/ 374
518

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 159

Nguyện thứ ba mươi lăm: “Nhất Sanh Bổ Xứ Nguyện”

Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả, cứu cánh tất chí, nhất sanh bổ xứ".

Nguyện thứ ba mươi lăm và nguyện thứ ba mươi sáu là một chương, là chương thứ mười bảy. Nguyện văn rất rõ ràng: "sở hữu chúng sanh, sanh ngã quốc giả". Chúng ta phải xem rõ ràng câu nói này, đây là Di Đà Thế Tôn nói với chúng ta, mười phương thế giới tất cả chúng sanh phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ, không luận là sanh cõi Thật Báo, hoặc giả là sanh cõi Phàm Thánh Đồng Cư, thậm chí hạ hạ phẩm vãng sanh đều bao gồm ở ngay trong đó. Trong đây tuyệt nhiên không hề hạn chế nói là thượng phẩm thượng sanh hay là Báo độ vãng sanh, toàn bộ đều khái quát.

"Cứu cánh tất chí nhất sanh bổ xứ". Đây là đại nguyện vô cùng hy hữu. Chính bởi vì như vậy mà mười phương tất cả chư Phật Như Lai, không có vị nào mà không tán thán A Di Đà Phật là "quang trung cực tôn, Phật trung chi vương". "Nhất sanh bổ xứ" chính là Bồ Tát Đẳng Giác. Tại vì sao gọi là "bổ xứ"? Họ cư trụ ở nơi địa vị hậu bổ Phật. Cũng giống như Thế giới Ta Bà chúng ta, hiện tại Bồ Tát Di Lặc ở trong trời Đâu Xuất nội viện, tầng trời thứ tư của Dục Giới. Thế Tôn ở trong "Di Lặc Hạ Sanh Kinh" nói với chúng ta, tương lai Bồ Tát đến thế gian này thị hiện thành Phật, thay vào Phật vị của Thích Ca Mâu Ni Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật là vị Phật thứ tư ngay trong đại kiếp này, Di Lặc là vị Phật thứ năm. Hiện tại Ngài vẫn chưa thành Phật, nên chúng ta gọi Ngài là hậu bổ Phật. "Bổ xứ" chính là hậu bổ Phật.

Trong Kinh văn chúng ta phải đặc biệt xem trọng chữ "nhất sanh". Trong Đại Thừa Kinh luận Phật thường nói, một người tu hành, muốn tu đến địa vị này không phải là một việc dễ dàng. Các đồng tu đều biết, Bồ Tát tu hành thành Phật thì phải trải qua ba đại A Tăng Kỳ kiếp. Ba đại A Tăng Kỳ kiếp, các vị nghĩ xem, đó là bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp? Thế nhưng, đây là ba đại A Tăng Kỳ kiếp. Trên "Kinh Hoa Nghiêm" chúng ta đã đọc qua, ba đại A Tăng Kỳ kiếp là tính từ Bồ Tát Viên Giáo Sơ Trụ, hay nói cách khác, khi nào bạn chứng được Viên Giáo Sơ Trụ thì bắt đầu tính từ ngày đó, trước khi chưa chứng được Viên Giáo Sơ Trụ thì không tính. Nếu như đem thời gian học Phật của chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay tính chung lại, đó là vô lượng kiếp, không phải ba đại A Tăng Kỳ kiếp. Phải trải qua thời gian dài đến như vậy mới có thể đến được địa vị này, bạn liền biết được việc này vô cùng khó khăn, không dễ dàng chút nào. Thế nhưng, nếu như một người chân thật phát nguyện vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, cái khó này liền biến thành dễ dàng, rất dễ dàng liền có thể chứng đắc, ngay trong một đời liền thành tựu. Thế giới của chư Phật khác phải tu hành nhiều kiếp, còn Thế giới Tây Phương thì một đời liền thành tựu, chúng ta có tin hay không? Pháp môn này, tất cả chư Phật đều nói là "nan tín chi pháp", thế nhưng nó rất dễ dàng tu học, khó tin nhưng dễ hành.

Chúng ta phải tu hành như thế nào để ngay trong một đời này mới có thể chắc chắn được sanh Tịnh Độ, đây là việc mà mỗi một vị đồng tu chúng ta vô cùng quan tâm. Những Tổ sư Đại đức xưa nay dạy bảo chúng ta, tu học pháp môn này chỉ cần đầy đủ ba điều kiện: chân tín, thiết nguyện, y giáo phụng hành, đầy đủ ba điều kiện Tín-Nguyện-Hạnh này thì thành tựu. Ba điều kiện này làm thế nào kiến lập? Đều ở trên bộ Kinh này. Chúng ta đối với bộ Kinh này có lòng tin hay không, có phải là có được trình độ lý giải tương đối hay không, đây là điều kiện trước tiên. Lão cư sĩ Hạ Liên Cư sau khi hội tập xong quyển Kinh này, thực tế mà nói, Ngài cũng là chư Phật Như Lai thị hiện. Công việc hội tập thật không dễ dàng, cho dù là quá khứ cư sĩ Vương Long Thư, cư sĩ Ngụy Mặc Thâm đều không phải là nhân vật phổ thông, người thông thường chắc chắn không thể làm ra được. Nếu bạn không tin thì bạn chính mình có thể thử nghiệm xem, hiện tại đều có đủ năm loại nguyên bản dịch, bạn đi thử nghiệm xem, bạn có thể hội tập xong được một quyển hay không?

Tại vì sao cần phải hội tập? Đạo lý này chúng ta cần phải hiểu. Thế Tôn năm xưa ở đời, bộ Kinh này là nhiều lần tuyên giảng, không giống như các Kinh khác. Các Kinh khác thì Thích Ca Mâu Ni Phật cả đời chỉ giảng một lần, không hề giảng lại lần thứ hai, chỉ riêng bộ Kinh này giảng qua rất nhiều lần. Hiện tại, chúng ta từ trong năm loại nguyên bản dịch này mà tỉ mỉ quán sát, khẳng định Thế Tôn giảng qua ba lần. Thế nhưng có bảy loại bổn dịch khi xưa đã bị thất lạc rồi. Nếu như bảy loại bản dịch này mà còn, chúng ta có thể khẳng định, Phật một đời không chỉ giảng Kinh này ba lần, có thể là năm lần, có thể là bảy lần, không nhất định. Phật đã nhiều lần tuyên giảng, ý nghĩa này sẽ không như nhau, vì nếu như không phải vô cùng quan trọng thì Phật sẽ không giảng nhiều lần như vậy. Chẳng trách Đại sư Thiện Đạo (trong truyện ký có ghi chép Đại sư Thiện Đạo là hóa thân của A Di Đà Phật, cho nên người xưa đã từng nói, lời của Đại sư Thiện Đạo nói chính là lời của A Di Đà Phật nói) Ngài nói ra hai câu danh ngôn: "Như Lai sở dĩ hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải". Ý nghĩa của hai câu nói này là mười phương ba đời tất cả Như Lai dùng thân phận của Phật ứng hóa ở thế gian là để giảng cho mọi người nghe "Kinh Vô Lượng Thọ" ("Kinh Vô Lượng Thọ" là bổn nguyện hải của A Di Đà Phật), chính vì sự việc này mà đến. Đã là vì sự việc này mà đến thì Thế Tôn cả đời giảng một bộ Kinh này thì đủ rồi, tại vì sao lại giảng nhiều Kinh đến như vậy? Từ trên hình thức giảng Kinh của Ngài, chúng ta có thể thể hội, bộ Kinh này giảng qua nhiều lần, các Kinh khác là ứng cơ nói pháp, do căn tánh của chúng sanh không như nhau, cho nên Phật phải nói nhiều loại pháp, là vì lợi ích chúng sanh đương thời.

/ 374