/ 374
820

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 140

(Tập 140)

Chúng ta nghĩ lại xem, Bồ Tát phát tâm Bồ Đề, hành Bồ Tát đạo, không thể bởi vì chúng sanh khó độ mà thoái tâm. Chúng ta chính mình nghĩ lại chính mình, xem chính mình có thoái tâm hay không? Thường có! Trong thuận cảnh sẽ thoái tâm, ham thích hưởng thụ, không chịu xả bỏ; trong nghịch cảnh, nghịch duyên cũng không dễ, thoái tâm, khó độ. Hảo tâm đi cứu giúp họ, nhưng vẫn bị họ dùng ác ý hồi báo, “thôi vậy, không làm nữa!”, vậy là thoái tâm. Sự việc như vậy quá nhiều, quá nhiều. Cho nên phải duy trì không thoái tâm thì thật khó.

Chúng ta ở ngay trong 40 năm tu học không hề bị thoái tâm, được đắc lực là nhờ ngày ngày giảng Kinh, không có ý niệm thoái chuyển, đọc qua Phật Kinh lại nâng cao mình lên, cho nên đọc Kinh chính là thân cận Phật Bồ Tát. Cùng các đồng tu cùng nhau nghiên cứu thảo luận, nghiên cứu thảo luận là khai trí tuệ. Ngay trong nghiên cứu thảo luận là cổ vũ không nhỏ với chính mình, mới có thể giữ được bất thoái, mới có thể ngày ngày đang tiến bộ. Người xưa đã nói giáo học tương trường, chúng ta thể nghiệm được. Tại vì sao Bồ Tát vĩnh vô gián đoạn vì tất cả chúng sanh mà diễn thuyết? Chúng ta tỉ mỉ mà nghĩ lại cũng có đạo lý, vẫn là không vì chính mình, vì chúng sanh mới là chân thật vì chính mình. Nếu không vì chúng sanh ngày ngày giảng Kinh thuyết pháp, họ liền thoái đọa vào Nhị thừa. Mỗi ngày vì đại chúng diễn thuyết, đạt được cổ vũ rất lớn, đạt được khích lệ rất lớn. Bồ Tát không phải vì chính mình, mà vì mọi người diễn thuyết, tất nhiên là nghe Bồ Tát khác diễn thuyết. Nếu không phải giảng Kinh thì nghe Kinh, làm được không gián đoạn mới có thể bảo đảm duy trì Hạnh Bất Thoái.

Chúng ta đọc “Kinh Hoa Nghiêm”, trong đó có câu: “Văn huân thành chủng”, tôi cảm khái rất sâu sắc đối với bốn chữ này. Tôi thể hội được tất cả thất bại của những người tu học, chính là thời gian huân tập không đủ. Chúng ta đều là phàm phu, không phải người tái sanh. Người mà một nghe ngàn ngộ đến đâu để tìm? Không tìm được! Nếu phàm phu muốn thành tựu, ngoài “thinh huân thành chủng” ra, không có biện pháp thứ hai. Các vị xem thấy tôi ngoài những việc bất đắc dĩ ra, có ứng xử, có việc không thể thoát ra, nếu không mà nói, bất cứ người nào giảng Kinh, tôi đều không hề bỏ qua, tôi nhất định đến nghe. Không chỉ là các vị học trò tập giảng Kinh tôi đến nghe, mà các tôn giáo khác giảng Kinh tôi cũng đến nghe. Không học thì không thể thành tựu. Bạn chính mình phải có thể duy trì Vị Bất Thoái, bạn không có phương tiện khéo léo thì làm sao bạn có thể làm được? Phương tiện khéo léo chỉ có nghe Kinh, giảng Kinh, ở mọi lúc mọi nơi vì người diễn nói, không được để gián đoạn. Diễn là biểu diễn, làm ra kiểu dáng cho người xem. Khi ở một mình, không có người cũng không thể nào buông lung. Có những quỷ thần mà mắt thịt chúng ta không thấy được, phải làm ra kiểu dáng cho quỷ thần xem, quỷ thần cũng là chúng sanh, phải phổ độ chúng sanh. Đạo tràng này của chúng ta, đồng tu phải nên tin tưởng là có quỷ thần. Lầu 1, lầu 2 của chúng ta hiện tại đang phát truyền hình, 24 giờ không gián đoạn, đây là do quỷ thần yêu cầu, họ yêu cầu được nghe Kinh. Cho nên cư sĩ Đỗ Mỹ Chiên nói được rất hay, cô khuyên các anh em của cô nghe Kinh “các người không nghe Kinh, ngay đến quỷ cũng không bằng”. Lời nói này có đạo lý. Ở Cư Sĩ Lâm, ngay đến quỷ cũng yêu cầu được nghe Kinh, nhưng họ không cách gì đến được giảng đường này để nghe. Họ nói, ánh sáng của giảng đường quá mạnh, khi họ đến giảng đường, họ cảm thấy không chịu nổi, cho nên yêu cầu chúng ta mở phát băng đĩa giảng ở lầu 1 và lầu 2. Họ đều đang ở đó nghe, mắt thịt chúng ta không thể nhìn thấy họ. Nhất là vào ban đêm, chúng ta đi qua những nơi đó thì phải đi nhè nhẹ, không nên làm ồn họ, không nên cho rằng không có việc gì thì có thể lớn tiếng la hét, nhiễu loạn họ. Tâm của họ cũng rất từ bi, cho rằng các bạn không biết chuyện, bạn nhiễu loạn, họ cũng tha thứ bạn. Bạn thử nghĩ xem, chúng ta làm sai sự việc, để quỷ thần tha thứ thì thật rất là hổ thẹn. Cho nên phải giữ tâm chân thành, cung kính, tuy là không nhìn thấy họ, nhưng chúng ta cũng phải biết có không ít người đang ở nơi đó.

Thứ ba là “Niệm Bất Thoái”. Trên Kinh thường nói niệm “tâm tâm lưu nhập tát bà khổ hải”. Lời nói này không dễ hiểu, cái gì gọi là Tát Bà khổ hải? Tát Bà Nhược là tiếng Phạn, ý nghĩa của nó là trí tuệ Bát Nhã tự tánh, người xưa phiên dịch là “nhất thiết chủng trí”, trí tuệ mà Như Lai chứng đắc. Mỗi niệm cùng tương ưng với nhất thiết chủng trí thì gọi là Niệm Bất Thoái. Chúng ta đem lời nói này nói rõ một chút để mọi người dễ hiểu, mỗi niệm tương ưng với tánh đức thì gọi là Niệm Bất Thoái. Khởi tâm động niệm trái ngược với tánh đức, vậy thì sai, thì thoái chuyển. Có lẽ có đồng tu muốn hỏi, cái gì là tánh đức? Chúng ta từ hai phương diện“lý - sự” mà nói, ở ngay trong nhiều năm như vậy, chúng ta đem giáo huấn của Kinh luận tổng kết thành hai mươi chữ: “Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi”, đây là từ trên lý mà nói; “Nhìn Thấu, Buông Xả, Tự Tại, Tùy Duyên, Niệm Phật”, đây là từ trên sự mà nói. Ở mọi lúc mọi nơi, với người, với việc, với vật, tâm niệm của chúng ta cùng với hai mươi chữ này tương ưng, đó chính là Niệm Bất Thoái. Không tương ưng cùng với hai mươi chữ này, bạn liền thoái chuyển. Hai mươi chữ này là tánh đức của chúng ta, là trí tuệ chân thật của Như Lai. Việc này nói ra mọi người liền dễ dàng hiểu được. Tâm chân thành, chắc chắn không tự gạt mình gạt người, thế nhưng sự việc này rất khó, vì sao vậy? Chúng ta đều cho rằng tâm ta chân thành, ta không hề lừa gạt chính mình, ta cũng không lừa gạt mọi người, vậy còn cách nào? Tiên sinh Tăng Quốc Phiên ở trong bút ký đọc sách đã định nghĩa cho chữ “thành” rất hay. Ông nói như thế nào thì gọi là “thành”? “Một niệm không sanh gọi là thành”. Trong tâm của chúng ta khởi lên ý niệm thì liền không thành, khởi lên ý niệm “tôi rất chân thành” thì đã không thành rồi, cho nên “thành” không dễ dàng. Tâm “thành” vừa phát thì tâm Bồ Đề liền hiện tiền. Thể của tâm Bồ Đề là tâm chí thành. “Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh”, Thế Tôn nói với chúng ta, dụng của tâm Bồ Đề là thâm tâm, tâm hồi hướng, phát nguyện. Cho nên tâm chân thành vừa khởi lên, bạn chính là Bồ Tát, không phải Bồ Tát Sơ Tín Vị, bạn là địa vị Bồ Tát nào vậy? Bồ Tát Sơ Trụ Vị. Viên Giáo Sơ Trụ siêu vượt A La Hán, Bích Chi Phật rất nhiều. A La Hán, Bích Chi Phật mới là Bồ Tát Thất Tín Vị, tâm Bồ Đề chưa phát. Phát tâm Bồ Đề là Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát (sơ trụ là phát tâm trụ). Sơ Trụ Bồ Tát là thế nào vậy? Trên “Kinh Kim Cang” đã nói Sơ Trụ Bồ Tát, trong “Đại Thừa Khởi Tín Luận” cũng đã nói Sơ Trụ Bồ Tát. Do đây có thể biết, Sơ Trụ Bồ Tát đã phá được bốn tướng rồi, bốn tướng là vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng; bốn kiến là vô ngã kiến, vô nhân kiến, vô chúng sanh kiến, vô thọ giả kiến, cũng đã phá. Lìa tất cả tướng, tu tất cả thiện, họ chăm chỉ nỗ lực tu Lục độ vạn hạnh, con người này là Niệm Bất Thoái, chúng ta làm được sao?

/ 374