/ 374
461

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 154

Nhà Phật nói nhân quả, gieo nhân thiện nhất định được quả thiện. Những người lãnh đạo chủ trì phát sóng truyền hình vệ tinh này, họ tin nhân quả, cho nên họ hoan hỷ tiếp nhận. Cách ghi hình này của chúng ta vẫn chưa đạt đến tiêu chuẩn mà họ yêu cầu, cho nên chúng ta cần phải đổi mới thiết bị của chúng ta, hy vọng việc ghi hình của chúng ta có thể đạt đến tiêu chuẩn của họ. Hy vọng nước Mỹ dẫn đầu trước tiên, sau đó quốc gia khu vực khác, tất cả đài truyền hình vệ tinh, truyền tin quần chúng cùng mạng internet có thể phổ biến phát sóng nền giáo dục tích cực. Tôi nghĩ như vậy mới có thể thu được một ít hiệu quả. Truyền hình không có tội, nó là công cụ. Giống như thân thể của chúng ta, thân thể là công cụ, chúng ta phải cố gắng dùng nó để tích lũy công đức, dùng nó để vượt qua luân hồi, thoát khỏi mười pháp giới, thành Phật, làm Tổ, nhưng bạn phải khéo dùng nó, phải biết dùng nó. Người không biết dùng thì dùng nó để tạo nghiệp, dùng nó để tương lai đọa địa ngục, đọa ngạ quỷ, thành súc sanh, đây là do bạn đã dùng sai thân thể.

Trong chú giải, lão cư sĩ Hoàng đã trích dẫn một đoạn ở trong “Vãng Sanh Luận” để nói. Ở trong “Vãng Sanh Luận” nói: “Xa lìa ngã tâm, tham đắm tự thân”. Đây là một câu. Cái ngã tâm này là vọng tâm, chính là chúng ta hiện nay nói tâm tự tư tự lợi. Đây là sai lầm, cần phải nên xa lìa, cần phải nên xả bỏ, phải giác ngộ. Giác ngộ là gì? Thân là công cụ sinh tồn của chúng ta, là công cụ tạo tác của chúng ta, ta phải lợi dụng công cụ này để sống đời sống bình thường.

Cư sĩ Hứa Triết ở đây biểu diễn cho chúng ta thấy, bà là người sống đời sống bình thường. Quy tắc sống của Bồ Tát là “Lục Ba-La-Mật”, bà thảy đều làm được rồi. Bố thí Ba-La-Mật, “Bố thí” là vì tất cả chúng sanh phục vụ, bà cả đời vì người già phục vụ, vì người bệnh phục vụ, vì tất cả chúng sanh khổ nạn phục vụ. Trong phục vụ bao gồm ba loại bố thí. “Bố thí tài”, các bạn thấy, bà không có tiền, bà một xu cũng không có, bà dùng nội tài bố thí. Nội tài là sức lao động, chúng ta ngày nay gọi là làm việc nghĩa, đây là thuộc về nội tài. Nội tài đáng quý hơn ngoại tài, được phước báo lớn hơn. Dùng “bố thí pháp”, bố thí pháp ở trong Kinh Phật nói là vì người diễn nói. Diễn là biểu diễn, bà làm được rồi, làm ra cho bạn thấy, khiến người nhìn thấy sinh tâm giác ngộ, sinh tâm ngưỡng mộ, sinh tâm học tập theo bà, đây là bố thí pháp. “Bố thí vô úy”, bà có thể khiến người khổ nạn, người bị bệnh có được sự chăm sóc của bà, có được sự an ủi của bà. Cho nên tôi nói bà là người “phú quý” thật sự trên thế gian. Sao gọi là “phú”? Là những nhu cầu đời sống thường ngày không bị thiếu thốn, đó chính là phú, không cần phải nhiều, bà mỗi ngày sống không thiếu thốn, đây chính là phú. Sao gọi là “quý”? Không phải bà có địa vị, mà là được đại chúng xã hội khắp nơi tôn kính, đây chính là quý. Bà được phú quý thật sự. Ở trong Phật pháp nói phú quý, Đại đức xưa thường nói: “Không đọc “Hoa Nghiêm” thì không biết phú quý của nhà Phật”. Có một số người hiểu sai câu nói này, luôn rơi vào trong vọng tưởng, phân biệt, nhất định là Phật phải ở trên rất cao, đây là chỗ tôn quý của Phật. Phật giàu có, thử xem Thế giới Hoa Tạng, Thế giới Cực Lạc, kiểu hưởng thụ vật chất đó, muốn gì có nấy, nên đều muốn lên trên đó cả. Đây là hiểu lệch ý nghĩa rồi, hiểu sai rồi. Ý nghĩa đích thực là giống như cách thức sống này của cụ Hứa Triết.

Phật Thích Ca Mâu Ni năm xưa còn tại thế, Ngài trải qua đời sống phú quý thật sự. Đời sống vật chất của Ngài là ba y một bát, ngày ăn một bữa, tối ngủ gốc cây, đây là đại phú. Xả thân, xả mình, lấy việc dạy học làm nghĩa vụ, cho nên tôi xưng Phật Thích Ca Mâu Ni là nhà lao động nghĩa vụ giáo dục xã hội đa nguyên văn hóa. Ngài được tất cả người đương thời và hậu thế tôn kính. Đây là phú quý thật sự, là đại quý, những đế vương, thừa tướng, hào phú thế gian không thể sánh bằng.

/ 374