PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 185
Trí Quang Diệu Dụng
Kinh văn:
“Nguyện ngã trí tuệ quang
Phổ chiếu thập phương sát
Tiêu trừ tam cấu minh
Minh tế chúng nguy nan
Tất xả tam đồ khổ
Diệt chư phiền não ám”.
Đoạn này phân làm bốn đoạn nhỏ. Trước tiên chúng ta đọc đến chỗ này. Đoạn phía trước là nói vô lượng thọ, đoạn này là nói vô lượng quang. Vô lượng thọ là nói thể, vô lượng quang là nói tướng dụng. Thể-tướng-dụng lưu xuất từ đức năng vô lượng vô biên, lợi ích tất cả chúng sanh.
Đại Sư Thiện Đạo triều nhà Đường nói: “48 nguyện của A Di Đà Phật, mỗi nguyện đều là vì chúng sanh”. Chúng ta từ trong bài kệ tụng này có thể thể hội được lời của Đại Sư là có căn cứ, không phải tùy tiện nói.
Hai câu phía trước gọi là “huệ quang phổ chiếu”, đây là A Di Đà Phật khi thành Phật phát đại nguyện và nguyện này hiện thực rồi. Quang minh của Phật đích thực là phổ chiếu mười phương cõi. Thế nhưng trên thực tế không chỉ là quang minh của Phật, mà sắc tướng của Phật, âm thanh của Phật, mỗi mỗi đều là châu biến pháp giới. Phàm phu chúng ta chưa thấy được, chưa nghe được là bởi vì vọng niệm của chính mình quá nhiều, tâm ý qua loa, không thể nào thể hội được. Nếu như vọng niệm ít, tâm kỹ lưỡng, chỉ cần tịnh lại thì không khó thấy được. Đích thực có một số người thấy được Phật quang, nghe được âm thanh của Phật. Chúng ta mới chân thật thể hội được trí tuệ, đức năng của Phật đích thực là tận hư không phắp pháp giới, không lúc nào không có, không nơi nào không tồn tại. Đạo lý này trên Kinh Đại Thừa nói rất nhiều.
Phật vì sao đối với một số người thì hiện tiền, đối với một số người lại không thể hiện tiền? Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói là tâm hiện thức biến, “duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Mắt chúng ta không rời khỏi sắc tướng, hay nói cách khác, sáu căn chúng ta không lìa khỏi cảnh giới sáu trần. Căn trần đều là sở hiện sở biến. Trên Kinh Đại Thừa, chúng ta thường hay đọc: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Chúng ta không có tưởng Phật, mà chúng ta nghĩ ra cảnh giới này, cho nên cảnh giới này liền hiện tiền. Những cảnh giới này đều là từ tự tánh trí tuệ quang minh đức năng biến hiện ra. Chúng ta phải hiểu được điều này.
Ý nghĩa của “phổ chiếu” rất sâu. Mười phương cõi nước chính là ngày nay gọi là hư không pháp giới. “Phổ” là bình đẳng, là thanh tịnh, đây mới gọi là phổ. Người xưa nói, Phật quang có thể phá vô minh phiền não, cho nên gọi là “trí tuệ quang”. “Trí tuệ quang” cũng là biệt hiệu của A Di Đà Phật. Chúng ta đã từng đọc qua, trí tuệ quang chính là vô lượng quang, cũng gọi là vô biên quang, vô ngại quang, vô đẳng quang, thường chiếu quang, thanh tịnh quang. Trong “Kinh Vô Lượng Thọ” nói mười hai danh hiệu, đây đều là biệt danh của Vô Lượng Quang. Vì sao dùng nhiều danh hiệu như vậy? Từ trong danh hiệu, chúng ta liền thể hội hàm nghĩa vô lượng. Đương nhiên mười hai danh hiệu này cũng chẳng qua là tiêu biểu mà nói, trên thực tế ngôn ngữ không cách gì biểu đạt, nói ra không cùng tận. Phật quang đích thực có thể chiếu. Phật quang đã là biến chiếu, hiện tại vì sao chúng ta không thấy được? Kỳ thật, tất cả chúng sanh đều tắm ở trong hào quang của Phật, nhưng chỉ vì phiền não tập khí quá nặng nên chúng ta vẫn chưa phát hiện được.
Phật Bồ Tát từ bi đến cùng tột, đối với những chúng sanh nghiệp chướng sâu nặng này, trí tuệ quang chuyển biến thành một loại hình thức khác chính là ngôn ngữ. Thế Tôn năm xưa ở đời 49 năm vì mọi người giảng Kinh nói pháp, mỗi câu mỗi chữ đều là trí tuệ quang, đều là phổ chiếu mười phương cõi. Phật diệt độ đã ba ngàn năm. Ngày nay tuy là Phật không trụ thế, thế nhưng Kinh điển của Phật thì vẫn còn lưu lại thế gian. Khi chúng ta mở quyển Kinh ra, chính là Phật quang phổ chiếu. Khi chúng ta đọc tụng là trí tuệ quang hiện tiền. Chúng ta nghiên thảo cũng là trí tuệ quang hiện tiền. Chúng ta giảng giải cũng là trí tuệ quang hiện tiền. Trí tuệ quang rõ ràng nhất chính là y giáo phụng hành. Các vị quả nhiên y giáo phụng hành thì mỗi giờ mỗi phút, mỗi chỗ mỗi nơi đều có thể thể hội được vô lượng quang thọ của Phật. Sau đó bạn sẽ chân thật tin tưởng đây là thật, không phải là giả.
Bài kệ kinh văn phía sau nói lên tác dụng của quang: