/ 374
820

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 186

Do đây có thể biết, Phật dạy bảo chúng ta đích thực là trí tuệ chân thật, có lợi ích chân thật đối với chúng ta, hy vọng chúng ta ở trong mười pháp giới phải hướng nâng lên trên, không nên hướng xuống đọa lạc. Tham sân si gọi là ba độc phiền não. Chúng ta có thể tiêu trừ ba độc phiền não thì tự nhiên liền rời khỏi ba đường ác. Ba đường khổ hơn bất cứ nơi nào. Phật Bồ Tát từ bi đến tột đỉnh, muốn chúng ta "tất xả tam đồ khổ", cho nên trong 48 nguyện, nguyện thứ nhất chính là "quốc vô ác đạo", không đọa vào cõi ác. Chúng ta đối chiếu bài kệ này cùng với nguyện văn trước sau, liền có thể thể hội được một ít tâm từ bi của Phật Đà.

"Diệt chư phiền não ám". Cái "phiền não ám" này cùng ý nghĩa "tam cấu minh" phía trước là giống nhau. "Cấu" là nói ô nhiễm, ô nhiễm tự tánh thanh tịnh của chính mình. "Phiền não" chính là chuyên chỉ tham-sân-si-mạn. Nhất định phải đoạn phiền não. Phiền não quá nhiều rồi, đoạn không hết. Phật ở trong Kinh điển như "Du Già Sư Địa Luận" đã đem vô lượng vô biên phiền não quy nạp lại,  phân loại ra có hơn 100 loại. Cái này vẫn quá nhiều, đối với sơ học mà nói vẫn là quá nhiều. Bồ Tát Thiên Thân từ trong "Du Già Sư Địa Luận" quy nạp thành 26 loại, bao gồm 6 loại căn bản phiền não, 20 loại tùy phiền não. Đây đều là loại lớn.

Sáu loại lớn căn bản phiền não chính là "tham-sân-si-mạn-nghi-ác kiến". "Ác kiến" là kiến giải sai lầm. Chúng ta luôn phải rõ ràng, phải tường tận, chính mình ở ngay trong cuộc sống thường ngày khởi tâm động niệm biết được cái niệm này là thiện hay là ác. Đoạn ác tu thiện phải từ ngay khởi tâm động niệm mà hạ công phu. Đây chính là những Tổ sư đại đức xưa nay dạy bảo chúng ta tu hành phải từ căn bản mà tu. Căn bản là gì? Khởi tâm động niệm là căn bản. Người xưa dùng thí dụ để nói, vô minh phiền não che mất đi tâm tánh của chúng sanh, giống như trời mây đen u ám che mất đi mặt trời vậy. Chúng sanh hôn ám ngu si, hiện rõ ra không biết chút nào, cho nên gọi là "ám". Giáo huấn của Phật giống như mặt trời vậy, trí tuệ của Phật (nói trí tuệ của Phật chính là Bát Nhã chánh trí của tự tánh vốn đầy đủ) là trong tự tánh của chúng ta vốn sẵn đầy đủ, trí tuệ này có thể phá vô minh phiền não, cho nên "diệt chư phiền não ám". Nếu như không phải dùng trí tuệ Bát Nhã vốn đủ trong tự tánh thì chắc chắn bạn không thể diệt được.

Bạn đi học, học rộng nghe nhiều, người xưa đã nói "ký vấn chi học", bạn thấy được rất nhiều, nghe được rất nhiều, nhớ được rất nhiều, thế nhưng đều không phải là tự tánh lưu lộ ra, mà đều là từ bên ngoài đến. Đây gọi là thế trí biện thông. Bạn cũng có thể nói được hoa trời rơi rụng, thế nhưng phiền não tập khí của bạn không thể đoạn, hay nói cách khác, bạn không thể giải quyết được vấn đề sanh tử của chính mình, bạn không có năng lực chuyển biến nghiệp báo của bạn. Thế trí biện thông không giải quyết được vấn đề. Không những không thể chuyển biến nghiệp báo của chính mình, e rằng thế trí biện thông mang đến nghiệp báo càng nghiêm trọng hơn. Đây là lý do vì sao Phật dạy chúng ta nhất định phải cầu trí tuệ chân thật.

Trí tuệ chân thật từ đâu mà có? Là trí tuệ Bát Nhã vốn sẵn có trong tự tánh của bạn, không phải từ bên ngoài đến. Ở trên Kinh Phật đã nói, Thích Ca Mâu Ni Phật trí tuệ vốn sẵn trong tự tánh hiện tiền, cho chúng ta làm tham khảo. Ngài có, ta cũng có; Ngài có thể hiện tiền, vì sao ta không thể hiện tiền? Các Ngài không có phiền não, ta thì có phiền não. Như vậy chính mình mới chân thật ý thức đến, "ta cần phải đoạn phiền não". Phiền não đoạn một phẩm, trí tuệ liền tăng thêm một phẩm, trí tuệ chân thật của bạn mới có thể hiện tiền. Trí tuệ chân thật siêu vượt thế trí biện thông rất nhiều, có thể khiến chính mình được chân thật thọ dụng. Thọ dụng chân thật này là thanh lương tự tại, trong đây có an vui chân thật, cho nên lìa khổ được vui. Cái lạc này cũng không cách gì nói ra được, nói ra rồi bạn cũng không cách gì thể hội được. Vì sao vậy? Trước giờ bạn chưa từng có kinh nghiệm này. Bạn chính mình cần phải có kinh nghiệm này, khi nghe người khác nói bạn mới có thể thể hội được. Cho nên nhất định phải chăm chỉ nỗ lực mà làm, chỉ cần phiền não nhẹ, trí tuệ liền thêm lớn.

/ 374