/ 374
709

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 162

Hai chữ "tín tâm" này, ở vào cảnh giới hiện tiền của chúng ta, quan trọng nhất chính là phải tin Phật. Phật là thầy giáo của chúng ta, Bồ Tát là thầy giáo của chúng ta. Chúng ta phải tin giáo huấn của Phật. Giáo huấn của Phật là Kinh điển, cũng chính là nói, chúng ta phải tin Phật, chúng ta phải tin pháp. Tăng có thể tin hay không? Có vấn đề! Nếu như tăng không chân thật y theo Phật pháp mà tu học thì họ là phàm phu, họ chính mình ngay đời này có được thành tựu hay không là điều rất khó nói, vậy thì tín tâm của chúng ta làm sao có thể sanh khởi? Thế nhưng, trên Kinh luận nói với chúng ta một nguyên tắc, nếu như tâm hạnh của tăng tương ưng với Phật pháp thì bạn có thể tin tưởng, nếu tâm hạnh của họ trái với Phật pháp thì bạn chỉ kính trọng đối với họ mà không gần. Kính là cung kính, cung kính tuyệt đối, không có hai thứ. Thế nào gọi là không gần? Không học với họ. Làm sao bạn biết được họ có căn bản hay không? Thực tế mà nói, bạn tỉ mỉ mà quán sát, họ vẫn còn tự tư tự lợi thì đó là phàm phu. Giống y như ta, ta có tự tư tự lợi, họ cũng có tự tư tự lợi; ta có phải quấy nhân ngã, họ cũng có phải quấy nhân ngã; ta có tham-sân-si-mạn, họ cũng có tham-sân-si-mạn, hai người đều gần giống như nhau. Nếu như họ không có tự tư tự lợi, không có phải quấy nhân ngã, không có tham-sân-si-mạn, vậy thì không giống như chúng ta. Lại tỉ mỉ mà quán sát, có phải là họ hiếu thân tôn sư? Nếu như họ hiếu thân tôn sư, bạn biết được họ có căn bản, vậy thì bạn có thể tin tưởng. Cho nên, Phật Pháp Tăng - Tam Bảo, ở nơi Tam Bảo phát khởi tín tâm, y giáo tu hành. Đây là bước thứ nhất, dạy người phải phát khởi tín tâm đối với giáo huấn của Thánh Hiền thế xuất thế gian, sanh tín tâm giáo hóa chúng sanh là mục tiêu thứ nhất.

Sau khi sanh khởi tín tâm, liền bước vào mục tiêu thứ hai là "tu Bồ Đề hạnh" ("tu" là tu sửa. "Bồ Đề" là tiếng Phạn, ý nghĩa là giác ngộ, là trí tuệ). Hay nói cách khác, nếu bạn chân thật đã xây dựng được tín tâm rồi, bạn phải đem đời sống sai lầm, hành vi sai lầm trước đây của bạn mà tu sửa trở lại. Ngày trước, đời sống của chúng ta là ngu si, không có trí tuệ; mê hoặc, không có giác ngộ. Phàm phu trải qua là đời sống thế nào? Đời sống ngu si, mê hoặc, cho nên đời sống của họ không dễ qua, trải qua rất là khổ cực. Ngu mê thì làm gì mà không tạo nghiệp? Đời sống tạo nghiệp, làm việc tạo nghiệp, đối nhân xử thế tiếp vật thảy đều tạo nghiệp, giống như trên “Kinh Địa Tạng” đã nói: "Chúng sanh Diêm phù đề khởi tâm động niệm đều là nghiệp". Các bạn thử nghĩ xem, Phật Bồ Tát nói lời nói này có quá đáng không? Không quá đáng, chân thật thảy đều là nghiệp. Tại vì sao tạo nghiệp? Ngu si, mê hoặc, đây là căn bản của tạo nghiệp.

Sau khi đã tin vào Tam Bảo, bạn đem thành kiến của chính mình buông xả; đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình buông xả; trong đời sống, trong công việc, đối người tiếp vật quyết không tùy thuận phiền não của chính mình, đem nó tu sửa lại; tùy thuận giáo huấn của Phật Bồ Tát, đem những gì Phật Bồ Tát dạy cho bạn, ở trong cuộc sống, trong công việc nỗ lực làm cho được. Đây gọi là tu Bồ Đề hạnh ("hạnh" là hành vi đời sống). Như vậy bạn mới chân thật có được lợi ích của Phật pháp. Việc này là việc lớn, không phải việc nhỏ. Hay nói cách khác, bạn từ mê hoặc điên đảo quay đầu lại, nương vào giáo huấn chánh giác của Phật Bồ Tát; từ ngu si quay đầu lại, nương vào giáo huấn trí tuệ của Phật Bồ Tát. Bạn phải khẳng định Kinh điển là trí tuệ, Kinh điển là giác ngộ.

Vậy thì hành bắt đầu từ đâu? Phía trước tôi đã nói qua với các bạn, bắt tay vào từ Tam Phước. Tịnh Nghiệp Tam Phước là "hiếu dưỡng phụ mẫu, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu thập thiện nghiệp", bạn phải làm từ chỗ này. Phật vì chúng ta giảng một bộ “Thập Thiện Nghiệp Đạo Kinh”, Kinh này không dài, thế nhưng nó không phải là Kinh Tiểu Thừa, Kinh này được thu tập vào “Đại Tạng Kinh”. Ở trên Kinh Phật khai thị rõ ràng, thập thiện nghiệp là căn bản làm người, làm Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, cũng chính là căn bản của Như Lai quả đức. Chúng ta không thể nào xem thường, tận thỉ tận chung.

Trên Kinh luận bạn thường hay đọc thấy "thiện nam tử, thiện nữ nhân", tiêu chuẩn của thiện là gì? Chính là mười điều này. Mười điều đều làm được, bạn mới được gọi là người thiện, là "thiện nam tử, thiện nữ nhân". Không làm được mười điều này, bạn không phải là "thiện nam tử, thiện nữ nhân" mà trên Kinh điển đã gọi. Trong mười điều, mỗi một điều cần phải đầy đủ chín điều khác, mỗi điều đều như vậy, đó mới được gọi là viên mãn. Nếu thiếu đi một điều, vậy thì điều này bạn làm chưa được viên mãn. Phải bắt đầu từ “Thập Thiện Nghiệp Đạo” mà xây dựng đức hạnh căn bản của chúng ta. Hiếu thân, nếu như không thực tiễn trong mười thiện thì bạn không có hiếu; tôn kính lão sư, nếu không có tu mười thiện thì bạn không có kính lão sư, hiếu kính đều không có.

/ 374