PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 149
Kinh văn: “Nhược văn ngã danh, thọ chung chi hậu, sanh tôn quý gia, chư căn vô khuyết”.
26. Nguyện thứ hai mươi sáu: “VĂN DANH ĐẮC PHƯỚC NGUYỆN”
Phía trước tôi đã từng nói qua với các vị, nguyện thứ mười tám “mười niệm ắt sanh” là chánh nhân vãng sanh, người xưa nói đây là trung tâm của 48 nguyện, điều này có thể lý giải. Thế nhưng, nguyện thứ mười chín và nguyện thứ hai mươi thực tế là bổ sung cho nguyện thứ mười tám. Trong hai phẩm Kinh văn “Tam Bối Vãng Sanh” và “Vãng Sanh Chánh Nhân”, Thế Tôn nói với chúng ta, điều kiện quan trọng nhất là “phát tâm Bồ Đề, một lòng chuyên niệm”. Nguyện thứ mười tám là “một lòng chuyên niệm”, nguyện thứ mười chín cùng nguyện thứ hai mươi chính là “phát tâm Bồ Đề”, có thể thấy được quan hệ của ba nguyện này rất là mật thiết, hay nói cách khác, tính quan trọng của nguyện thứ mười chín cùng nguyện thứ hai mươi hoàn toàn tương đồng với nguyện thứ mười tám.
Gần đây, bên ngoài có rất nhiều nơi đề xướng “Bổn Nguyện Niệm Phật”, họ nói là có thể không cần đọc Kinh, không cần niệm Phật, chỉ nương theo nguyện thứ mười tám thì được rồi. Việc này trên lý mà nói thì không có vấn đề, có thể nói được thông, thế nhưng những người này đã đem ý nghĩa của Phật hiểu sai đi. Chúng ta mỗi ngày đọc kệ khai Kinh: “Nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, những người này là hiểu sai đi chân thật nghĩa của Như Lai, hiểu lầm đi chân thật nghĩa của Như Lai. Việc này sẽ sinh ra chướng ngại rất lớn đối với người niệm Phật, đem sự vĩnh thoát luân hồi ngay trong đời này, cơ hội vãng sanh Tịnh Độ bị lỡ qua, loại tổn thất này không cách gì tưởng tượng được. Các vị đồng tu nếu gặp phải những sự việc này thì nhất định phải dùng tâm từ bi mà khai đạo cho họ. Chúng ta ở trong giảng tòa thường hay nói, đặc biệt là giáo huấn trên “Kinh Hoa Nghiêm”: “Một là tất cả, tất cả là một”, đây là chân tướng sự thật. Hay nói cách khác, trong 48 nguyện, bất cứ nguyện nào cũng đều viên mãn bao gồm 47 nguyện khác, nếu như thiếu một nguyện thì 48 nguyện không viên mãn, liền có kém khuyết; bất cứ nguyện nào đều viên mãn bao gồm 47 nguyện còn lại, vậy mới gọi là bổn nguyện. Cách giải thích về bổn nguyện này, thực tế mà nói vẫn là ngoài da, ý nghĩa không đủ viên mãn. Thế nào mới gọi là viên mãn? Bất cứ một nguyện nào cũng đều bao gồm giáo nghĩa toàn bộ “Kinh Vô Lượng Thọ”, không chỉ là một nguyện, mà bất cứ một câu, một chữ nào trên Kinh cũng đều viên mãn hàm nhiếp Kinh nghĩa của toàn Kinh, vậy mới gọi “một là tất cả, tất cả là một”. Nếu bạn có sự nhận biết này thì mới có thể nói đó là “Bổn Nguyện Niệm Phật”, còn như không có sự nhận biết này mà nói đó là “Bổn Nguyện Niệm Phật” thì là sai. Đặc biệt ở ngay chỗ này có bổ sung vài câu nói, hy vọng các đồng tu không nên bị những lời tuyên truyền này mê hoặc, chính mình phá hoại công đức lợi ích của chính mình, vậy thì sai rồi.
Thực tế mà nói, nguyện thứ hai mươi sáu và nguyện thứ hai mươi lăm phía trước, đây là nói người tu học pháp môn Tịnh Độ, trì danh niệm Phật, nhưng nguyện vọng vãng sanh không mạnh, cảm thấy phước báo trời người vẫn không tệ, nên họ không nỡ xả bỏ thế gian. Các vị thử nghĩ xem, đây là người nào? Chính là chúng ta, không phải là người khác. Chúng ta ở ngay trong đời quá khứ, đời đời kiếp kiếp đã từng học qua pháp môn này. Trên “Kinh A Di Đà” nói rất hay: “Không thể thiếu thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh nước kia”. Thiện căn, phước đức, nhân duyên của chúng ta rất là sâu dày, chỉ cần chúng ta dùng tâm chân thành phát nguyện cầu sanh, không ai mà không được sanh Tịnh Độ. Nếu bạn vẫn còn chút lưu luyến đối với thế gian này thì bạn không thể đi. Tuy là không thể đi, ngay đời này của chúng ta cũng không phải uổng phí, phước báo trời người là khẳng định. Được phước báo lớn của trời người là A Di Đà Phật chính mình nói với chúng ta, phẩm Kinh này là Thế Tôn vì chúng ta mà chuyển thuật báo cáo của A Di Đà Phật, cũng như A Di Đà Phật đích thân nói với chúng ta, không hề khác nhau. Cho nên, nguyện này rõ ràng nói với chúng ta: “Nhược văn ngã danh, thọ chung chi hậu, sanh tôn quý gia, chư căn vô khuyết”. Câu này bao hàm lấy phước đức viên mãn. “Tôn quý gia” là tiền của không thiếu kém, thông minh trí tuệ không thiếu kém. Phía sau lại nói “chư căn vô khuyết”, đây chính là khỏe mạnh sống lâu.