mỗi một bộ Kinh điển đều nói ra rất nhiều pháp môn, không chỉ một. Bạn y theo một bộ Kinh để tu cũng được, thậm chí bạn y theo một hay hai câu trong một bộ Kinh để tu cũng được. Người niệm Phật từ xưa đến nay, đích thực có không ít người y theo phương pháp tu hành của Bồ Tát Đại Thế Chí: "Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục". Họ cả đời tín thọ phụng hành tám chữ này, họ liền có thể thành vô thượng đạo.

Gom nhiếp sáu căn chính là chúng ta nói đoạn trừ phiền não tập khí. Bạn phải có thể thâu nhiếp lại sáu căn. Bồ Tát Đại Thế Chí nói ra nguyên tắc này cùng Mạnh Phu Tử đã nói làm học vấn là không hai không khác. Mạnh Tử nói: "Học vấn chi đạo vô tha, cầu kỳ phóng tâm nhi kỷ". Cầu kỳ phóng tâm chẳng phải là gom nhiếp sáu căn hay sao? Đem sáu căn từ trong cảnh giới sáu trần gom nhiếp lại. Đây là phương pháp Bồ Tát Đại Thế Chí dùng. Nhà Nho dạy người: "Phi lễ chớ nhìn, phi lễ chớ nghe, phi lễ chớ nói, phi lễ chớ động". Đây chính là Khổng Phu Tử nói rõ cụ thể thâu nhiếp cái phóng tâm này. Phương pháp Đại Thế Chí dùng còn tinh tế hơn đây rất nhiều. Chúng ta phải nên hiểu, Bồ Tát ở ngay trong thuận nghịch cảnh, không luận là thuận cảnh, nghịch cảnh, thiện duyên, ác duyên đều có thể thâu nhiếp sáu căn. Không phải nói là sáu căn không tiếp xúc, vẫn tiếp xúc nhưng không thể ghi lại ấn tượng, đây chính là gom nhiếp sáu căn.

/ 374