/ 374
784

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 155

Nguyện thứ ba mươi hai:  Na La Diên Thân Nguyện.

Kinh văn: "Ngã tác Phật thời, sanh ngã quốc giả, thiện căn vô lượng, giai đắc kim cang, Na La Diên thân, kiên cố chi lực".

Lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập phẩm Kinh này đã dùng công lực rất sâu, mà còn là ba người cùng hợp tác hội tập mà thành. Chúng ta xem thấy trong bài tựa của Đại Sư Mai Quang Hi, hội tập phẩm Kinh này có Đại đức hiển mật ngay lúc đó. Lão Hòa Thượng Huệ Minh cùng Hạ Lão và Mai Lão, ba người đã dùng thời gian ba tháng để hoàn thành bốn mươi tám nguyện này. Hình thức hội tập là đem cách thức của Kinh văn nguyên bổn dịch đều giữ lại hết, cho nên họ phân làm hai mươi bốn chương, mỗi chương có bao nhiêu nguyện văn tuyệt nhiên không như nhau, hợp lại bốn mươi tám nguyện. Trong hai mươi bốn chương, đoạn này là chương thứ mười sáu, bao gồm nguyện thứ ba mươi hai, nguyện thứ ba mươi ba và nguyện thứ ba mươi bốn.

"Sanh ngã quốc giả, thiện căn vô lượng", câu này là tổng thuyết. Chúng ta học Phật, cần phải sâu sắc mà thể hội được "Phật" là gì. Bạn học Phật, người ta hỏi bạn Phật là gì, bạn không trả lời được thì bạn đã học Phật uổng phí. Chữ "Phật" này là dịch âm từ Phạn văn của Ấn Độ. Vào thời xưa Trung Quốc không có chữ này. Khi Phật giáo truyền đến Trung Quốc, ngay lúc đó vì để phiên dịch Kinh điển nên đã tạo ra không ít chữ mới. Chữ Phật này là một trong những chữ mới được tạo ra lúc đó. Vào thời xưa có chữ Phất, không có bộ nhân ở bên, các vị xem thấy được trong sách xưa. Ở Ấn Độ, Phật Đà Ngài là một con người, cho nên chúng ta liền dùng chữ "Phất" thêm vào bộ "nhân", nói chữ Phật này là người, là do như vậy mà tạo thành. Ý nghĩa của chữ “Phật” là gì? Nếu dùng lời hiện đại để nói, một người có đầy đủ trí tuệ viên mãn thì gọi là Phật. Nếu trí tuệ không viên mãn thì gọi là Bồ Tát. Trí tuệ của Bồ Tát vẫn chưa đạt đến cứu cánh viên mãn. Người đạt đến cứu cánh viên mãn thì được gọi là Phật, cho nên Phật không chỉ một người, Phật quá nhiều quá nhiều. Thích Ca Mâu Ni Phật chân thật là rất đơn giản, giới thiệu cho chúng ta một chút. Bạn xem trong "Phật Danh Kinh", Ngài đã giới thiệu cho chúng ta hơn mười hai ngàn Phật hiệu. Hư không pháp giới, người đạt đến trí tuệ cứu cánh viên mãn rất nhiều, không phải một người. Đây là điều mà chúng ta cần phải làm cho rõ ràng.

Khi đã biết Phật là trí tuệ viên mãn, chúng ta học Phật là học những gì? Chúng ta học trí tuệ viên mãn, đây gọi là học Phật. Trong Phật pháp không có mê tín. Tổng cương lĩnh tu học Phật pháp, chúng ta có thể viết thành mười câu hai mươi chữ, các vị đồng tu đều có thể ghi nhớ được rõ ràng, rất tường tận. Hai mươi chữ này là cả thảy Phật pháp đều đã bao gồm hết. Phật giáo huấn đối với tất cả chúng sanh, thứ nhất là dạy bạn làm thế nào để giữ tâm, thứ hai là dạy bạn sống như thế nào. Phật giáo là giáo học rất thực dụng, quyết không đàm huyền thuyết diệu, rất là thực tế, có lợi ích đối với chúng ta thật là quá nhiều, cho nên đó là giáo dục đời sống.

Phật dạy chúng ta dụng tâm thì phải dùng "tâm chân thành", chân thành quyết định không có hư ngụy; dùng "tâm thanh tịnh", thanh tịnh quyết định không có ô nhiễm. Các vị phải nên biết, ý niệm tự tư tự lợi là ô nhiễm, phải quấy nhân ngã là ô nhiễm, tham-sân-si-mạn là ô nhiễm, những thứ này Phật đều không có. Tâm địa thanh tịnh, một trần không nhiễm, tâm Phật bình đẳng, chắc chắn không có cống cao ngã mạn. Chúng ta xem thấy những ghi chép ở trong Kinh điển, Phật đối với bất cứ một người nào cũng đều rất là khiêm tốn cung kính. Khi gặp người có khó khăn, Phật tùy lúc tận tâm tận lực giúp đỡ mọi người. Khi Phật xem thấy người có tuổi tác lớn, gánh một cái gánh rất nặng, Ngài liền tiếp lấy gánh phụ người đó một đoạn đường. Phật xem thấy lão thái bà tuổi tác lớn, xỏ kim bao nhiêu lần cũng không thể xỏ qua được, Thích Ca Mâu Ni Phật xem thấy vội vàng tiếp lấy, đem nó xỏ xong rồi đưa cho bà. Phật thật là từ bi. Bạn xem thấy Phật tuy tiếp nhận cúng dường của người ăn mày, thái độ của Ngài cũng giống như tiếp nhận cúng dường của quốc vương, không hề khác nhau. Chúng ta xem thấy Ngài dùng "tâm bình đẳng". Chư Phật Bồ Tát, ngay đến Khổng Lão Phu Tử, Mạnh Phu Tử, những Thánh Hiền nhân này chúng ta xem thấy ở trong "Luận Ngữ", "Mạnh Tử", họ đối với bất cứ một người nào, người không có địa vị hoặc địa vị rất là thấp kém, các Ngài đều là cúc cung chí kính, chắc chắn sẽ không khinh mạn một người nào, tâm của các Ngài đều bình đẳng.

/ 374