/ 374
621

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 156

Chúng ta học Phật, nói một câu thật dễ hiểu, đó chính là học làm người, học làm người tốt, học làm một người chánh. Phật là người hoàn mỹ trong tất cả mọi người, không tìm được chút kém khuyết nào, nên được gọi là Phật.

Phật là tấm gương cho chúng ta, Phật là điển hình cho chúng ta, chúng ta học tập với Ngài thì phải học được giống như Ngài vậy. Ngay trong chư Phật, nhất là A Di Đà Phật, chúng ta thấy bốn mươi tám nguyện của A Di Đà Phật, mỗi nguyện đều là vì chúng sanh phục vụ, không có nguyện nào nói có lợi ích cho chính mình. Bốn mươi tám nguyện này, các bạn tỉ mỉ mà xem, có nguyện nào mà A Di Đà Phật vì tự lợi, A Di Đà Phật đối với chính mình có được chỗ tốt không? Không tìm ra được điều nào! Chúng ta phải học ở chỗ này. Vì sao chư Phật Bồ Tát các Ngài không vì chính mình, mà các Ngài vì chúng sanh? Người tương đối tường tận đối với Kinh giáo thì có thể trả lời được. Tuy là trả lời được, nhưng nếu bạn không làm được thì vẫn là uổng phí.

Phật nói với chúng ta, pháp giới vốn dĩ là nhất chân, sáu cõi mười pháp giới là giả, không phải là thật. “Kinh Kim Cang Bát Nhã” (mọi người đọc rất quen thuộc) sau cùng tổng kết ở trên một bài kệ: “Tất cả hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện”. Ý nghĩa của câu nói này là gì? Là nói sáu cõi mười pháp giới, hình tướng của sáu cõi mười pháp giới là “mộng huyễn bào ảnh”, tồn tại của sáu cõi mười pháp giới là “như lộ diệc như điện”. Ngày nay chúng ta rất bất hạnh, đã rơi vào trong đây. Vì sao chúng ta rơi vào trong đây vậy? Phật nói, bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên biến hiện ra cảnh giới này. Trong chấp trước, nghiêm trọng nhất là chấp trước “ta”, cho nên chỉ cần bạn chấp trước có ta, từ ngay nơi ta này liền sanh ra tự tư tự lợi nghiêm trọng, vậy thì xong rồi, bạn đừng nghĩ sẽ ra khỏi sáu cõi. Sáu cõi liền do đây mà ra. Nếu như không có “ta”, xin nói với các bạn, sáu cõi cũng sẽ không còn. Phật vì sao không có tự tư tự lợi? Dùng phương pháp này để đánh tan sáu cõi. Có ta thì có sáu cõi, thì có ba đường; không có ta thì không những không có ba đường, mà sáu cõi cũng không còn. Đây là chánh lý. Tuy chấp trước không còn, nhưng họ vẫn còn phân biệt, cho nên tuy là sáu cõi không còn, họ vẫn còn pháp giới bốn Thánh.

Hôm nào bạn đối với thế xuất thế gian pháp, ngay đến ý niệm phân biệt cũng không còn thì mười pháp giới liền không còn. Cho nên các bạn đồng tu phải ghi nhớ, các bạn hiện tại học giáo mà vẫn còn chấp trước quyển này là đúng, quyển kia là không đúng, bạn có chấp trước, bạn có phân biệt thì bạn vĩnh viễn ở trong sáu cõi làm pháp sư, bạn không thể ra khỏi sáu cõi luân hồi, bạn không thể khai mở trí tuệ. Nếu bạn chân thật khai trí tuệ, đối với tất cả Kinh giáo, bạn sẽ có cách nhìn thế nào vậy? Trên “Kinh Kim Cang”, Phật đã nói: “Chư pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ”. Lại nói với bạn, chúng ta lấy “Kinh Vô Lượng Thọ” để nói, nguyên bổn dịch, bổn hội tập và bổn tiết hiệu, các pháp trong đó đều bình đẳng, không có cao thấp. Đây là đối với bổn Kinh này của chúng ta mà nói. Lại triển khai ra tất cả Kinh mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói, ngày nay nói cho dù là Hiển tông, Mật tông, Tông môn, Giáo hạ thì cũng là pháp pháp bình đẳng, không có cao thấp. Cho nên chúng ta đối với điển tích của bất cứ giáo phái nào, chúng ta cũng đồng tôn kính. Nếu như chúng ta khởi lên ý niệm cao thấp thì chúng ta sai rồi. Đại Sư Ngẫu Ích nói rất hay: “Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu ở tâm ta”. Cảnh giới bên ngoài không có lỗi lầm, chúng ta khởi tâm động niệm chính là lỗi lầm. Không chỉ là trong Phật giáo, mà bao gồm tất cả các tông phái cũng không có cao thấp. Chúng ta mở rộng ra, hiện tại ở Singapore, chúng ta tiếp xúc với chín tôn giáo, bất cứ điển tích của tôn giáo nào, ta vừa mở ra cũng là “các pháp bình đẳng, không có cao thấp”. Các bạn có thể tin tưởng hay không? Ngày nay tôi đọc “Kinh Cô-ran”, đọc “Tân Cựu Ước”, tôi đều sẽ vãng sanh đến Thế giới Cực Lạc, còn các bạn thì không có bản lĩnh này. Vì sao các bạn không có bản lĩnh này? Các bạn có tâm phân biệt, có tâm chấp trước. Tôi có cái bản lĩnh này, “Tân Cựu Ước” vừa mở ra thì ra chính là “Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh”, “Kinh Cô-ran” vừa mở ra thì chính là “Kinh A Di Đà”. Bạn có phân biệt, tôi không có phân biệt; bạn có chấp trước, tôi không có chấp trước. Hư không pháp giới tất cả chúng sanh cùng đồng một tự tánh biến hiện ra, cho nên chúng ta thường nói “cùng đồng một thể sinh mạng”. Nói lời này thì mọi người tương đối dễ hiểu, dễ dàng thể hội, còn nói với bạn lời thật thì bạn không hiểu. Lời thật là gì vậy? Tận hư không khắp pháp giới tất cả chúng sanh là chính mình! Tôi nói lời nói này các bạn không hiểu.

/ 374