/ 374
632

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 171

Nguyện thứ bốn mươi bốn: “Phổ Đẳng Tam Muội Nguyện”

Kinh văn: “Ngã tác Phật thời, thập phương Phật sát, chư Bồ Tát chúng, văn ngã danh dĩ, giai tất đãi đắc thanh tịnh, giải thoát, phổ đẳng tam muội, chư thâm tổng trì, trụ Tam ma địa, chí ư thành Phật”.

Từ chỗ này trở xuống, đây là đoạn lớn thứ mười một ở trong nguyện văn “trợ tha thành Phật”.

Bồ Tát ở thế giới khác phát nguyện gần gũi A Di Đà Phật, học tập theo A Di Đà Phật, tuy vẫn chưa vãng sanh về Thế giới Tây Phương Cực Lạc, nhưng đã được bản nguyện của A Di Đà Phật gia trì. Đây thật là không thể nghĩ bàn. Từ đó cho thấy, Phật Đà từ bi, thật sự là phổ độ tất cả chúng sanh. Chúng ta hãy xem thật kỹ đoạn Kinh văn này.

“Ngã tác Phật thời”, câu này là A Di Đà Phật tự xưng. Ngài hiện nay ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc thị hiện thành Phật đã mười kiếp, nên nguyện này đương nhiên là đã thành sự thật.

Chúng ta ở chỗ này chú ý xem nguyện văn: “Thập phương Phật sát, chư Bồ Tát chúng”. Câu này với nguyện văn phía trước hoàn toàn không giống nhau, chúng ta phải đặc biệt lưu ý. Ở trong nguyện văn phía trước, chúng ta phần lớn xem thấy: “Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả”, luôn luôn là nói như vậy. “Sở hữu chúng sanh” thì không nhất định là loại nào, ngay cả chúng ta cũng thảy đều bao gồm ở trong đó. Nhưng bắt đầu từ nguyện này, ở trong nguyện văn nói: “Thập phương Phật sát, chư Bồ Tát chúng”, có thể thấy đây không phải người bình thường. Chúng ta trước tiên muốn hỏi: Định nghĩa chữ “Bồ Tát chúng” này rốt cuộc là như thế nào? Chúng ta là người đã thọ giới Bồ Tát thì có được xem là Bồ Tát hay không? Chúng ta có bao gồm ở trong đây không? Đây là điều trước tiên phải làm cho rõ ràng.

Phật ở trong “Kinh Kim Cang” nói rất rõ ràng: “Nếu Bồ Tát có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức không phải Bồ Tát”. Đây là Thế Tôn đem tiêu chuẩn của Bồ Tát nói ra cho chúng ta rồi. Chúng ta thử nghĩ, chúng ta đã thọ giới Bồ Tát rồi, hoặc giả xuất gia, đã thọ Tam Đàn đại giới rồi, có còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả không? Nếu như vẫn còn thì đó không phải là Bồ Tát thật, ở nguyện này không có phần của chúng ta, đối tượng mà Ngài nói không phải loại này của chúng ta.

Đại Sư Thiên Thai nói, Phật có sáu loại. “Lục tức Phật”, nói từ trên lý thì không có vấn đề, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Phàm là những ai có Phật tánh đều xem là Phật. Ở trong “Hoa Nghiêm”, “Viên Giác” nói hay hơn nữa: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ thành Phật”. Đây là nói từ trên lý. Trên lý không hề sai, nhưng trên sự thì khác nhau. Sự có mê - ngộ; người mê là phàm phu, ngộ rồi mới là Phật. Vậy là từ trên sự mà nói, thì có năm cấp bậc phía sau.

Thứ nhất là “Danh tự tức Phật”, hữu danh vô thực. Giống chúng ta hiện nay thọ giới Bồ Tát, đây là hữu danh vô thực. Chúng ta là ở trong quả vị Danh Tự. Người ở trong quả vị Danh Tự, bất kể bạn tu tốt như thế nào, bạn cũng không thể thoát khỏi tam giới, cái mà bạn tu học là phước báo hữu lậu trong tam giới. Sao gọi là “hữu lậu” vậy? Chính là tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả chưa buông xả, cho nên gọi đó là hữu lậu. Hữu lậu chính là bạn còn mang theo vọng tưởng, phân biệt, chấp trước.

“Tướng ngã” là chấp trước cái thân này là ta, khởi tâm động niệm đều vì ta, vì lợi ích của ta, đây chính là trong Kinh gọi là tướng ngã. Hiện nay, cái mà đại chúng xã hội thông thường gọi là tự tư tự lợi chính là trong Kinh Phật gọi là tướng ngã. Cho nên, chúng ta còn có ý nghĩ tự tư tự lợi là tướng ngã chưa buông xả.

“Tướng nhân”, cái đối lập với ta là người. Đây chính là nói tất cả chúng sanh hữu tình đối lập với chúng ta, đó là tướng nhân. Phạm vi mà tướng nhân bao gồm vô cùng rộng.

“Tướng chúng sanh” nghĩa là gì vậy? Đây là đem tất cả hiện tượng ở trong vũ trụ, tất cả thực vật, khoáng vật, cái mà trong Kinh Phật gọi là khí thế gian, toàn bộ đều bao gồm ở trong đó, cũng chính là cái mà chúng ta gọi là hoàn cảnh đời sống vật chất của chúng ta. Hoàn cảnh này là hiện tượng do chúng duyên hòa hợp mà sinh ra, cho nên gọi là tướng chúng sanh. Chúng sanh này không được phép xem như những con người hay như những đồ vật, đây là điều không nên, phạm vi của nó vô cùng rộng lớn.

/ 374