/ 374
539

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 161

Nguyện thứ ba mươi sáu: “Giáo Hóa Tùy Duyên Nguyện”

Kinh văn: "Trừ kỳ bổn nguyện, vi chúng sanh cố, bị hoằng thệ khải, giáo hóa nhất thiết hữu tình, giai phát tín tâm, tu bồ đề hạnh, hành Phổ Hiền đạo. Tuy sanh tha phương thế giới, vĩnh ly ác thú, hoặc nhạo thuyết pháp, hoặc nhạo thính pháp, hoặc hiện thần túc, tùy ý tu tập, vô bất viên mãn. Nhược bất nhĩ giả, bất thủ chánh giác".  

Nguyện thứ ba mươi sáu này, lần trước tôi đã nói qua với các bạn, thế nhưng ý nghĩa vẫn chưa nói hết. Nguyện này vô cùng quan trọng. Hơn nữa, ngay trong những đại đức cầu nguyện vãng sanh, người phát đại nguyện giáo hóa chúng sanh này so ra thì rất nhiều, họ không chỉ ở thế giới này của chúng ta. Ngạn ngữ thường nói "nhân đồng thử tâm, tâm đồng thử lý", chúng ta liền sẽ liên tưởng đến hư không pháp giới, vô lượng vô biên cõi nước chư Phật, người có tâm nguyện này nhất định không phải là số ít. Nhất là khi chúng ta gặp được chúng sanh gặp phải đại khổ đại nạn, càng cảm thấy giúp chúng sanh có sự cần yếu bức thiết. Thế nhưng chúng ta phải ghi nhớ, nếu như chúng ta không cầu vãng sanh mà ở thế giới này hành Bồ Tát đạo, đối với phàm phu chúng ta thì không làm được, mức độ thấp nhất là phải chứng bốn quả vị A La Hán trở lên. Vì sao vậy? Kiến tư phiền não đoạn rồi, bạn ở trong sáu cõi có thể không bị cảnh giới xoay chuyển, có thể được tự tại, vậy thì được. Nếu như bạn không chứng được quả A La Hán, cho dù kiến hoặc đoạn rồi, tư hoặc chưa đoạn, hay nói cách khác, trong tâm của bạn chưa đoạn tham-sân-si-mạn thì bạn sẽ rất khó ứng phó với mê hoặc của danh lợi, mê hoặc của năm dục sáu trần ngay trong ngoại cảnh, bạn sẽ không vượt qua được cám dỗ, vẫn cứ là đọa lạc. Sự lợi hại này không thể không biết.

Chiều nay, sau khi ăn cơm tối xong, chúng tôi ở trong phòng khách lầu hai cùng với các vị cổ giáo thọ của Quốc Đại có nói đến những nhà Lý học của Tống Minh, nói đến Chu Hy, Chu Phu Tử (đây là những học giả nổi tiếng triều Tống), họ học Phật nhưng lại bài trừ Phật giáo. Nguyên nhân vì sao học Phật mà lại bài trừ Phật giáo? Nguyên nhân vẫn là ở vọng tưởng, phân biệt, chấp trước không thể buông bỏ. Đây là nói đến ba nhà Nho-Thích-Đạo, lý luận là giống nhau, thế nhưng phương pháp dụng công không như nhau, mục đích tu học không như nhau, nhưng làm học vấn thái độ căn bản thì giống nhau. Ngày nay tôi đã nói với mọi người rồi, đều là cầu giác ngộ, nhà Nho nói ngộ tánh, nhà Đạo cũng dạy người khai ngộ, nhà Phật dạy người đại triệt đại ngộ. Những chỗ này xem ra dường như là rất giống nhau, thế nhưng trình độ ngộ nhập có cạn sâu khác biệt, không giống nhau. Vì sao nhà Nho học Phật mà bài trừ Phật giáo? Vào thời xưa, học Nho là quang vinh nhất, sau khi chết thì bài vị thần chủ của họ có thể được thờ phụng ở trong Khổng miếu, đây là một vinh hạnh không gì bằng, nên nhà Nho học Phật mà bài trừ Phật, mục đích là sau khi chết, thần vị có thể được đưa vào thờ cúng ở trong Khổng miếu, nếu như họ học Phật thì trong Khổng miếu sẽ không thờ cúng họ. Họ vẫn không buông xả được phân biệt, chấp trước.

Khai ngộ của nhà Phật, các vị phải nên biết, đây là ở trên cảnh giới công phu không như nhau; nhà Phật là vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng, nhà Phật phải đạt đến tiêu chuẩn này; Nho và Đạo chưa đạt đến tiêu chuẩn này, họ vẫn còn có “phải-quấy-nhân-ngã”, “tham-sân-si-mạn” chưa đoạn. Đương nhiên như cảnh giới của Khổng Tử, Mạnh Tử thì cao, họ ngộ thì tương đối sâu, tương đối rộng. Cho nên, nhà Nho có đại Nho, cũng có tiểu Nho. Cũng giống như Phật giáo chúng ta, có Tiểu Thừa, có Đại Thừa, có Thanh Văn, có Duyên Giác, có Bồ Tát. Mỗi một giai tầng, cảnh giới đều không như nhau.

Mục đích giáo học của Phật giáo là muốn dạy người ngộ nhập vào một tầng thứ tương đối, vậy mới có thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi. Việc này ở trong Phật pháp gọi là "chứng tiểu quả”. Đây không phải là quả báo lớn, mà chỉ là quả báo nhỏ. Mức độ của quả báo nhỏ là siêu vượt sáu cõi luân hồi. Nho và Đạo đều chưa đạt đến cảnh giới này. Đạo là sanh lên trời, mục đích chính của họ là muốn làm thiên thần, làm thần tiên, không hề rời khỏi sáu cõi. Cho nên, nguyên lý nguyên tắc của họ rất giống nhau, phương pháp dụng công cũng rất giống nhau, thế nhưng tầng thứ ngộ nhập có sâu cạn, rộng hẹp không như nhau, cho nên quả chứng của họ có khác biệt. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, lại nghĩ đến chính mình, chúng ta có năng lực đoạn kiến tư phiền não, có năng lực chân thật phá bốn tướng, bốn kiến hay không? Trên "Kinh Kim Cang" nói là “vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, bạn có làm được hay không? Bạn quả nhiên đã làm được rồi, vậy thì được, nếu không cầu sanh Tịnh Độ thì bạn cũng có thể đời đời kiếp kiếp ở thế gian này hành Bồ Tát đạo. Giả như chúng ta không có năng lực này thì chúng ta phải đặc biệt đề cao cảnh giác.

/ 374