/ 374
660

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 160

Đế vương nhiều đời đều là dùng ba nhà Nho-Thích-Đạo để giáo hóa nhân dân, cho nên tam giáo đã định đặt nền tảng văn hóa của Trung Quốc. Tuy trên lịch sử có thay đổi triều đại, thế nhưng không có một đế vương nào không tôn trọng tam giáo, không phụng hành đề xướng thúc đẩy giáo dục của tam giáo, vì thế Trung Quốc mới có thể thịnh trị dài lâu. Dân tộc này kéo dài đến ngày nay, không bị thời đại đào thải, nguyên nhân chính ngay chỗ này.

Thế nhưng, điển tích của ba nhà Nho-Thích-Đạo đều có độ khó tương đối, hiện tại bày ra ở ngay trước mặt (ấn loát cũng phát triển nên có được không khó), thế nhưng bạn xem không hiểu. Thứ nhất là do chướng ngại về văn tự, vì đều là dùng văn ngôn văn để viết. Người hiện đại không học văn ngôn văn, nên bạn đem những thứ này giới thiệu cho họ, họ không thể dùng, họ không thể đọc. Nhất là thế kỷ cận đại này, giáo dục của luân lý, giáo dục của đạo đức đã bị xem thường, không xem trọng, hiện tại hoàn toàn đi trên con đường công lợi. Nhi đồng từ nhỏ được dạy những gì? Cạnh tranh. Dường như không cạnh tranh thì gần như là con người không sống được vậy, nếu muốn tiếp tục sống thì nhất định phải có tranh. Mạnh Tử nói rất hay: “Trên dưới đều tranh lợi thì nước nguy vậy”. Các vị thử nghĩ xem, trong một gia đình có chồng vợ, con cái, cha con, anh em cùng cạnh tranh với nhau thì cái nhà này còn thành cái nhà hay không? Không còn là một cái nhà! Một quốc gia mà trên dưới đều cạnh tranh thì xã hội này có thể an định hay không? Ngày nay phiền phức ở ngay chỗ đó, toàn thế giới đều đang cạnh tranh, cạnh tranh không từ một thủ đoạn. Bạn nói xem phải làm thế nào đây? Cho nên, sơn thần của Bắc Triều Tiên nói: “Trên trời không an toàn, trên đất không thể ở”, lời nói này rất có đạo lý. Ba nhà Nho-Thích-Đạo chúng ta không hề dạy người cạnh tranh, mà trong điển tích của ba giáo đều chỉ dạy người khiêm tốn, nhường nhịn. Cho nên, ngày nay đem điển tích của ba nhà ra, người ta sẽ nói bạn lạc hậu rồi, bạn không còn thích hợp trào lưu; bạn nói chân - vọng, nói tà - chánh, nói phải - quấy cho họ nghe, họ không hiểu. Không phải họ không thể tiếp nhận, mà là họ không thể hiểu. Vậy phải làm sao? Những đạo trưởng ngày nay, tôi nói mấy câu với mọi người, tôi cũng đem vấn đề này nêu ra, họ cũng không hiểu. Hiện tại chúng ta làm thế nào để khuyên bảo tất cả đại chúng? Chỉ là từ trên lợi hại mà bắt tay vào thì có lẽ họ còn có thể nghe lọt vào tai; bạn làm thế nào đối với bạn là có lợi, làm thế nào đối với bạn là có hại, đại khái việc này còn có thể nghe lọt vào tai.

Cho nên Đại Sư Ấn Quang không dùng Kinh Phật, mà Ngài dùng “Liễu Phàm Tứ Huấn” của nhà Nho, dùng “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” của Đạo giáo, “Văn Xương Đế Quân Âm Trắc Văn”. “Liễu Phàm Tứ Huấn” nói về nhân quả, “Âm Trắc Văn” và “Cảm Ứng Thiên” nói về lợi - hại, có lẽ người còn có thể nghe được vào tai, sau khi nghe rồi còn có chút cảnh giác. Do đó, Ấn Tổ cả đời cực lực đề xướng ba quyển sách nhỏ này, ngay trong một đời toàn tâm toàn lực đi hoằng dương. Chúng ta biết được dụng ý này ở đâu. Đó là nhằm vào căn tánh chúng sanh hiện tiền. Không chỉ việc hoằng dương này có hiệu quả ở Trung Quốc, mà ở trên toàn thế giới cũng đều có thể nhận được hiệu quả tương đối. Chúng ta cũng phải có thể quán cơ, nhất định phải phát đại tâm, giúp đỡ chúng sanh khổ nạn của thế giới này.

Khi sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc, có thể làm lỡ tâm đại từ đại bi của bạn hay không? Xin nói với các bạn, chắc chắn không hề lỡ mất, mà còn có thể thành tựu nguyện tâm của bạn. Nếu như bạn không phát tâm vãng sanh Thế giới Cực Lạc, vấn đề này thì nghiêm trọng rồi. Vì sao vậy? Bạn không thoát khỏi luân hồi. Chúng ta là phàm phu, không phải Phật Bồ Tát tái sanh. Phàm phu luân hồi là chịu nghiệp lực lôi kéo, khi bạn vừa đầu thai thì sự việc đời trước liền quên hết sạch sẽ; đời trước phát ra cái nguyện, có thể khi bạn vừa đầu thai thì cái nguyện đó sẽ không thể phát ra được, bạn liền mê hoặc điên đảo rồi, vậy bạn còn có thể nhớ được nguyện của đời trước hay sao? Không đáng tin! Vậy phải làm sao? Quyết định phải vãng sanh Tịnh Độ. Bạn có cái nguyện này không hề gì, khi đến Thế giới Cực Lạc rồi, thấy được A Di Đà Phật, bạn nói với A Di Đà Phật: “Nguyện của con là muốn trở lại độ những chúng sanh khổ nạn, có được không ạ?”. A Di Đà Phật nhất định sẽ bảo bạn: “Con mau đi, mau đi!”. Bạn vừa gặp mặt A Di Đà Phật, bổn nguyện A Di Đà Phật gia trì bạn, bạn ở trong sáu cõi, đời đời kiếp kiếp sẽ không quên mất đi bổn nguyện của bạn. Vậy mới là biện pháp tốt. Nguyện này chính là vì những người này mà nói.

/ 374