/ 374
606

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 139

Kinh văn:  "Lâm thọ chung thời, ngã dữ chư Bồ Tát chúng nghinh hiện kỳ tiền, kinh tu du gian, tức sanh ngã sát, tác A Duy Việt Trí Bồ Tát, bất đắc thị nguyện, bất thủ chánh giác".

Đây là nguyện thứ 20, "lâm chung tiếp dẫn nguyện", tôi đã giới thiệu với các bạn hôm qua. Hôm nay chúng ta lại xem tiếp. Ý nghĩa tinh túy nhất trong cái nguyện này của những vị đại đức xưa, chúng ta phải đọc nhiều. Trong "A Di Đà Kinh Viên Trung Sớ" của Đại Sư U Khê có một đoạn nói, chúng sanh Thế giới Ta Bà (chính là chỉ thế giới này của chúng ta), tuy là có thể niệm Phật, thế nhưng phiền não không thể đoạn, hay nói cách khác, phiền não xen tạp chánh niệm, phiền não làm phá hỏng đi chánh niệm của chúng ta. Sự việc này chúng ta không thể không lưu ý, không thể không xem trọng, bởi vì chúng ta biết rõ là cơ hội vãng sanh Thế giới Tây Phương Cực Lạc không dễ gì có được, chân thật là người xưa đã nói "vô lượng kiếp đến nay, hy hữu khó gặp". Chúng ta ngay trong một đời này, được thân người, nghe Phật pháp, đây là việc hy hữu, cho nên chúng ta phải trân trọng cơ hội này, vạn nhất không nên bỏ lỡ đi cơ hội này. Chúng ta luôn quá lơ là. Người bỏ qua cơ hội này thật là quá nhiều, không phải nói người thông thường. Người chưa tiếp xúc Phật pháp, hay người không tu pháp môn niệm Phật, chúng ta không cần phải nói tới. Người đã gặp được pháp môn niệm Phật, cũng có tâm muốn cầu vãng sanh, ngày ngày đọc "Kinh Vô Lượng Thọ", đọc "Kinh Di Đà", tại vì sao không thể vãng sanh? Tỷ lệ vãng sanh thật là quá kém. Năm xưa, lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam thường nói: "Một vạn người niệm Phật, chân thật vãng sanh chỉ có hai, ba người". Niệm Phật không thể vãng sanh, chính là để cơ hội quá tốt này bỏ lỡ qua ngay trước mặt, nguyên nhân sai lầm là phiền não không thể khắc phục. Có được cơ hội này không dễ dàng, nhưng mất đi rất dễ dàng. Chúng ta phải làm thế nào để khắc phục phiền não? Thực tế chúng ta không có năng lực. Đại Sư U Khê nói, người khi lúc lâm chung, chánh niệm hiện tiền, tâm không điên đảo, đây không phải là sức mạnh của chính mình, mà hoàn toàn nương vào từ bi cứu tế của A Di Đà Phật. Tuy chính mình không thể được chánh niệm, thế nhưng khi lâm chung chánh niệm hiện tiền, có thể được tâm không điên đảo thì liền vãng sanh. Sự việc này chúng ta có thể may mắn được hay không? Nhất định không được! Những người này làm sao có thể đạt được, chúng ta có suy nghĩ cặn kẽ hay không? Họ tu phước mà được. Tu phước gì vậy? Đoạn ác tu thiện. Điểm này họ chân thật làm đến được, làm được có thành tích, đoạn tất cả ác, tu tất cả thiện, cả đời tu phước. Cho nên cổ đức thường hay nói với chúng ta, nhất là các Tổ sư Đại đức trong nhà Phật dạy chúng ta, cả đời tu phước, không nên hưởng phước, để phước báo lưu lại sau cùng khi lâm chung mới hưởng. Khi lâm chung hưởng cái phước gì vậy? Tâm không điên đảo, chánh niệm hiện tiền, đó là phước báo lâm chung.

Khi sắp lâm chung, người muốn vãng sanh cần phải chuẩn bị ba điều kiện. Điều kiện thứ nhất chính là đầu óc họ rất rõ ràng, không chút mê hoặc nào. Sự việc này khó, rất không dễ dàng. Chúng ta chính mình có thể bảo đảm tương lai khi chết, khi lâm chung, rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo chăng? Đây là đại phước đức. Có đại phước đức thì có thể có đại nhân duyên, liền sẽ có tăng thượng duyên. Không có đại phước đức, cái nhân duyên này liền không có. Nhân duyên là gì? Khi sắp lâm chung gặp thiện tri thức giúp bạn trợ niệm. Cho nên đối với phàm phu học Phật như chúng ta mà nói, trợ niệm là vô cùng quan trọng. Trợ niệm vào lúc nào? Khi người bệnh trở bệnh nặng, vào lúc nguy cấp, thế nhưng thần trí của họ phải rõ ràng, vào lúc này giúp họ trợ niệm. Sau khi họ dứt hơi rồi, sự trợ niệm này tốt nhất có thể kéo dài 12 giờ đồng hồ, chí ít cũng phải giúp họ trợ niệm 8 giờ đồng hồ, đây là trợ niệm thông thường. Có đồng tu nói với tôi là họ đến Tăng Nghi Quán để trợ niệm. Tôi nói đó không phải trợ niệm, mà đó là đi siêu độ. Khi trợ niệm, người bệnh nhất định phải ở nhà, ở trong nhà của họ mà trợ niệm, họ vãng sanh ở trong bệnh, không thể nào ở Tăng Nghi Quán trợ niệm. Tăng Nghi Quán là siêu độ, đó là Phật sự siêu độ, không phải trợ niệm, chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng. Khi trợ niệm là người bệnh vẫn còn chưa dứt hơi thở, lúc này là thời khắc quan trọng, thiện tri thức ở bên cạnh chăm sóc cho họ, không để họ mất đi chánh niệm. Chánh niệm chính là nhất tâm theo mọi người niệm Phật, một lòng một dạ cầu sanh Tịnh Độ. Người khi sắp lâm chung, cả đời họ tạo tác nghiệp thiện ác, vào lúc này thảy đều sẽ hiện tiền, cho nên chúng ta thấy qua rất nhiều người bệnh, diễn biến ra trong lúc bệnh, năm - ba ngày trước lâm chung, hoặc giả là một tuần lễ trước lúc lâm chung sẽ có hiện tượng này. Họ thấy rất nhiều thân bằng quyến thuộc trong nhà. Họ nói, họ thấy người này đến rồi, đang ở ngoài cửa; người kia ở chỗ nào đó, họ nhìn thấy được. Họ nói ra đều là thân bằng quyến thuộc đã chết. Trên "Kinh Địa Tạng" nói rất rõ ràng, đây gọi là âm cảnh hiện tiền, cảnh giới này rất không tốt. Có phải là người thân quyến thuộc của họ không? Không phải! Đó là oan gia trái chủ của họ, biến hiện ra hình dáng thân bằng quyến thuộc đến mê hoặc họ, đến dẫn họ đi. Sau khi dẫn đi thì tính sổ để báo thù. Những việc này trên "Kinh Địa Tạng" đều đã nói. Phàm hễ có hiện tượng này thì thiện hữu ở bên cạnh phải lập tức nhắc nhở họ không nên để ý, không quản đến những người đó, không quan tâm đến những người đó, nhắc nhở họ thành thật niệm Phật. Ý niệm của họ vừa chuyển thì cảnh giới đó của họ liền không còn. Cho nên khai thị khi lâm chung chỉ là những câu nói như vậy. Vào lúc đó không thể đọc Kinh, vì Kinh văn quá dài, càng tụng đầu óc của họ càng loạn, vậy thì đáng lo. Cũng không thể nói những lời gì khác, chỉ có một câu, bất kể họ thấy được ai, bảo họ không nên để ý đến, mà chỉ nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, A Di Đà Phật đến thì theo Ngài đi, không phải A Di Đà Phật, cho dù là Phật Bồ Tát nào cũng không nên để ý đến, không nên quan tâm đến họ. Lâm chung chỉ khai thị mấy câu nói như vậy, hộ trì cho người bệnh, phải hộ trì mấy ngày, chỉ mấy câu nói như vậy, ngày đêm không thể gián đoạn, mỗi giờ mỗi phút nhắc nhở họ, hộ trì chánh niệm của họ. Được vậy thì người này liền có phước báo, có thiện tri thức ở bên cạnh nhắc nhở, cắt đứt vọng niệm của họ, cắt đứt mê hoặc của oan gia trái chủ, giúp đỡ họ đề khởi chánh niệm, theo mọi người cùng nhau niệm Phật. Khi họ không thể niệm, khi thể lực yếu thì họ có thể lắng nghe, hoặc giả chúng ta thấy môi của họ mấp máy, việc này là quan trọng. Sau khi vãng sanh thông thường đều có tướng lạ rất tốt. Tướng lạ này có thể đoán định họ vãng sanh hay không? Không chắc chắn. Ngoài tướng lạ ra, nếu chính họ nói “A Di Đà Phật đến rồi, tôi thấy được A Di Đà Phật, A Di Đà Phật đến tiếp dẫn tôi”, đó mới là chân thật vãng sanh. Nếu như ngay trong thời gian trợ niệm, họ không hề nói có Phật đến, xem thấy Phật rồi, xem thấy Quán Âm Bồ Tát, vậy thì rất khó nói, thế nhưng chắc chắn không đọa ba đường ác. Cho nên đời sau hưởng phước báo trời người thì vẫn có tướng lạ. Phàm hễ có tướng tốt thì chắc chắn không đọa ba đường ác, tướng đọa ba đường ác không tốt. Trợ niệm nhất định phải kéo dài 12 giờ đồng hồ sau khi họ dứt hơi thở, đây gọi là trợ niệm. Điều kiện cơ bản là chính bản thân họ nhất định phải tu phước, vì không có phước báo, lâm chung thần trí không rõ ràng, không nhận biết thân bằng quyến thuộc, vậy thì rất khó khăn, vô cùng khó khăn. Đối với những trường hợp này chúng ta cũng vẫn phải trợ niệm cho họ, có trợ niệm tốt hơn là không trợ niệm, còn vãng sanh hay không thì thật là khó nói. Thế nhưng cho dù họ đọa vào đường ác, cũng sẽ giảm nhẹ thống khổ cho họ, đây là khẳng định. Cho nên công đức trợ niệm không thể nghĩ bàn. Người có phước báo, vào lúc này nhất định có Phật lực gia trì. Cái nguyện này là từ bi đại nguyện của Phật, cho nên Phật lực gia trì bạn, vào lúc này tâm bạn không điên đảo, gìn giữ chánh niệm, chánh niệm hiện tiền liền được vãng sanh. Đoạn lời nói này của Pháp sư U Khê. Trong "Kinh A Di Đà" của Đại Sư Huyền Trang dịch và ở trong "Kinh Bi Hoa" cũng có cách nói này. Đại Sư Huyền Trang đã dịch "Kinh A Di Đà", giảng gọi là "Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ Kinh", cùng Đại Sư La Thập dịch là cùng một nguyên bản. Đại Sư La Thập dịch là dịch ý, Đại Sư Huyền Trang dịch là trực dịch. Hai bổn này hợp lại xem thì ý nghĩa rất rõ ràng, rất tường tận.

/ 374