/ 374
535

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 150

Ở ngay chỗ này chúng ta liền biết được, sanh Phạm Thiên là trời sơ thiền. Sơ thiền là Phạm Thiên, nhị thiền là Quang Thiên, tam thiền là Tịnh Thiên, do đây có thể biết, địa vì này không phải là rất cao. Nếu bạn muốn sanh Phạm Thiên, bạn phải tu thành thiền định. Thiền định của thế gian là sơ thiền trong Tứ thiền. Người sơ thiền được thiền định, họ đã lìa dục rồi,cho nên tâm thanh tịnh, bình đẳng hiện tiền; tâm địa được thanh tịnh, bình đẳng, đây là sơ đắc. Cho nên, ngay trong mỗi niệm vẫn còn ham muốn hưởng thụ quá đáng, tâm của bạn chắc chắn sẽ không thanh tịnh, không bình đẳng, hay nói cách khác, bạn không thể được thiền định.

Có đồng tu nói với tôi, họ cũng đã từng gặp qua một số Đại đức tu hành, tên tuổi rất cao, nghe nói công phu dường như cũng không tệ, có năng lực trị bệnh cho người, gần như đều có thần thông,thế nhưng cái ta của họ rất lớn, trong mắt không người, rất là kiêu ngạo. Các vị nghĩ xem, đây là Đại đức như thế nào? Chúng ta xem thấy trong điển tích của thánh hiền thế xuất thế gian, người càng có học vấn, có đức hạnh thì càng khiêm tốn, càng nhường nhịn, đối nhân xử thế tiếp vật tâm bình khí hòa, chắc chắn không có hiện tượng cống cao ngã mạn này. Do đây có thể biết, họ tuyệt đối không phải là thánh hiền nhân của thế xuất thế gian, họ là người cõi nào vậy? Chúng ta đọc "Kinh Lăng Nghiêm", phía sau có nói 50 loại ngũ ấm ma, xem từ biểu hiện bên ngoài, trí tuệ thần thông đạo lực của ma cùng chư Phật Bồ Tát gần như không có gì khác biệt, nhưng ma có tánh khí, có tính tình, trong mắt không người. Từ chỗ này chúng ta liền biết được, họ tương ưng với 50 loại ngũ ấm ma, không tương ưng với Phật Bồ Tát. Cho nên trên "Kinh Lăng Nghiêm" Phật nói thời đại này của chúng ta là "tà sư nói pháp nhiều như cát sông Hằng". Những tà sư này rất có thế lực, rất có phước báo, phước báo của họ lớn hơn nhiều so với chúng ta, chúng ta không thể sánh với họ, họ cũng có rất nhiều đồ chúng, chính gọi là "pháp nhược ma cường", chúng ta ở bất cứ phương diện nào cũng đều không thể sánh được với họ. Thế nhưng, cái đạo này của chúng ta chắc chắn có thể sanh Tịnh Độ, chắc chắn có thể thấy A Di Đà Phật, còn đạo đó của họ thì không thể. Phân biệt giữa tà và chánh, thực tế mà nói là rất đơn giản, trong chánh pháp chắc chắn là phải đoạn phiền não, không thể nói là tăng thêm phiền não, không có đạo lý này.

Cho nên, "phạm hạnh" vẫn có nghĩa sâu, nghĩa sâu gì vậy? Trên "Pháp Hoa Gia Tường Sớ" lại nói, "phạm hạnh chi tướng giả, phạm danh Niết Bàn, tức căn bản pháp luân, đại Niết Bàn dã, hạnh tức vạn hạnh, đáo đại Niết Bàn dã", ý nghĩa này sâu. Đây là Thế Tôn đã nói trên Kinh Đại Thừa, đích thực là ý này. Nghĩa cạn của "phạm hạnh" là có thể siêu việt sáu cõi, nghĩa sâu là không những siêu việt sáu cõi, mà còn siêu việt mười pháp giới. Đại Niết Bàn trong pháp căn bản, "hạnh" đích chỉ Lục Độ Vạn Hạnh, tu Lục Độ Vạn Hạnh liền có thể đến Đại Niết Bàn. Trong "Đại Nhật Kinh Sớ" cũng có cách nói này, "phạm vị Niết Bàn, phạm hạnh vị tu, phạm hạnh giả danh, cụ đại Niết Bàn, danh vi phạm". Do đây có thể biết, ý nghĩa của chữ "phạm" tuyệt nhiên không hạn cuộc ở trì giới và đoạn dâm mà thôi, huống hồ bổn nguyện của A Di Đà Phật,trong nguyện văn này nói"thù thắng phạm hạnh", ý nghĩa của nó liền viên mãn; cạn, sâu, rộng hẹp, tròn đầy, viên mãn, hàm nhiếp ở ngay trong đó.

Chúng ta phải học tập như thế nào? Việc thứ nhất là buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước của chính mình, tùy thuận giáo huấn trên "Kinh Vô Lượng Thọ". Đặc biệt là trong Kinh điển nói với chúng ta quy phạm trong cuộc sống thường ngày, từ phẩm 33 đến phẩm 37 của bổn Kinh này, đoạn Kinh văn này nói về năm giới mười thiện, người xưa nói rất hay,nói được rất tường tận. Trong những năm gần đây, đồng tu ở các nơi yêu cầu tôi thọ Tam quy ngũ giới. Tam quy thì tôi đã giải thích tỉ mỉ rồi, còn ngũ giới thì tôi chọn lấy đoạn Kinh văn trong "Kinh Vô Lượng Thọ" này, đây là Thế Tôn ở trên hội "Vô Lượng Thọ" giảng cho chúng ta nghe tường tận Tam quy ngũ giới. Hiện tại chúng ta đem đoạn Kinh văn này biên vào trong Kinh văn của khóa tụng tối, mỗi tối đọc qua một lần. Chúng ta nỗ lực mà phản tỉnh, kiểm điểm, những điều Phật dạy chúng ta làm, chúng ta có làm được hay chưa? Những điều Phật dạy chúng ta không được làm, chúng ta có trái phạm hay không? Đây gọi là chân thật tu khóa sớm tối, không đến nỗi chỉ có hình thức mà không có nội dung của khóa sớm tối. Chỉ trọng hình thức, không trọng thực chất thìchúng ta không thể chuyển đổi được nghiệp, hay nói cách khác, tương lai sau khi chết vẫn phải luân hồi. Điều này không phải trò đùa, không phải là diễn kịch. Chúng ta có muốn ngay trong một đời này vĩnh thoát luân hồi hay không? Thế gian này quá khổ rồi!

/ 374