/ 374
508

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 148

Tu học Phật pháp là trọng thực chất, không trọng hình thức. Thực chất, tâm chân thật là Phật tâm. Tâm của Phật là tâm gì? Đó là tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm chánh giác, tâm từ bi. “Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi”, năm mục mười chữ này chính là tâm Bồ Đề mà trên Kinh đã nói. Ngay trong mười chữ này, trong mỗi một chữ đều đầy đủ chín chữ khác mới là chân thật, không thể phân khai. Chân thành là gì? Thanh tịnh là chân thành, bình đẳng là chân thành, chánh giác là chân thành, từ bi là chân thành. Từ bi là gì? Chân thành là từ bi, thanh tịnh là từ bi, bình đẳng là từ bi, chánh giác là từ bi. Trên "Kinh Hoa Nghiêm" nói, "một là tất cả, tất cả là một, một và nhiều không hai". “Một là tất cả, tất cả là một”, đây là chân tâm của chúng ta.

Tâm Bồ Đề chân thật biểu hiện ở trên hành vi gọi là hạnh Bồ Tát. Bồ Tát hạnh là gì? Chính là Lục Độ, "bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, Bát Nhã". Cũng giống như vậy, "một là tất cả, tất cả là một"; trong bố thí có trì giới, có nhẫn nhục, có tinh tấn, có thiền định, có Bát Nhã, đây gọi là bố thí; trong trì giới có bố thí, có nhẫn nhục, có tinh tấn, có thiền định, có Bát Nhã, đó gọi là trì giới. Bất cứ một pháp nào quyết định viên mãn đầy đủ tất cả pháp, đây gọi là Phật pháp Đại Thừa. Lục Độ chỉ là một sự việc, không thể phân ra, không thể xem thành sáu sự việc. Lục Tổ Thiền tông - Đại Sư Huệ Năng nói rất hay, "Phật pháp là pháp không hai", vậy hai thì không phải là Phật pháp. Hai còn không phải là Phật pháp, vậy mà bạn phân nó thành sáu thì làm gì là Phật pháp? Sáu tức là một, một tức là sáu, đây là Phật pháp, nếu bạn không hiểu rõ thì bạn bắt tay vào từ chỗ nào? Thế nên, chúng ta phải làm cho thật rõ ràng, hiểu được trên Kinh nói "lễ bái quy mạng" là ý nghĩa gì, thì bạn mới có thể bắt tay vào, biết được chính mình phải làm thế nào. Hai câu phía sau là "dĩ thanh tịnh tâm, tu Bồ Tát hạnh", Thế Tôn nói rõ cho chúng ta, vì sợ rằng hai câu phía trước, chúng ta hàm hồ qua loa, không cầu thâm giải. "Tâm thanh tịnh", vừa rồi tôi đã nói qua, "chân thành, thanh tịnh, bình đẳng, chánh giác, từ bi", đây gọi là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh nhất định phải bao gồm bốn cái tâm khác.

"Tu Bồ Tát hạnh", Bồ Tát hạnh chính là tu hạnh Lục Độ. Thế Tôn ở trên "Kinh Kim Cang" dạy bảo chúng ta "lìa tất cả tướng, tu tất cả thiện". Tâm thanh tịnh là "lìa tất cả tướng", Bồ Tát hạnh chính là "tu tất cả thiện". Đối với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật, chúng ta phải dùng tâm trạng của sáu Ba La Mật. Cho nên lìa tướng là nhìn thấu, tu hành là buông xả; buông xả giúp đỡ nhìn thấu, nhìn thấu giúp đỡ buông xả. Tâm thanh tịnh thì thường sanh trí tuệ, Bồ Tát hạnh lại là phương tiện, "hằng thuận chúng sanh, tùy hỉ công đức", đây là Bồ Tát hạnh.

Tâm của chúng ta ngày nay không thanh tịnh. Làm thế nào để tu tâm thanh tịnh? Phải ở ngay trong hành mà tu tâm thanh tịnh, hành là sinh hoạt, làm việc, là thù đáp, ở ngay trong đó học không dính tướng thì tâm liền thanh tịnh. "Không dính tướng", câu nói này vẫn là rất mơ hồ, trên "Kinh Kim Cang" nói với chúng ta được rất cụ thể, tất cả tướng là tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Phật dùng bốn tướng này bao quát tất cả tướng thế xuất thế gian, bao gồm tất cả hiện tượng đều không rời bốn phạm vi này; ra khỏi bốn phạm vi này chính là lìa tất cả tướng, tâm của bạn liền thanh tịnh. Lời nói này nếu như bỗng chốc vẫn không thể hội được, chúng ta nói rõ hơn một chút. Chúng ta ở ngay trong lúc giảng giải thường hay nói đến vọng tưởng, phân biệt, chấp trước; tất cả pháp thế xuất thế gian, buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, tâm của bạn liền thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là chân tâm, là chân như tự tánh, trong Tông môn thường nói là "minh tâm kiến tánh". Tâm thanh tịnh hiện tiền chính là "minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật".

Nếu muốn được tâm thanh tịnh thì chúng ta nhất định phải tu từ trên tướng. Mỗi ngày từ sớm đến tối, chúng ta mở to mắt mà nhìn hình hình sắc sắc, lỗ tai nghe qua các loại âm nhạc, sáu căn tiếp xúc với cảnh giới sáu trần mà tu. Cảnh giới rõ ràng tường tận, thấu suốt phân minh, đây là tướng có; tâm địa trong sạch, thanh tịnh, một trần không nhiễm, đó là tánh không. Không và có là một, không phải hai. Nếu bạn chân thật tu hành, chân thật dụng công, thì đây là quán chiếu mà đại đức xưa thường nói, trong 24 giờ đồng hồ, từng giây từng phút cũng không quên đi quán chiếu. Nếu không quán chiếu thì công phu sẽ gián đoạn, mà công phu vừa gián đoạn thì phiền não liền khởi hiện hành, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước liền khởi lên, cho nên chúng ta phải cảnh giác.

/ 374