/ 374
481

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 170

Hai chữ "Phật hạnh" này vô cùng quan trọng. Trong phẩm thứ hai mươi của bổn Kinh này đã nói: "Trần lao cấu tập, tự nhiên bất khởi", đây chính là Phật hạnh. "Trần lao" là gì? "Trần" là thí dụ cho ô nhiễm. Hiện tại chúng ta sống ở trong không gian, kiến trúc có hoàn thiện hơn, ô nhiễm đối với vi trần thì vẫn cứ không thể tránh khỏi. Bàn một ngày không lau, bạn tỉ mỉ sờ qua, nó vẫn có bụi, ba ngày không lau thì nhìn thấy rất rõ ràng. Cho nên trần là biểu thị ý nghĩa của ô nhiễm. Cái gì ô nhiễm? Tâm tánh của chúng ta bị ô nhiễm. Tâm tánh của chúng ta vốn dĩ là thanh tịnh, vốn dĩ là chân thành, vốn dĩ là bình đẳng, hiện tại vì sao toàn bộ đều mất hết rồi? Bị sáu trần ô nhiễm. Sáu trần này là “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”, bị những thứ này ô nhiễm rồi. Tâm thanh tịnh được đại tự tại, được đại hoan hỉ, thường sanh tâm hoan hỉ, thế nhưng sau khi tâm tánh bị ô nhiễm thì tâm thanh tịnh này mất đi. Sanh ra là gì? Sanh ra là tình. Khi không bị ô nhiễm sanh ra là trí. Cho nên bạn phải nên biết, trí và tình là một sự việc, nhưng tác dụng thì không như nhau. Trí và tình, nói về thể thì chỉ là một, nhưng tướng thì không như nhau, tác dụng khác biệt thì quá lớn. Phía sau tình là lao, người hiện tại gọi là rất mệt. Trí thì không mệt, trí là vô cùng nhẹ nhàng. Người có tình càng nặng thì càng khổ sở, lao nhọc cả đời, không chỉ cả đời còn đến đời sau, đời đời kiếp kiếp sống ở trong lao nhọc, không cách gì siêu việt sáu cõi luân hồi.

Trong nhân tố chủ yếu hình thành sáu cõi luân hồi, nhân tố thứ nhất là tình chấp. Bạn có tình chấp thì bạn không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi. Vậy nếu người không có tình thì sao? Bạn nói không có tình, dường như ai cũng không muốn nghe lời này, con người nếu biến thành vô tình, thì con người này rất tàn khốc, vậy thì không phải. Làm thế nào đem tình chuyển biến thành trí? Phật pháp không phải dạy bạn đem tình đoạn dứt đi, tình đoạn dứt đi thì trí cũng không còn. Vì sao vậy? Tình và trí là một thể, không thể đoạn. Vậy phải làm sao? Phải chuyển biến, đem tình chuyển biến thành trí. Đây chính là chuyển phàm thành Thánh, chuyển mê thành ngộ. Tướng của tình là mê, tướng của trí là giác ngộ. Cho nên trong Kinh Phật dạy chúng ta chuyển biến. Hiện tại chúng ta tại vì sao không thể chuyển đổi? Không thể chuyển đổi là có hai nguyên nhân. Thứ nhất là không rõ ràng đạo lý, lý chưa làm thấu triệt, cho nên chấp trước kiên cố không chịu chuyển. Thứ hai là tập khí quá sâu, vô lượng kiếp đến nay chúng ta chỉ sống ở trong tình chấp, hiện tại vừa muốn đem nó chuyển đổi lại, dường như có chút không nhẫn tâm làm, không nỡ bỏ.

Cho nên chư Phật Bồ Tát chỗ này mới hiển thị ra đại từ đại bi, không ngừng lặp lại dạy bảo chúng ta, mỗi giờ mỗi phút đều nhắc nhở chúng ta. Phương pháp Phật đã dùng là Kinh giáo, chân thật gọi là: “Một đời dạy người là dùng miệng, trăm đời dạy người là phải dùng sách”, sách có thể lưu truyền mãi mãi, sẽ không mất đi. Ngày nay nếu người không xem trọng sách vở, không chịu đọc sách thì đặc biệt sai lầm. Hiện tại tuy là chúng ta có khoa học kỹ thuật cao, không cần dùng những sách vở này, nói những văn tự này đều có thể cho vào vi tính, các bạn có thể từ trong màn hình vi tính mà xem. Thế nhưng tôi lại nghe có rất nhiều người nói với tôi, mỗi ngày mắt nhìn vào màn hình vi tính, thọ mạng của họ chí ít phải mất đi hai mươi năm. Trên màn hình là rất thuận tiện, nhưng nếu bạn thích nó thì bạn phải bỏ ra cái giá là hai mươi năm tuổi thọ. Cho nên, tôi không nhìn màn hình, ngay đến truyền hình tôi cũng không xem. Những thứ văn tự trong vi tính của các  bạn, bạn in ra cho tôi xem, tôi sẽ không trực tiếp xem màn hình. Cho nên, nếu nó có sở trường thì nó chắc chắn cũng có khuyết điểm. Trên thế giới không có thập toàn thập mỹ, nếu nó có tác dụng chánh diện thì quyết định có tác dụng phụ. Chúng ta nhất định phải hiểu rõ, phải hiểu được, sau đó bạn mới có thể khéo dùng khoa học kỹ thuật, không bị khoa học kỹ thuật làm hại, không bị khoa học kỹ thuật làm mệt, bạn liền tự tại an lạc.

Cho nên, Phật dạy chúng ta, đối với cảnh giới bên ngoài phải thấu hiểu được rất rõ ràng, rất tường tận chân tướng của nó là gì. Bao gồm tất cả vật tướng là tướng hợp nhất, đây là Phật tổng thuyết. Trong tướng hợp nhất, chúng ta thể hội được điều gì? Vạn pháp bình đẳng, pháp pháp bình đẳng. Nếu bạn hiểu được đạo lý này thì vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, đặc biệt là ý niệm được mất sẽ ít đi một nửa trở lên, cả người bạn liền thoải mái nhẹ nhàng. Vì sao vậy? Người ta lấy được Kim Cang tán bảo thạch, quý đến như vậy, ngay trong mắt của ta là gì? Kim Cang tán bảo thạch và cát đất trên đại địa hoàn toàn bình đẳng, giá trị là bình đẳng. Nếu bạn nói cái đó giá trị cao thì bạn đã bị nó lừa. Kỳ thật giá trị là bình đẳng, bao gồm tất cả các pháp đều là bình đẳng. Bất cứ vật chất mà bạn nói là quý trọng, quý trọng là gì? Là vọng tưởng của bạn đem nó tạo thành quý trọng, là giả chứ không phải là thật. Phật lại nói với chúng ta: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng", quyết không phải chân thật. Trên "Kinh Kim Cang" lại nói: "Tất cả hữu vi pháp, như mộng huyễn bèo bọt", thật đang tồn tại cũng là giả. Bạn nói cái hiện tượng này tồn tại, thì bạn hoàn toàn thấy sai rồi. Hiện tại khoa học gia hiểu được sát na sanh diệt, làm gì có tồn tại chứ? Nếu bạn không tin tưởng, hiện tại các bạn đến bên đây du lịch, tôi thấy các bạn mỗi người đều mang theo máy chụp hình, bạn có thể hội được đến sự tồn tại là gì không? Khi bạn canh chuẩn rồi ấn nút, ống kính mở ra, khi bạn ấn lần thứ hai, chắc chắn không phải là lần thứ nhất, lần thứ nhất đã không còn nữa, nó không có tồn tại. Tồn tại là một khái niệm trừu tượng, không phải sự thật. Bao gồm tất cả chư pháp đều không tồn tại, nếu bạn muốn được nó, chẳng phải bạn khởi vọng tưởng sao, chẳng phải bạn làm phiền chính mình sao? Cho nên, chân thật hiểu rõ rồi, tất cả các pháp vô đắc cũng vô thất, không có được mất.

/ 374